Cổ phiếu thị giá lớn nhất sàn chứng khoán vào diện hạn chế giao dịch

(Banker.vn) Chốt phiên 24/5, cổ phiếu VNZ giảm 28.000 đồng về mức 740.000 đồng/cp với khối lượng khớp lệnh đạt 523 đơn vị. So với mức đỉnh đạt được vào giữa tháng 2, cổ phiếu này đã giảm hơn 45% thị giá song VNZ vẫn là cổ phiếu có giá cao nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo đưa cổ phiếu VNZ của Công ty CP VNG vào diện hạn chế giao dịch từ ngày 25/5. Như vậy, cổ phiếu VNZ sẽ chỉ được giao dịch vào phiên thứ 6 hàng tuần.

Cụ thể, HNX cho biết VNG đã chậm nộp BCTC kiểm toán năm 2022 quá 45 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn công bố thông tin, thuộc vào trường hợp bị hạn chế giao dịch theo quy định.

Với việc bị đưa vào danh sách hạn chế, cổ phiếu VNZ sẽ chỉ được giao dịch vào phiên thứ 6 hàng tuần. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 25/5/2023.

Cổ phiếu thị giá lớn nhất sàn chứng khoán vào diện hạn chế giao dịch
Cổ phiếu VNZ đang là cổ phiếu có giá cao nhất lịch sử chứng khoán Việt Nam. Hình minh họa

Trước đó, vào ngày 31/3, VNG đã công bố thông tin bất thường về việc tạm hoãn công bố thông tin báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022. Phía công ty giải trình lý do, bao gồm báo cáo tài chính công ty mẹ và báo cáo tài chính hợp nhất là vì VNG đang thực hiện song song báo cáo tài chính theo chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) và chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS).

VNG là tập đoàn công nghệ có hoạt động kinh doanh không chỉ tại Việt Nam mà còn tại nhiều nước khác trên thế giới. VNG hiện có 33 công ty con và công ty liên kết, trong đó 18 công ty và quỹ từ thiện tại Việt Nam và 14 công ty ở nước ngoài (gồm thị trường Đông Nam Á, Hong Kong, Trung Quốc và Australia) với các quy định về kế toán và pháp lý khác nhau. Vì vậy, để đảm bảo số liệu của báo cáo tài chính thống nhất và đáp ứng chuẩn mực kế toán trong và ngoài nước, phía VNG cho biết cần nhiều thời gian hơn để kiểm tra, đối chiếu, xác nhận thông tin cho báo cáo tài chính.

VNG cho biết với những khó khăn như vậy, phía doanh nghiệp đã đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và HNX xem xét, chấp thuận cho VNG được gia hạn thời gian công bố thông tin báo cáo tài chính kiểm toán cho năm 2022.

Theo tìm hiểu, VNG – kỳ lân công nghệ đầu tiên của Việt Nam (startup được định giá trên 1 tỷ USD) tiền thân là VinaGame, thành lập ngày 9/9/2004. VinaGame là thương hiệu đứng sau những trò chơi trực tuyến “vang bóng một thời” như Võ Lâm Truyền Kỳ, Boom Online, Gunny…

Ngày 5/1/2023 cổ phiếu VNZ chính thức niêm yết trên sàn Upcom với tổng 35.844.262 cổ phiếu trong đó, 28,7 triệu cổ phiếu đang lưu hành và 7,1 triệu cổ phiếu quỹ. Trong ngày giao dịch đầu tiên VNZ với mức giá tham chiếu là 240.000 đồng/cp. Trong thời gian 1 tháng giao dịch đầu tiên cổ phiếu VNZ không có giao dịch, không có thanh khoản và giá vẫn neo ở mức 240.000 đồng/cp.

Cổ phiếu VNZ từng có thời gian gây bão khi liên tiếp tăng trần trong giai đoạn từ đầu tháng 2/2023, dù khối lượng giao dịch nhỏ giọt. Có thời điểm, thị giá VNZ lên tới hơn 1,3 triệu đồng/cp, ở mức cao nhất lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam kể từ khi thành lập.

Chốt phiên 24/5, cổ phiếu VNZ giảm 28.000 đồng về mức 740.000 đồng/cp với khối lượng khớp lệnh đạt 523 đơn vị. Tuy nhiên, so với mức đỉnh đạt được vào giữa tháng 2, cổ phiếu này đã giảm hơn 45% thị giá.

Hiện nay trên thị trường Việt Nam, VNZ vẫn là cổ phiếu có giá cao nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Được nhiều nhà đầu tư ví von là siêu cổ phiếu.

Diễn biến giá cổ phiếu  thời gian gần đây. Nguồn: TradingView
Diễn biến giá cổ phiếu VNZ. Nguồn: TradingView

Theo đánh giá của Chứng khoán KIS, đối với những cổ phiếu có đà tăng “thần tốc” như VNZ, rủi ro với nhà đầu tư là khá lớn. Cổ phiếu VNZ đang tăng trên nền thông tin không hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Kết quả kinh doanh năm 2022, VNG lỗ trước thuế 943 tỉ đồng, lỗ sau thuế 1.315 tỉ đồng. Lỗ sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ ở mức 858 tỉ đồng – mức lỗ kỷ lục trong lịch sử hoạt động của VNG. Đây không những là số lỗ kỷ lục mà còn là lần đầu tiên cả 3 chỉ tiêu này đều ở mức âm trong lịch sử hoạt động của VNG.

Thanh khoản của cổ phiếu này cũng thấp nên nhà đầu tư sở hữu cổ phiếu VNZ muốn bán ra sẽ là một điều đáng ngại. Căn cứ vào tình hình giao dịch hiện tại chỉ giao dịch vài trăm đơn vị/phiên thì thời gian “thoát được hàng” cũng khá lâu. Tỉ lệ free-float thấp VNZ có khả năng biến động lớn, nên đồng nghĩa với rủi ro cao khi giá cổ phiếu có thể dễ dàng bị thao túng.

Theo các chuyên gia chứng khoán, trường hợp như VNZ không hiếm, đặc biệt ở những mã mới niêm yết trên sàn. Những mã cổ phiếu này phần lớn được đăng ký giao dịch trên sàn UPCOM, thường có chung kịch bản, tăng trần liên tục sau khi lên sàn với thanh khoản vài trăm cổ phiếu/phiên. Khi giá đã tăng bằng lần so với giá khởi điểm, dần dần lượng giao dịch tăng lên, sau 1 thời gian tăng nóng cổ phiếu sẽ dần giảm giá mạnh rồi hồi tăng trở lại.

Khi đó sẽ có những pha kéo, xả như liên tục như vây, nhà đầu tư của những cổ phiếu đó sẽ như ngồi trên “tàu lượn siêu tốc”. Một số nhà đầu tư chịu được rủi ro tốt sẽ mua theo với hi vọng có lời. Tuy nhiên đối với những nhà đầu tư mới chưa hiểu rõ về thị trường thì nên cân nhắc thật kỹ trước khi đưa ra quyết định giải ngân.

Thaiholdings (THD) chuẩn bị phát hành 35 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2022

Sau khi hoàn tất phát hành, vốn điều lệ của Thaiholdings tăng thêm 350 tỷ đồng, từ 3.500 tỷ đồng lên mức 3.850 tỷ đồng.

Sau NĐT nước ngoài, quỹ lớn tiếp tục xả cổ phiếu ngân hàng

Theo thống kê, một quỹ đầu tư lớn đã mạnh tay xả cổ phiếu ngân hàng nhưng lại gom cổ phiếu Vingroup trên thị trường ...

Nương sóng đầu tư công, cổ phiếu LCG đang có những pha bứt tốc

Trên thị trường, cổ phiếu LCG đang ghi nhận đà hồi phục hơn 200% từ mức đáy 4.030 đồng/cp (phiên 16/11/2022). Kết phiên 24/5/2023, cổ ...

Khánh Vân

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục