Báo cáo ngành lúa gạo cập nhật mới đây, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết sản lượng sản xuất gạo toàn cầu ước đạt 519,7 triệu tấn vào cuối vụ 2021/2022. Trung Quốc, Ấn Độ và ASEAN là những thị trường tiêu thụ chủ yếu, trong khi Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan là những nước xuất khẩu lớn nhất.
Giá gạo ghi nhận tăng trên thị trường thế giới trong năm 2022 do chính phủ Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo, lũ lụt tại Pakistan và thời tiết bất lợi tại Trung Quốc, Phillipines khiến sản lượng các nước này sụt giảm.
Xét về triển vọng ngành lúa gạo 2023, trong bối cảnh hạn hán tiếp tục kéo dài tại Trung Quốc và Ấn Độ khiến khiến sản lượng, tồn kho tại Phillipines bị bào mòn khiến nước này phải gia tăng nhập khẩu gạo thì tình hình thủy văn tại Việt Nam khá ổn định trong năm qua với mưa nhiều và dần chuyển sang trung tính trong nửa đầu năm 2023. VCBS kỳ vọng điều này sẽ cho ra sản lượng ổn định (theo dự báo USDA). Theo đó, VCBS đánh giá cao khả năng năm tới Việt Nam được hưởng lợi nhờ xu hướng giá gạo tăng do nguồn cung thu hẹp và sự dịch chuyển nguồn cầu từ Ấn Độ sang.
Trong khi đó, chi phí đầu vào dự kiến cũng sẽ hạ nhiệt trong năm 2023 do động thái từ Châu Âu nới lỏng lệnh trừng phạt và mở cửa cho các nhà xuất khẩu phân bón Nga; đồng thời gia tăng dự trữ và cắt giảm sử dụng khí đốt mạnh tay. Nguồn cung phân bón thế giới kỳ vọng gia tăng qua đó cải thiện biên lợi nhuận nhóm doanh nghiệp lúa gạo.
Riêng tại Tập đoàn Lộc Trời (LTG), VCBS đánh giá cao triển vọng tăng trưởng kinh doanh xuất phát từ việc đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang thị trường Châu Âu, bắt đầu từ thị trường Pháp. Bên cạnh đó, LTG còn tăng công suất thông qua sáp nhập Lương thực Lộc Nhân. Hiện Lộc Nhân đang sở hữu 3 nhà máy sản xuất với công suất sấy hơn 12.000 tấn lúa/ngày, xay xát lúa và xuất 6.000 tấn gạo/ngày (2 triệu tấn gạo/năm), doanh thu năm 2022 ước tính đạt gần 8.000 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty này còn có mạng lưới đối tác khá rộng, ký hợp đồng cung ứng tới 350.000 tấn gạo cho Vinafood1 trong năm 2023. VCBS đánh giá cao triển vọng mảng lương thực sẽ là động lực tăng trưởng chính cho LTG trong năm sau, bù đắp cho sự sụt giảm của mảng thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, cần lưu ý về kế hoạch phát hành riêng lẻ và chuyển sàn niêm yết sang HoSE vẫn bỏ ngỏ.
VCBS dự phóng doanh thu thuần và LNST năm 2023 của Lộc Trời sẽ lần lượt tăng trưởng 28% và 15% so với cùng kỳ năm trước, lên mức 14.907 tỷ và 475 tỷ đồng. Mức tăng trưởng cho năm 2024 dự kiến tăng 1% doanh thu nhưng giảm 17% về lợi nhuận.
Đối với Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (NSC) , KQKD năm 2022 tăng trưởng tích cực được đóng góp chủ yếu bởi mảng lúa gạo, với biên lợi nhuận gộp khoảng 40%. VCBS cho rằng mảng giống lúa và cây ăn quả của NSC sẽ tăng trưởng khá trong 5 năm tới. Trong đề án phát triển sản phẩm chủ lực quốc gia, chính phủ định hướng tới 2025 sẽ nâng tỷ lệ gieo trồng công nghệ cao từ 70% lên 75% và tăng tỷ lệ sử dụng giống xác nhận từ 78% lên tới 90%; tăng diện tích trồng cây ăn quả từ 1,067 triệu ha lên 1,2 triệu ha đồng thời gia tăng năng suất từ 10 tấn/ha lên 12 tấn/ha.
NSC còn có kế hoạch kinh doanh tham vọng trong 5 năm tới với việc tăng trưởng gấp đôi quy mô, tốc độ tăng trưởng bình quân lợi nhuận khoảng 20%/năm. Thị phần giống cây trồng có thể tăng từ 21% lên 25% của cả nước trên tất cả các lĩnh vực, riêng với mặt hàng ngô thực phẩm sẽ nâng lên khoảng 60% thị phần cả nước. Doanh nghiệp còn đã xây dựng thương hiệu trên thị trường xuất khẩu với sản phẩm Đài Thơm 8. Theo VCBS, NSC sẽ tiếp tục kết hợp chuyển giao công nghệ, phát triển sản phẩm gạo Japonica đang thu hút sự chú ý từ thị trường xuất khẩu.
Dự phóng doanh thu thuần và LNST năm 2023 của NSC sẽ lần lượt tăng trưởng 11% và 25% so với cùng kỳ năm trước, lên mức 2.094 tỷ và 282 tỷ đồng.
Anh Khôi
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|