Cổ phiếu "vua" trở lại "đường đua": TCB và VCB ghi dấu ấn

(Banker.vn) Tính chung cả tuần (từ 24 - 28/7), xu hướng tăng giá vẫn chiếm ưu thế trên nhóm cổ phiếu ngân hàng với 17 mã tăng giá và 10 mã giảm.

Sau khi điều chỉnh trong phiên 27/7, thị trường chứng khoán Việt Nam trở lại mạnh mẽ trong phiên giao dịch cuối tuần. Đóng cửa phiên 28/7, VN-Index tăng 10,34 điểm lên 1.207,67 điểm.

Cổ phiếu ngành ngân hàng có diễn biến tích cực trong phiên cuối tuần với phần lớn các mã đều đóng cửa trong sắc xanh. Kết phiên, toàn ngành ghi nhận 20 mã tăng, 4 mã giảm và 3 mã đứng giá tham chiếu.

Cổ phiếu
Thanh khoản nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm 10% so với tuần trước đó, với gần 960 triệu cổ phiếu được giao dịch, tương ứng với giá trị đạt 19.642 tỷ đồng.

Cổ phiếu MSB dẫn đầu tăng giá nhóm ngân hàng niêm yết khi tăng 2,2% lên mức 13.700 đồng/cp với khối lượng giao dịch đạt 31,2 triệu đơn vị, đây là mức thanh khoản cao nhất kể từ khi niêm yết.

Thực tế, cổ phiếu MSB diễn biến sôi động trong những khoảng 2 tuần trở lại đây với khối lượng giao dịch khớp lệnh liên tục duy trì ở mức trên dưới 20 triệu đơn vị/phiên. Đi cùng với thanh khoản, thị giá MSB cũng đã tăng gần 8% trong 10 phiên trở lại đây.

Trong một diễn biến liên quan, mới đây ông Phạm Lê Việt Anh thông báo sẽ bán toàn bộ hơn 2,1 triệu cổ phiếu MSB trong thời gian từ 1-30/8 nhằm mục đích đầu tư tài chính. Theo đó, nếu bán thành công, ông Việt Anh sẽ hạ sở hữu tại MSB từ hơn 4,1 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 0,206%) xuống còn 2 triệu cổ phiếu (0,1%).

Chung niềm vui cùng MSB là cổ phiếu TCB của Techcombank khi mã này tăng 2,1% lên mức 33.800 đồng/cp với khối lượng giao dịch đạt hơn 5,6 triệu đơn vị. Một cổ phiếu ngân hàng khác là VPB cũng xanh hơn 1,6% lên mức cao nhất trong hơn 1 năm qua. Với diễn biến trên, TCB và VPB là hai mã ngân hàng có đóng góp tích cực nhất cho chỉ số VN-Index trong phiên cuối tuần.

Tính chung cả tuần (24 - 28/7), xu hướng tăng giá vẫn chiếm ưu thế trên nhóm cổ phiếu ngân hàng với 17 mã tăng giá và 10 mã giảm.

Đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng niêm yết trên HOSE, TCB và VCB là 2 mã có đà tăng tốt nhất tuần (+4,6%). Là cổ phiếu có vốn hóa lớn, với mức tăng này, VCB cũng là mã có ảnh hưởng tích nhất nhất tới VN-Index tuần qua xét theo số lượng cổ phiếu lưu hành.

Ở chiều ngược lại, 2 mã CTG và BID điều chỉnh nhẹ, với mức lần lượt là -0,7 và -0,1% sau 5 phiên giao dịch. 3 mã giảm nhiều nhất tuần qua là KLB, NAB và PGB với mức điều chỉnh từ 2,6 - 3,2%.

Thanh khoản nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm 10% so với tuần trước đó, với gần 960 triệu cổ phiếu được giao dịch, tương ứng với giá trị đạt 19.642 tỷ đồng. Vị trí dẫn đầu về thanh khoản thuộc về VPB tuần này với giá trị giao dịch đạt 2.767 tỷ đồng. STB đứng sát sau đó với mức khoảng 2.700 tỷ đồng.

Đáng chú ý, thanh khoản của cổ phiếu MSB tăng vọt trong tuần này với hơn 2.355 tỷ đồng, cao gần gấp 3 lần so với tuần trước đó. Thanh khoản MSB tăng cao trong bối cảnh các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục xu hướng giảm tỷ trọng cổ phiếu này. Trong tuần, khối ngoại đã bán ròng tổng cộng 305 tỷ đồng cổ phiếu MSB, mức cao nhất thị trường, nâng tổng lượng bán ròng trong 2 tuần trở lạ lên 570 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, khối ngoại cũng bán ròng 151 tỷ đồng cổ phiếu CTG và 120 tỷ đồng STB. Ngược lại, nhóm này cũng mua ròng gàn 150 tỷ đồng cổ phiếu HDB.

Ở một diễn biến khác, nhóm tự doanh tiếp tục gom VPB khi mua ròng thêm 150 tỷ đồng cổ phiếu này, nâng tổng giá trị mua ròng trong 2 tuần trở lại lên hơn 460 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Phạm Thành Long - chuyên gia đến từ chứng khoán VNDirect cho rằng, nhóm cổ phiếu ngân hàng có xu hướng tăng tốt đưa thị trường vượt mốc 1.200 điểm. Hiện tại nhóm này đang tích lũy đi ngang, và xu hướng trong tuần sau sẽ tiếp tục đi ngang thêm 2-3 phiên trước khi tiếp tục hướng lên khu vực cao hơn. Chuyên gia VNDirect khuyến nghị nhà đầu tư ưu tiên mua cổ phiếu ngân hàng nếu giá điều chỉnh từ 2-3% trong các phiên đầu tuần, cân nhắc bán lướt ở các phiên giữa và cuối tuần sau.

Ngân hàng vẫn là ngành có khả năng sinh lời tốt

Trong bối cảnh khó khăn chung, theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, top 6 ngành được các chuyên gia và doanh nghiệp đánh giá tiềm tăng có nhiều cổ phiếu tăng trưởng tốt nhất bao gồm: Ngân hàng, Sản xuất và Phân phối điện, Sản xuất thực phẩm, Du lịch và Giải trí, Xây dựng và Vật liệu, Sản xuất dầu khí.

Nguồn: Vietnam Report, Tổng hợp Khảo sát chuyên gia và doanh nghiệp đại chúng, tháng 5/2022 và tháng 4-5/2023
Nguồn: Vietnam Report, Tổng hợp Khảo sát chuyên gia và doanh nghiệp đại chúng, tháng 5/2022 và tháng 4-5/2023

Tính đến thời điểm 20/6/2023, tổng phương tiện thanh toán tăng 2,53% so với cuối năm 2022 (cùng thời điểm năm trước tăng 3,30%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 3,26% (cùng thời điểm năm trước tăng 3,97%); tăng trưởng tín dụng đạt 3,13% (cùng thời điểm năm trước tăng 8,51%).

Vietnam Report nhận định ngành Ngân hàng vẫn đối mặt một số thách thức trong năm 2023 do biên lãi thuần có thể suy giảm, áp lực trái phiếu đáo hạn ngày càng tăng, lợi suất danh mục cho vay bị điều chỉnh giảm nhanh hơn theo lãi suất huy động mới… Đặc biệt, điều quan ngại đối với các ngân hàng trong năm nay là rủi ro chất lượng tín dụng suy giảm do doanh nghiệp ở nhiều ngành đang gặp khó khăn tạo áp lực nợ xấu gia tăng trong giai đoạn tới.

Tuy nhiên, những tín hiệu tích cực hơn của thị trường được kỳ vọng sẽ giảm sức ép lên hoạt động kinh doanh của ngân hàng trong nửa cuối năm 2023. Lãi suất cho vay đang hạ nhiệt cùng với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ các nút thắt trên thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp được Chính phủ triển khai sẽ giúp cầu tín dụng tăng trở lại trong thời gian tới, từ đó kết quả kinh doanh của các ngân hàng sẽ dần cải thiện. Khi lãi suất điều hành giảm, áp lực chi phí huy động của các ngân hàng bớt đi.

Mặt khác, lãi suất giảm xuống, người dân, doanh nghiệp cũng mạnh dạn vay vốn hơn. Từ đó, tăng trưởng tín dụng khởi sắc hơn so với giai đoạn đầu năm. Ngoài ra, các ngân hàng cũng đang linh hoạt, chủ động tìm kiếm các hướng đi mới để vượt qua khó khăn, chẳng hạn như câu chuyện bán vốn cho đối tác chiến lược nước ngoài của một số ngân hàng.

Báo cáo Vietnam Report đã nêu ra 5 cơ hội cho sự tăng trưởng của ngành Ngân hàng trong năm 2023 bao gồm: Các ngân hàng tăng cường đầu tư công nghệ số (100%); Những chính sách mới của Ngân hàng Nhà nước (85,7%); Kỳ vọng từ các gói kích thích kinh tế (71,4%); Các ngân hàng đang chuyển hướng mạnh mẽ trong cơ cấu hoạt động (71,4%); Triển vọng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam (57,1%).

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát ngân hàng, tháng 6/2023
Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát ngân hàng, tháng 6/2023

Mặc dù tất cả các ngân hàng đều điều chỉnh giảm kế hoạch lợi nhuận so với năm 2022 nhưng đây vẫn là ngành có mức điều chỉnh giảm kế hoạch lợi nhuận ít nhất. Trong bối cảnh khó khăn chung như hiện nay, ngành có vốn hóa lớn nhất thị trường là ngân hàng có tỷ lệ doanh nghiệp niêm yết kỳ vọng sẽ có nhiều cổ phiếu tăng trưởng nhất trong năm 2023 cao nhất – đạt 75,7%, tăng so với mức 46,2% của năm 2022. Cổ phiếu ngân hàng vẫn đang ở vùng giá hấp dẫn và phù hợp cho mục tiêu đầu tư dài hạn.

Trong báo cáo triển vọng nửa cuối năm, Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo, lợi nhuận trước thuế ngành ngân hàng giảm tốc trong năm 2023, tốc độ tăng chỉ đạt khoảng 10%. Đồng quan điểm, Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) cũng ước tính lợi nhuận trung bình của nhóm ngân hàng nghiên cứu chỉ tăng khoảng 12-15% trong năm 2023 nhưng lợi nhuận trong 6 tháng cuối năm sẽ tăng trên 20% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, ngân hàng Việt vẫn đang là ngành có khả năng sinh lời tốt hiện nay. Ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phân tích, Công ty CP Chứng khoán MayBank cho biết: “Hai năm qua (2021 và 2022), tốc độ tăng trưởng lợi nhuận hệ thống ngân hàng trên 30%. Đây là mức tăng trưởng tốt nhất trên toàn cầu và không thể duy trì mãi. Với ngân hàng nhiều quốc gia, mức tăng trưởng 18-20% đã là quá lý tưởng."

Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng cũng được dự đoán vẫn sẽ giữ mức tăng trưởng tốt trong giai đoạn nửa cuối năm 2023 và năm 2024.

Theo Công ty Chứng khoán VNDirect, các ngân hàng thương mại quốc doanh, với lợi thế cạnh tranh là một trong những kênh phân phối nguồn vốn chính của Chính phủ, sẽ là đối tượng chính được hưởng lợi từ việc thúc đẩy đầu tư công và có thể nhận mức tăng trưởng tín dụng cao hơn so với các ngân hàng khác trong ngành.

Ngoài ra, TCB, HDB, VPB, MBB có thể sẽ đạt tăng trưởng tín dụng tốt hơn trong năm 2023 so với các ngân hàng cùng ngành nhờ thanh khoản dồi dào (TCB, MBB), có bộ đệm vốn tốt (ví dụ: VPB, TCB) và kế hoạch hỗ trợ trong việc tái cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém (VCB, HDB, MBB).

Chiến lược đầu tư phù hợp khi VN-Index có thể chỉ đạt 1.250 điểm vào cuối năm

Vietcap duy trì quan điểm tích cực về thị trường nhưng giảm dự báo VN-Index 2023/2024 từ 1.300/1.500 điểm xuống 1.250/1.450 điểm, để phù hợp ...

Hé lộ cổ phiếu ngân hàng tiềm năng mang lại mức sinh lời cao nửa cuối năm

Mặc dù dự báo cho năm 2023 và 2024 là thận trọng và giá cổ phiếu đã tăng trong nửa đầu năm 2023, Vietcap (VCI) ...

Nhóm Dịch vụ tài chính và Bất động sản là điểm sáng trong mùa BCTC quý 2

Theo dữ liệu từ FiinGroup, tính đến ngày 27/7/2023, đã có 683 ngân hàng và doanh nghiệp niêm yết, đại diện 55% tổng giá trị ...

Quỳnh Nga

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán