Cổ phiếu PGB "kịch trần" khi gần tới ngày Petrolimex thoái vốn khỏi PG Bank

(Banker.vn) Tính từ đầu tháng 11 tới nay, giá cổ phiếu PGB đã tăng hơn 36%, mức tăng cao nhất toàn ngành ngân hàng.

Phiên giao dịch 17/11, cổ phiếu PGB của Ngân hàng TMCP Xăng Dầu Petrolimex (PG Bank) đã tăng kịch trần lên 32.400 đồng/cp, qua đó vượt mốc đỉnh lịch sử cũ hồi đầu tháng 6. Thanh khoản của cổ phiếu này cũng chứng kiến sự bùng nổ với khối lượng giao dịch đạt hơn 1,77 triệu đơn vị, cao nhất trong gần nửa năm trở lại, tương đương với giá trị giao dịch là hơn 55,6 tỷ đồng.

Tính từ đầu tháng 11 tới nay, giá cổ phiếu PGB đã tăng hơn 36%, mức tăng cao nhất toàn ngành ngân hàng.

Diễn biến đáng chú ý của của cổ phiếu PGB xảy ra trong bối cảnh thị trường xuất hiện tin đồn về việc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex - Mã: PLX) đang đẩy mạnh quá trình thoái vốn tại nhà băng này. Hiện nay, Petrolimex đang nắm giữ 120 triệu cổ phiếu PGB, tương đương với 40% vốn của PG Bank.

Tạm ước tính với thị giá hiện tại của cổ phiếu PGB, Petrolimex có thể thu về gần 3.900 tỷ đồng ghi nhận vào doanh thu hoạt động tài chính, cao gấp nhiều lần các năm trước đó. Trước thông tin này, cổ phiếu PLX cũng đã tăng mạnh 5,6% lên 62.100 đồng/cp, mức cao nhất kể từ tháng 10/2018.

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên hồi tháng 4, Chủ tịch Phạm Văn Thanh cho biết Petrolimex sẽ hoàn thành việc thoái vốn tại PG Bank trong năm 2021, tức chỉ còn hơn một tháng nữa.

Trong báo cáo cập nhật hồi tháng 6, SSI Research cho biết Petrolimex đang làm việc với đơn vị tư vấn để ước tính giá hợp lý cho cổ phiếu PGB và giá thoái vốn sẽ không thấp hơn giá thị trường.

Bên cạnh đó, SSI Research cũng dẫn thông tin ban lãnh đạo cho rằng kế hoạch chuyển nhượng cổ phiếu PGB cho đối tác khác sẽ khả thi hơn nhiều so với kế hoạch M&A cũ với HDBank.

PG Bank rồi sẽ về tay ai?

Cho đến nay, vẫn chưa có bất kỳ thông tin nào về những đối tác mà Petrolimex muốn chuyểnnhượng 120 triệu cổ phiếu PGB.

Nếu nhìn vào các "cái bắt tay" gần đây như của Kienlongbank và Tập đoàn Sunshine hay NCB và Sun Group, các đại gia bất động sản vẫn là những cái tên đầu tiên được nghĩ tới bởi nhu cầu về hạn mức tín dụng cho vay bất động sản.

Đặc biệt, trước tác động của dịch COVID-19 và để tránh dòng tiền chảy vào kênh đầu cơ, các nhà quản lý liên tục chỉ đạo thắt chặt việc cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản. Điều này cũng phần nào giải thích cho việc các doanh nghiệp bất động sản "ồ ạt" huy động vốn qua kênh trái phiếu thời gian gần đây.

Thực tế, nếu nhìn vào trường hợp của Kienlongbank và NCB, cả hai ngân hàng này đều cho thấy những kết quả tích cực sau khi hợp tác với hai "ông lớn" bất động sản.

Như tại Kienlongbank, lợi nhuận 9 tháng đầu năm nay đã tăng gấp 6 lần cùng kỳ, nhờ việc xử lý các khoản nợ xấu được đảm bảo bởi cổ phiếu STB của Sacombank; còn lợi nhuận quý III/2021 của NCB tăng gấp 15 lần nhờ không phải trích hàng trăm tỷ đồng để xử lý theo đề án tái cấu trúc.

Trong khi đó, PG Bank từng thuộc diện phải tái cấu trúc bắt buộc thông qua việc sáp nhập vào một ngân hàng mạnh hơn theo Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020.

Như vậy, nếu việc hợp tác chiến lược với một "ông lớn" sẽ giúp ngân hàng cải thiện được sức khỏe, thì đây cũng sẽ là một phương án nhận được sự đồng ý của cả phía cơ quan quản lý lẫn nhà đầu tư.

Diễn biến giá cổ phiếu PGB thời gian gần đây (Nguồn: TradingView)

Tại đại hội bất thường hồi tháng 7 của PG Bank, Petrolimex cho biết sẽ thực hiện thoái toàn bộ vốn tại ngân hàng thông qua hình thức đấu giá công khai tại Sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội.

Đồng thời, để đảm bảo nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) tham gia và trúng đấu giá không vi phạm tỷ lệ sở hữu của NĐTNN tối đa theo quy định là 30%, cổ đông PG Bank đã thống nhất tạm thời giới hạn tỷ lệ sở hữu của NĐTNN giao dịch trên sàn UPCoM ở mức 2% vốn điều lệ.

Trước đó, PG Bank từng tiến rất gần tới việc sáp nhập với VietinBank, tuy nhiên qua nhiều vòng đàm phán, hai ngân hàng không thể thống nhất được phương án sáp nhập cũng như các điều khoản liên quan đến giao dịch.

Vào đầu năm nay, việc "người cũ" của ngân hàng MSB tham gia vào thành viên HĐQT và Ban kiểm soát của PG Bank, cùng với yếu tố MSB từng là cổ đông lớn của PG Bank trước đó khiến thị trường kỳ vọng về một thương vụ M&A giữa hai ngân hàng.

Tuy nhiên, đồn đoán này đã bị dập tắt sau khi Tổng Giám đốc Nguyễn Hoàng Linh khẳng định chắc chắn không có chuyện sáp nhập giữa PGBank và MSB.

Lưu Lâm

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục