Tuần giao dịch đầu tiên của tháng 11 (từ 1 - 5/11) đã kết thúc với việc nhóm cổ phiếu ngân hàng đồng loạt tăng giá. Trong 27 cổ phiếu ngân hàng đang giao dịch trên sàn chứng khoán thì có tới 23 mã tăng giá trong đó SHB, EIB, LPB là 3 mã tăng giá mạnh nhất, lần lượt tăng 12,7%, 12,4% và 10,8% trong đó SHB ghi nhận chuỗi 9 phiên tăng liên tiếp, LPB cũng tăng một mạch trong 5 phiên liền.
Ngày 12/11 sắp tới, SHB sẽ chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức tỷ lệ 10,5%. Đồng thời, ngân hàng sẽ chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ thực hiện quyền là 28%, giá chào bán 12.500 đồng/cổ phiếu.
LPB cũng có thông tin đáng chú ý khi Thaiholdings – công ty có liên quan tới ông Nguyễn Đức Thụy (Phó Chủ tịch HĐQT LPB) đăng ký bán 22,4 triệu cổ phiếu, dự kiến giao dịch từ 4/11 đến 3/12/2021 theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.
Nhiều cổ phiếu ngân hàng khác cũng tăng mạnh tuần vừa rồi như PGB tăng 8%, BVB tăng 7,7%, MSB tăng 7,4%, OCB tăng 7,1%,…
Các cổ phiếu lớn cũng có diễn biến tích cực: CTG tăng 3,8%, BID tăng 5,1%, TCB tăng 2,7%,… Trong khi đó, VCB lại giảm nhẹ 0,5%.
TPB là cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh nhất tuần này. Sau khi thiết lập đỉnh 44.850 đồng/cổ phiếu vào ngày 29/10, sang tuần đầu tháng 11, cổ phiếu TPB điều chỉnh 3%, đóng cửa phiên 5/11 ở mức 43.500 đồng/cổ phiếu.
SHB và TCB dẫn đầu về thanh khoản trong nhóm ngân hàng tuần qua với khối lượng giao dịch đạt hơn 145 triệu cp và hơn 112 triệu cp trong đó khối lượng giao dịch của SHB tăng đột biến trong 2 ngày 4 - 5/11 đạt 44 - 45 triệu đơn vị mỗi phiên. Trong phiên 5/11 cũng có hơn 6,2 triệu cổ phiếu SHB được trao tay theo phương thức thỏa thuận với giá bình quân 28.500 đồng/cổ phiếu, thấp hơn nhiều so với giá đóng cửa 31.500 đồng/cổ phiếu.
Khối ngoại đã mua ròng hơn 8,8 triệu cổ phiếu ngân hàng trong tuần qua trong đó CTG, STB, VCB được mua mạnh nhất. Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng hơn 5,5 triệu cổ phiếu CTG, hơn 4,7 triệu cổ phiếu STB và hơn 1,2 triệu cổ phiếu VCB từ 1 - 5/11. Ở chiều ngược lại, khối ngoại bán ròng 1,9 triệu cổ phiếu TPB và hơn 1,1 triệu cổ phiếu OCB,…
Trước việc cổ phiếu ngân hàng diễn biến tích cực trong tuần đầu tháng 11/2021, nhiều nhà đầu tư đã kỳ vọng sẽ xuất hiện sóng mới của "cổ phiếu vua". Dự báo của các chuyên gia về cổ phiếu ngân hàng trong thời gian tới cũng có những quan điểm trái chiều.
Theo ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Công ty Chứng khoán VietinBank (CTS), các cổ phiếu ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý III tích cực hơn kỳ vọng. Tuy nhiên, giá cổ phiếu chưa có nhiều bứt phá lớn và với việc đã tích lũy rất tốt trong thời gian vài tháng qua thì dòng ngân hàng sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền và sẽ còn dư địa tăng giá trong quý IV/2021 và năm 2022. Việc nhóm cổ phiếu ngân hàng duy trì mức tăng trưởng cao sẽ là điểm đến tích cực của dòng tiền hơn, đặc biệt nhóm cổ phiếu ngân hàng tư nhân với tầm nhìn và đà tăng trưởng lớn như TCB VIB… sẽ là đầu tàu kéo cổ phiếu ngành ngân hàng bứt phá trong thời gian tới.
Theo ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS), nhóm ngân hàng nhìn chung đã điều chỉnh gần 20% so với đỉnh trong năm nay trong đó có khá nhiều cổ phiếu rơi khá sâu như CTG, VIB, LPB. Sau thời gian điều chỉnh thì giá nhiều cổ phiếu ngân hàng trở nên hấp dẫn hơn khi P/Bv của nhiều ngân hàng đã dưới 2 và PE trung bình cũng đã dưới 16.
Hoạt động kinh doanh của các ngân hàng dù khả năng tiềm ẩn nợ xấu tăng lên khá cao trong các tháng cuối năm nhưng nhiều nhà băng vẫn thu được lợi nhuận từ các khoản gia tăng dịch vụ và đầu tư tài chính. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp quay lại hoạt động kinh doanh cũng giúp gia tăng nhu cầu tăng trưởng tín dụng và cũng góp phần xử lý nợ xấu.
Có thể, sóng cổ phiếu ngân hàng sẽ chưa trở lại sớm và hình thành đợt sóng mới như đầu năm nay nhưng ít nhất nhiều cổ phiếu sẽ hồi phục và tăng trưởng trở lại ít nhất từ 5 - 15% trong thời gian tới.
Với ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), vị này cho biết, như kỳ vọng của tôi, trong tuần tới, nhóm cổ phiếu dẫn dắt chỉ số có thể sẽ chiếm ưu thế hơn với nhóm đầu cơ. Nhóm dẫn dắt này tất nhiên không thể vắng mặt các cổ phiếu ngân hàng, nhóm bắt đầu có dấu hiệu thoát ra khỏi trạng thái tích lũy trung hạn sau khi đã tăng mạnh trong nửa đầu năm 2021.
Tương tự, ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Agriseco nhận định, nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ quay trở lại là động lực tăng trưởng của thị trường trong thời gian tới.
Có thể thấy, áp lực bán tại nhóm này đã tăng cao sau khi bật tăng mạnh vào giữa tuần trước, tuy nhiên đây là hiện tượng dễ hiểu do có một lượng cung cổ phiếu rất lớn của các nhà đầu tư bị “kẹp” từ giai đoạn trước.
Tôi đánh giá, sẽ cần thêm thời gian để có thể hấp thụ hết lượng cung nói trên trước khi nhóm cổ phiếu này hình thành kênh uptrend ổn định. Nhìn lại kết quả kinh doanh quý III, nhóm ngành này mặc dù không đạt được tốc độ tăng trưởng cao như hồi đầu năm những vẫn là một trong những điểm sáng trong thời kỳ Covid.
Nhìn dài hơn, tôi kỳ vọng thời gian tới sẽ có thêm nhiều thông tin liên quan tới chính sách hỗ trợ, nới room tín dụng – hoặc các sự kiện sẽ tạo sự sôi động đối với thị trường như tăng vốn, phát hành.
Những lo ngại về rủi ro nợ xấu cũng được kỳ vọng sẽ giảm thiểu đáng kể do mặt bằng giá bất động sản đã tăng đáng kể trong khi đây là tài sản đảm bảo chủ yếu của tín dụng ngân hàng.
Đăng Điệp
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|