Cổ phiếu Vinfast "đạp ga" vượt đỉnh, VIC dẫn dắt VN-Index hồi phục

(Banker.vn) Kết thúc phiên giao dịch 22/8, cổ phiếu VFS của VinFast đóng cửa với mức giá 36,72 USD/cổ phiếu, tăng 19,14 USD, tương đương mức tăng 108% so với phiên giao dịch trước.

Đà tăng đột biến trong phiên hôm qua đã đưa giá trị vốn hóa của hãng tăng thêm 44 tỷ USD chỉ sau 1 phiên, khép lại tuần đầu tiên giao dịch trên sàn Nasdaq tương đối thành công.

So với mức giá chào sàn hôm 15/8, tổng cộng cổ phiếu VinFast đã tăng 251%. Giá trị vốn hóa hiện đạt trên 84 tỷ USD, tức giá trị trên sổ sách của hãng xe điện đến từ Việt Nam cao hơn nhiều so với 2 công ty ô tô lâu đời của Mỹ là General Motors và Ford Motor. Hiện cổ phiếu GM đang ở mức gần 33 USD, vốn hóa 45,3 tỷ USD trong khi cổ phiếu Ford ở mức gần 12 USD, vốn hóa 47,5 tỷ USD. Đáng chú ý, trong phiên hôm qua, hơn 19 triệu cổ phiếu đã được giao dịch sang tay.

Cổ phiếu Vinfast
Diễn biến giá cổ phiếu VinFast.

VinFast tiếp tục trở thành cổ phiếu có hiệu suất tốt nhất trong số các công ty niêm yết trên TTCK Mỹ thông qua hình thức sáp nhập với 1 công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC) kể từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên hiện chỉ có 1,3 triệu USD cổ phiếu có thể giao dịch, đồng nghĩa cổ phiếu VinFast có thể biến động mạnh.

Đà tăng của cổ phiếu VinFast giúp tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tăng thêm 20,1 tỷ USD. Theo Bloomberg Billionaires Index, tài sản của tỷ phú giàu nhất Việt Nam tăng từ mức 21,2 tỷ USD hôm thứ 6 tuần trước lên 43,4 tỷ USD sau phiên hôm qua.

Với diễn biến trên, bà Lê Thị Thu Thuỷ, CEO của VinFast lên sóng truyền thông quốc tế tham gia cuộc trò chuyện với nhà báo Julia Chatterly (tờ CNN) vào khoảng 9h sáng (theo giờ Mỹ), chỉ khoảng 30 phút trước giờ mở cửa giao dịch. Qua đó, nữ CEO đã tiết lộ nhiều thông tin xoay quanh chiến lược của VinFast cũng như cổ phiếu VFS hậu niêm yết. Theo bà Thuỷ, VinFast có nhiều kế hoạch táo bạo.

CEO của VinFast cho biết, bên cạnh sự phục hồi của thị trường chung, doanh nghiệp này đang có sự hỗ trợ rất lớn đến từ công ty mẹ Vingroup và Chủ tịch Phạm Nhật Vượng, với cam kết tài trợ 2,5 tỷ USD, giúp hãng có thể hoạt động đến thời điểm hoà vốn và có lợi nhuận.

Hiện tại, VinFast đang xây dựng nhà máy tại Bắc Carolina, tập trung vào sản xuất, bàn giao xe. Bên cạnh các thị trường Bắc Mỹ, Việt Nam, sắp tới, hãng xe điện này sẽ “tấn công” thị trường châu Âu, Đông Nam Á và Trung Đông.

Hưởng ứng theo đà tăng của VFS, cổ phiếu VIC diễn biến tương đối tích cực trong phiên giao dịch sáng hôm nay. Cụ thể, tính tại thời điểm ATO, cổ phiếu VIC đã tăng trần tương ứng 69.000 đồng/cổ phiếu. Tính đến thời điểm 10 giờ 30 phút sáng ngày 23/8, thanh khoản của cổ phiếu VIC đã lên tới gần 10 triệu đơn vị.

Trong 1 tuần giao dịch trở lại đây, cổ phiếu VIC xuất hiện 2 phiên giảm sàn với khối lượng dư bán lớn. Đáng chú ý, cá mập đã thực hiện chốt lời hàng trăm tỉ đồng khi VIC chạm tới vùng giá 75.000 đồng.

Khối ngoại giữ được đà mua ròng phiên 21/8, gom mạnh cặp đôi CTG và VIC

Phiên giao dịch đầu tuần ngày 21/8, khối ngoại tiếp tục mua ròng 140 tỷ đồng, trong đó khối này tập trung giải ngân bộ ...

Điểm nhấn thị trường 22/8: Nhóm chứng khoán tăng trần, VN-Index "trở mình" ngoạn mục

Đà tăng của nhóm cổ phiếu chứng khoán đã giúp VN-Index trở mình ngoạn mục trong phiên giao dịch 22/8.

CEO VinFast tiết lộ kế hoạch kinh doanh táo bạo, cổ phiếu lập tức “phi nước đại” hơn 108%

Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông quốc tế, CEO Lê Thị Thu Thuỷ đã chia sẻ về kế hoạch kinh doanh táo bạo của ...

Hoàng Anh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán