Cổ phiếu ngành xây dựng "thành - bại" tại giải ngân đầu tư công?

(Banker.vn) Tăng trưởng của cổ phiếu ngành xây dựng vẫn được kỳ vọng tích cực khi nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng và bất động sản dân cư tại Việt Nam vẫn rất lớn, nhất là kỳ vọng từ việc thúc đẩy giải ngân đầu tư công sẽ diễn ra mạnh mẽ và quyết liệt hơn trong những tháng cuối năm.

Từ đầu năm 2022 đến nay, giá nguyên vật liệu có thời điểm đã hạ nhiệt, song nhìn chung vẫn trong đà tăng nóng, ảnh hưởng khá lớn đến kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp xây dựng. Và điều này cũng tác động không nhỏ đến nhóm cổ phiếu xây dựng. Cụ thể, trong giai đoạn quý II/2022, cổ phiếu xây dựng không ngừng tụt dốc, thậm chí có mã còn lao dốc cực mạnh.

Cổ phiếu ngành xây dựng

Điển hình như cổ phiếu CTD (Conteccons) đã giảm từ 95.600 đồng/cp (phiên 7/2) xuống 55.000 đồng/cp (phiên 28/6). So với đỉnh 3 năm đạt được vào ngày 7/1/2022 (113.600 đồng/cp), cổ phiếu CTD đã mất gần hơn 51% thị giá.

Cùng thời điểm, cổ phiếu HBC (Xây dựng Hòa Bình) cũng giảm hơn 44% từ mức 27.400 đồng/cp xuống 18.000 đồng/cp.

Thị giá một số cổ phiếu khác trong ngành xây dựng cũng bị sụt giảm đáng kể trong thời gian gần đây như FCN (Fecon), LCG (Lizen), VCG, HTN (Hưng Thịnh Incons), HHV…

Tuy nhiên, sau giai đoạn đó đến nay, tuy vẫn bị ảnh hưởng bởi thông tin giá nguyên vật liệu trong những phiên gần đây, song nhìn chung cổ phiếu xây dựng vẫn có dấu hiệu hút tiền và dần hồi phục trở lại. Tính từ phiên 1/7 đến chốt phiên ngày 15/9, cổ phiếu CTD đã tăng từ 53.800 đồng/cp lên 72.100 đồng/cp; cổ phiếu HBC tăng từ 17.800 đồng/cp lên 19.300 đồng/cp; cổ phiếu FCN tăng từ 12.700 đồng/cp lên 15.500 đồng/cp…

Đà tăng của cổ phiếu xây dựng trong thời gian qua được cho là đến từ thông tin giải ngân đầu tư công tiếp tục được thúc đẩy để hỗ trợ tăng trưởng GDP, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong việc thu hút FDI từ quá trình tái cơ cấu chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này được kỳ vọng mang lại tăng trưởng lớn cho ngành xây dựng.

Bộ Tài chính cho biết, tính chung 8 tháng đầu năm 2022, vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách nhà nước đạt 27,9 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, nhưng mới chỉ đạt được 54,7% kế hoạch năm 2022. Do đó, các chuyên gia kỳ vọng việc giải ngân sẽ diễn ra mạnh mẽ và quyết liệt hơn trong những tháng cuối năm.

“Tăng trưởng của cổ phiếu ngành xây dựng vẫn được kỳ vọng tích cực khi nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng và bất động sản dân cư tại Việt Nam vẫn rất lớn. Đặc biệt là kỳ vọng từ tiến độ đầu tư công và nút thắt thị trường bất động sản được tháo gỡ”, nhóm phân tích của Chứng khoán Mirae Asset nhận định.

Mặt khác, trước vấn đề giá nguyên vật liệu tăng cao gây ảnh hưởng đến ngành xây dựng, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu Xây dựng Việt Nam cho biết, doanh nghiệp có thể sẽ dừng một số dự án để điều chỉnh giá đầu vào, thậm chí có thể thay thế một số loại vật liệu xây dựng mới nếu đảm bảo chất lượng và chi phí hợp lý hơn.

Như vậy, trong bối cảnh giá vật tư xây dựng tăng mạnh do biến động nguồn cung nhập khẩu và cạn kiệt dần các mỏ khai thác tự nhiên, thì các nguyên, vật liệu thay thế sẽ là hướng đi tất yếu giúp các doanh nghiệp xây dựng ổn định và phát triển.

Linh Đan

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục