Cổ phiếu neo vùng đỉnh, lãnh đạo ngành thép đồng loạt "xả hàng"

(Banker.vn) Theo cập nhật mới nhất, lãnh đạo các doanh nghiệp thép đồng loạt "xả hàng" trong bối cảnh cổ phiếu neo ở vùng đỉnh.

Theo thông báo mới nhất, ông Trần Ngọc Chu, Phó Chủ tịch HĐQT Thường trực – Điều hành Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen (HOSE: HSG) vừa bán ra 1,5 triệu cổ phiếu HSG, giảm sở hữu từ 1.781.147 cổ phiếu (0,29% vốn điều lệ), về 281.147 cổ phiếu (0,046% vốn điều lệ). Giao dịch được thực hiện từ ngày 7/3 đến 2/4.

Trong khoảng thời gian này, cổ phiếu HSG biến động trong khoảng 20.000 đồng/cp - 24.150 đồng/cp. Tính theo mức giá trung bình 22.000 đồng, ông Chu sẽ thu về khoảng 33 tỷ đồng khi bán ra lượng cổ phiếu trên. Xét trên góc độ phân tích kỹ thuật, cổ phiếu HSG hiện đã xác nhận tạo đỉnh ngắn hạn quanh mức giá 24.150 đồng.

Cổ phiếu neo vùng đỉnh, lãnh đạo ngành thép đồng loạt
Diễn biến cổ phiếu HSG trên thị trường chứng khoán.

Trước đó, ngày 15/3, quỹ Vietnam Enterprise Investments Limited trực thuộc Dragon Capital đã bán ra 2 triệu cổ phiếu HSG, giảm tỷ lệ sở hữu từ 12,28% về 11,96% vốn điều lệ. Hoạt động bán ra của lãnh đạo Hoa Sen diễn ra trong bối cảnh giá thép trong nước đã giảm mạnh 4 tháng liên tiếp. Nhiều đơn vị phân tích như Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã có cái nhìn thận trọng hơn về triển vọng ngành thép trong năm 2024.

Giá thép trong nước được cho là chịu nhiều tác động bởi giá thép Trung Quốc. Theo thông tin mới nhất, quốc gia này sẽ tiếp tục điều tiết việc sản xuất thép vào năm 2024. Điều này đã được Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) công bố mà không nêu rõ thời gian hoặc phạm vi của các hạn chế.

Theo tuyên bố của NDRC, cơ quan quản lý cùng với Cục Thống kê Quốc gia, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin, Bộ Sinh thái và Bảo vệ Môi trường và Quản lý Khẩn cấp sẽ làm việc với các bên liên quan để quản lý sản xuất trong năm nay.

Các cơ quan sẽ làm việc để thúc đẩy sự phát triển của ngành thép với trọng tâm là bảo tồn năng lượng và giảm lượng carbon, đồng thời sẽ thu thập thông tin thiết bị từ các nhà sản xuất thép trên cả nước.

Trong năm 2021 và 2022, Bắc Kinh đã ra lệnh cho ngành thép không tăng sản lượng để hạn chế lượng khí thải carbon tại một trong những ngành gây ô nhiễm nhất. Điều này dẫn đến sản lượng giảm 3% so với cùng kỳ vào năm 2021 và giảm 2,1% so với cùng kỳ vào năm 2022, góp phần làm giảm nhập khẩu quặng sắt.

Bất chấp việc chính quyền Trung Quốc chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố công khai nào về mức sản xuất thép tối đa vào năm 2023, sản lượng sản xuất năm ngoái vẫn không thay đổi so với năm trước, lên tới 1,02 tỷ tấn.

Trước đó, 15 nhà sản xuất sản phẩm thép dài lớn ở Trung Quốc đã kêu gọi chính quyền thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế sản lượng sản phẩm tương ứng của họ trong bối cảnh giá thép giảm. Giá các sản phẩm dài đã giảm mạnh trong bối cảnh lĩnh vực bất động sản và cơ sở hạ tầng của Trung Quốc tiếp tục suy yếu, dẫn đến thua lỗ và giảm lợi nhuận cho các nhà sản xuất địa phương các sản phẩm liên quan.

Trước đó, Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc (CISA) đã kêu gọi các nhà máy thép giảm cường độ sản xuất để đáp ứng nhu cầu khách hàng và cân bằng cung cầu. Các nhà sản xuất thép được yêu cầu tính đến doanh số bán thép và hiệu quả kinh doanh.

Cùng động thái với lãnh đạo Hoa Sen, lãnh đạo của Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG) cũng chốt lời cổ phiếu ngay tại vùng đỉnh. Theo báo cáo kết quả giao dịch cổ phiếu của người nội bộ ông Nguyễn Ngọc Quang - thành viên HĐQT của HPG, cá nhân này đã bán thành công 1 triệu cổ phiếu như đã đăng ký theo phương thức khớp lệnh trong thời gian từ ngày 12/3 đến ngày 2/4.

Sau giao dịch, ông Ngọc Quang giảm số lượng cổ phiếu nắm giữ còn gần 102,8 triệu cổ phiếu, tương đương 1,77% vốn tại HPG. Trên thị trường, trong khoảng thời gian ông Quang đăng ký bán, cổ phiếu HPG chủ yếu vận động quanh mốc 30.000 đồng/cp - gần mức đỉnh 2 năm. Tính theo mức giá trên, ông Quang có thể thu về khoảng 30 tỷ đồng. Hiện tại, xét theo góc độ phân tích kỹ thuật, cổ phiếu HPG cũng phát tín hiệu tạo đỉnh quanh mức giá 30.000 đồng.

Được biết, ngày 11/4 tới HPG sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024 tại Khách sạn Mellia Hà Nội. Theo đó, HPG đặt mục tiêu doanh thu dự kiến đạt 140.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 10.000 tỷ đồng, lần lượt tăng 18% và 47% so với thực hiện năm 2023.

Về phương án phối lợi nhuận, 6.800 tỷ đồng lãi sau thuế của năm 2023 dự kiến được trích 408 tỷ đồng vào các quỹ. Lợi nhuận sau trích lập còn lại 6.392 tỷ đồng. HPG đề xuất phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu năm 2023 (cổ phiếu thưởng) với số lượng hơn 581,4 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ phát hành 10% (10 cổ phiếu nhận được 1 cổ phiếu thưởng).

Nguồn vốn sử dụng để phát hành lấy từ vốn chủ sở hữu của HPG tại thời điểm ngày 31/12/2023 với thứ tự thực hiện đầu tiên là thặng dư vốn cổ phần (hơn 3.211 tỷ đồng), lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (hơn 2.603 tỷ đồng). Thời gian phát hành dự kiến từ quý 2/2024, sau khi được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. Ngoài ra, HPG cũng đề xuất tỷ lệ trả cổ tức năm 2024 dự kiến 10%.

Nhận định chứng khoán phiên 5/4: Không còn tâm lý lạc quan, VN-Index tiếp tục điều chỉnh?

Mặc dù thanh khoản phiên hôm nay sụt giảm so với phiên trước nhưng vẫn ở mức cao cho thấy tâm lý của nhà đầu ...

Mua gì hôm nay 5/4: VHC, BSR, GVR?

Theo đánh giá của các CTCK, loạt cổ phiếu VHC, BSR, GVR sẽ sớm lấy lại đà tăng trong thời gian tới.

DowJones tiếp tục rơi 500 điểm sau phát biểu của quan chức FED

Theo phát biểu của quan chức FED, việc hạ lãi suất sẽ không thể diễn ra sớm như dự kiến.

Hoàng Anh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán