Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: KLB đứt chuỗi tăng giá, các nhà băng dự kiến phát hành thêm hàng trăm triệu cp tăng vốn

(Banker.vn) Cổ phiếu KLB giảm mạnh nhất (-5,3%) toàn ngành tuần qua, kết thúc chuỗi tuần tăng nóng trước đó. Tính từ đầu năm 2022 tới nay, cổ phiếu này đã tăng tới gần 60%. Các nhà băng lên kế hoạch phát hành hàng trăm triệu cổ phiếu thông qua chia cổ tức, phát hành ESOP, phát hành riêng lẻ...

KLB đứt chuỗi tăng giá, thanh khoản toàn ngành cải thiện

Tuần giao dịch 28/3 - 1/4 chứng khiến diễn biến phân hóa trong nhóm ngân hàng. Cụ thể, tính chung 5 ngày giao dịch tuần qua, có 17/27 mã cổ phiếu ngân hàng tăng giá và 10 mã giảm giá.

Trong đó, cổ phiếu VIB là mã tăng mạnh nhất toàn ngành (+7,6%) với 4 trên 5 phiên kết thúc trong sắc xanh. Đây cũng là mã duy nhất có mức tăng trên hai chữ số trong tuần qua. Với đà tăng này, cổ phiếu VIB đã quay trở lại vùng giá đỉnh của năm 2022.

Xếp sau đó là cổ phiếu NVB của Ngân hàng Quốc dân với mức tăng 7%, kết tuần tại mức giá 38.000 đồng/cp; qua đó tiếp tục lập đỉnh kỷ lục mới.

Nhiều cổ phiếu bluechip như HDB, VPB và MBB cũng có diễn biến tích cực với mức tăng từ 4,7 - 5,4% trong tuần qua.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, cổ phiếu KLB của Kienlongbank giảm mạnh nhất (-5,3%), kết thúc chuỗi tuần tăng nóng trước đó. Tính từ đầu năm 2022 tới nay, cổ phiếu này đã tăng tới gần 60%, cao nhất toàn ngành ngân hàng.

Bên cạnh đó, mã STB cũng phải chịu nhiều áp lực, điều chỉnh 4,3%, sau những thông tin liên quan tới nhóm cổ phiếu FLC. Hiện tại, Sacombank đang là chủ nợ lớn nhất của Tập đoàn FLC với tổng dư nợ ngắn hạn lẫn dài hạn là hơn 1.840 tỷ đồng.

(Nguồn: Lê Huy tổng hợp).

Thanh khoản của nhóm cổ phiếu ngân hàng có cải thiện nhẹ trong tuần qua. Cụ thể, có tổng cộng gần 618 triệu cổ phiếu ngân hàng được mua bán, tương ứng với giá trị giao dịch đạt gần 20.712 tỷ đồng, tăng 7% về khối lượng và tăng 13% về giá trị so với tuần trước đó.

Trong tuần này, không có cổ phiếu ngân hàng nào có khối lượng giao dịch đạt trên 100 triệu đơn vị. Vị trí quán quân thuộc về MBB với hơn 92,6 triệu cổ phiếu được trao tay giữa các nhà đầu tư, tăng gần gấp rưỡi so với tuần trước. Kế sau đó lần lượt là STB và VPB với thanh khoản đạt 86,6 triệu đơn vị và 83,1 triệu đơn vị.

Tuy nhiên, xét về giá trị giao dịch, VPB lại là mã đứng đầu toàn ngành với mức 3.103 tỷ đồng, nhỉnh hơn xấp xỉ 100 tỷ đồng so với MBB. Ngoài ra, chỉ còn STB có giá trị giao dịch đạt trên 2.000 tỷ đồng, các mã khác như TCB, ACB, TPB... chỉ dao động quanh mức 1.000 - 1.900 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong phiên 31/3 bất ngờ xuất hiện giao dịch thỏa thuận "khủng" của EIB với 25 triệu cổ phiếu được trao tay với giá kịch trần 40.000 đồng/cp, tương đương giá trị 1.000 tỷ đồng, qua đó kéo giá trị giao dịch của cổ phiếu này trong tuần lên tới 1.350 tỷ đồng, cao gấp nhiều lần so với trước đó.

Ở một diễn biến khác, các nhà đầu tư nước ngoài tập trung gom các mã như EIB (mua ròng 146 tỷ đồng), HDB (mua ròng 107 tỷ đồng), STB (mua ròng 88 tỷ đồng) trong tuần qua; trong khi đó bán ròng 63 tỷ đồng VCB.

(Nguồn: Lê Huy tổng hợp).

Một số sự kiện ngân hàng nổi bật trong tuần

LienVietPostBank dự kiến phát hành 265 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp. Sau khi hoàn tất đợt phát hành, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng thêm 2.650 tỷ đồng lên gần 14.700 tỷ đồng.

Theo tờ trình họp đại hội cổ đông thường niên tới đây, OCB dự kiến tăng vốn điều lệ thêm hơn 4.186 tỷ đồng lên 17.885 tỷ đồng, tương đương hơn 30%. Khoảng 418 triệu cổ phiếu sẽ được bơm thêm ra thị trường.

OCB cũng đặt mục tiêu lãi trước thuế đạt 7.110 tỷ đồng, tăng 29% so với năm trước dựa trên cơ sở tổng dư nợ thị trường 1 đạt 129.493 tỷ đồng, tăng 25% so với năm trước. Tổng tài sản của ngân hàng tăng tương ứng 25% đạt 230.112 tỷ đồng; huy động thị trường 1 tăng 23% đạt 155.003 tỷ đồng.

ABBank dự kiến phát hành gần 94,1 triệu cổ phiếu với tỷ lệ 10% để trả cổ tức cho cổ đông, tức cổ đông sở hữu mỗi 100 cổ phiếu sẽ được nhận 10 cổ phiếu là cổ tức. Đợt phát hành dự trong năm 2022, thời gian cụ thể do Hội đồng Quản trị quyết định. Ngoài ra, ngân hàng cũng lên kế hoạch phát hành thêm 5 triệu cổ phiếu ESOP cho người lao động.

Tại đại hội cổ đông thường niên, lãnh đạo Petrolimex cho biết tập đoàn đang đợi văn bản chỉ đạo của Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và làm các thủ tục tiếp theo để báo cáo Ngân hàng nhà nước nhằm thoái vốn tại PG Bank theo đúng trình tự, dự kiến có thể sẽ hoàn tất thoái vốn trong năm 2022.

Trước chủ trương kiểm soát tăng trưởng tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro của NHNN, nhiều ngân hàng tạm dừng việc giải ngân các khoản vay trong lĩnh vực bất động sản trong ngắn hạn, gồm có Techcombank, Sacombank,...

SeABank bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ theo các thoả thuận với CTCP Đầu tư Phát triển thành phố thông minh Bắc Hà Nội với giá trị bảo lãnh 900 tỷ đồng. Bên đề nghị bảo lãnh là Tập đoàn BRG.

Lê Huy

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục