Ngày 3/10, thị trường chứng khoán khép lại phiên đầu tiên của tháng 10 với việc VN-Index giảm hơn 4% xuống mức thấp nhất trong gần 20 tháng kể từ ngày 8/2/2021.
Việc giá cổ phiếu “quốc dân” HPG của Công ty CP Tập đoàn Hoà Phát xuống dưới ngưỡng 20.000 đồng/cp đang tạo “nỗi đau” cho không ít nhà đầu tư trên thị trường. Trong đó, đáng chú ý, không riêng nhà đầu tư cá nhân, đa phần các quỹ tại thị trường Việt Nam đều sở hữu cổ phiếu HPG.
Tuy nhiên, trên thực tế lần gần nhất cổ phiếu HPG có giá 1x đã là từ giữa tháng 4/2020. Từ đó đến nay, cổ phiếu đầu ngành thép đã trải qua nhiều thăng trầm và 3 lần điều chỉnh giá do chia cổ tức (ngày 29/7/2020, 31/5/2021 và 17/6/2022) nhưng chưa từng một lần trở lại vùng giá này cho đến phiên 3/10 vừa qua.
Cụ thể, trong phiên 3/10, cổ phiếu HPG bị bán mạnh và đóng cửa giảm sàn trong tình trạng “trắng bên mua”, xuống mức 19.750 đồng/cp, thấp nhất trong vòng 22 tháng (tính theo giá điều chỉnh).
Tiếp đà giảm, kết thúc phiên giao dịch 4/10, giá cổ phiếu HPG đóng cửa ở 18.850 đồng/cp, mức thấp nhất trong gần 2 năm qua. Sau 7 phiên, cổ phiếu của Hoà Phát giảm gần 16%, vốn hoá giảm hơn 860 triệu USD. Nếu nhìn xa hơn, so với đỉnh vào cuối tháng 10/2021, giá cổ phiếu HPG đã giảm hơn 55%, kéo theo đó vốn hóa thị trường cũng bị “bốc hơi” 140.400 tỷ đồng ( khoảng 6 tỷ USD) trong chưa đầy 1 năm, còn 114.800 tỷ đồng.
Đến phiên 5/10, cổ phiếu HPG hồi phục nhẹ 350 đồng lên mức 19.200 đồng/cp, khối lượng giao dịch đạt hơn 25,3 triệu đơn vị. Như vậy, sau gần 30 tháng, nhà đầu tư lại được giao dịch cổ phiếu HPG với giá 1x - con số trong mơ của nhiều nhà đầu tư.
Diễn biến giá cổ phiếu HPG thời gian gần đây. Nguồn: TradingView |
HPG không chỉ là cổ phiếu “quốc dân” khi được không ít nhà đầu tư cá nhân lựa chọn, mà cũng là cổ phiếu được các quỹ đầu tư ưa thích. Trong danh mục đầu tư của các quỹ dựa trên báo cáo gần nhất (cuối tháng 8/2022), HPG luôn xuất hiện.
Chẳng hạn, với Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) – quỹ đầu tư Việt Nam lớn nhất được niêm yết ở nước ngoài do Dragon Capital quản lý, trong Top 10 cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất, HPG ở vị trí thứ 4, chiếm 6,44% NAV (giá trị tài sản ròng). Trong khi đó, NAV của Quỹ tính tới cuối tháng 8/2022 vào khoảng hơn 2 tỷ USD.
Với VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF), HPG đứng vị trị thứ 3 trong Top 10 cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất, với 9,3% NAV (NAV của VOF tính tới cuối tháng 8/2022 đạt 1,187 tỷ USD).
Trong nhóm các quỹ mở có mặt trên thị trường, HPG cũng là cổ phiếu quá quen thuộc, thường nằm trong nhóm cổ phiếu Top đầu được nắm giữ. Theo danh mục đầu tư của các quỹ mở dựa trên báo cáo gần nhất ngày 31/8, HPG chiếm 1,43% NAV của quỹ DCDS, 3,3% NAV của quỹ DCBC; 1,74% NAV quỹ VEOF; 1,88% NAV quỹ VLGF và 4,73% NAV quỹ VCBF-BCF…
Cùng với sự khó khăn của thị trường chung, các quỹ đầu tư kể trên đều đang có hiệu suất âm, bám "khá sát" đà giảm của chỉ số VN-Index.
Theo báo cáo của SSI Reseach, mặc dù doanh thu tăng trưởng 7%, nhưng lợi nhuận sau thuế quý II/2022 của HPG chỉ đạt 4 nghìn tỷ đồng, giảm 59% so với cùng kỳ, do tỷ suất lợi nhuận giảm đáng kể trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng cao và giá thép giảm.
Do đó, SSI Reseach hạ dự báo doanh thu và lợi nhuận ròng năm 2022 của HPG xuống lần lượt là 147,5 nghìn tỷ đồng (giảm 1,5% so với cùng kỳ) và 21,6 nghìn tỷ đồng (giảm 37,4% so với cùng kỳ). Như vậy, nhiều khả năng lợi nhuận của HPG sẽ chạm đáy trong thời gian tới.
Trong chương trình Khớp lệnh phát sóng trưa ngày 4/10/2022, ông Nguyễn Trung Du - Giám đốc Dịch vụ đầu tư & Quản lý tài sản, CTCP Chứng khoán Tân Việt đưa ra nhận định: “Với những cổ phiếu phá đáy thì thực sự áp lực. Giao dịch (trading) cổ phiếu phá đáy thì đáy chính là vùng kháng cự. Giống như một con đập nước, tích ở đấy rất lâu. Khi vỡ đập thì lúc chúng ta ngoi lên miệng đập thì bao nhiêu người ở trên đấy lại ném đất đá vào người. Rất nhiều lượng hàng kẹt trên đấy người ta chưa kịp giải quyết. Với cổ phiếu dẫn đầu là Hoà Phát bị phá đáy thì cổ phiếu Nam Kim, Hoa Sen cũng sẽ bị ảnh hưởng”.
Ông Nguyễn Trung Du - Giám đốc Dịch vụ đầu tư & Quản lý tài sản, CTCP Chứng khoán Tân Việt. |
Ông Du cho biết thêm, biến động giá trong ngắn hạn nhà đầu tư lớn nắm giữ cổ phiếu sẽ quyết định cung cầu trong ngắn hạn. Ngoài ra Hoà Phát, Nam Kim, Hoa Sen còn khác nhau về yếu tố kinh doanh.
Ông Nguyễn Trung Du nhấn mạnh thêm về bản chất ngành thép là nhóm ngành chu kỳ. Và hiện chu kỳ giá xuống đang tiếp diễn đối với ngành này đặc biệt trong bối cảnh lo ngại suy thoái kinh tế thế giới.
Trong thời gian vừa qua, giá phép hồi phục do Trung Quốc mở cửa trở lại. Nhu cầu tiêu thụ từ quốc gia này tăng trở lại. Tuy nhiên nếu chỉ đơn lẻ Trung Quốc thì khó kéo đà phục hồi toàn ngành bởi vì cả thế giới (Mỹ, châu Âu) nhu cầu đang giảm sút.
“Nhìn tổng thể như thế thì để ngành thép có sóng tăng mạnh là khó. Còn sóng hồi thì Du nghĩ là có sóng hồi. Nhưng những cổ phiếu vừa phá đáy xong trading khó có cơ hội lớn. Cổ phiếu phá đáy chứng tỏ yếu”, ông Nguyễn Trung Du đánh giá.
Trước đó, từ đầu năm đến khoảng đầu tháng 6 là thời điểm có thể nói là “thăng hoa” nhất của nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn khi liên tục gồng gánh chỉ số, trong bối cảnh nhóm cổ phiếu vốn hoá vừa và nhỏ bị bán mạnh trước hàng loạt thông tin tiêu cực về lãnh đạo một số doanh nghiệp.
Thời điểm đó, giới phân tích kỳ vọng nhóm cổ phiếu này sẽ vẫn tiếp tục duy trì xu hướng “hút tiền” trong nửa cuối năm 2022. Tuy nhiên, sau khoảng thời gian trở thành “người hùng” của VN-Index, nhóm vốn hóa lớn lại quay đầu trở thành gánh nặng cho thị trường chung, là một trong những yếu tố chính khiến VN-Index rơi vào vùng xoáy giảm điểm.
Hiện tại, thời thế thay đổi, tiền ngày càng “đắt”, chứng khoán đã qua thời mua đâu cũng thắng. Để có thể chiến thắng thị trường buộc nhà đầu tư cần phải biết “đãi cát tìm vàng” và các chuyên gia khuyến nghị nên tập trung vào những doanh nghiệp đầu ngành, cơ bản tốt.
Song cũng phải nhìn nhận, mặt bằng chung thanh khoản đang ở mức rất yếu. Đây cũng chính là lý do chủ yếu khiến VN-Index không thể bứt phá mạnh được, bởi các cổ phiếu vốn hoá lớn, nhất là cổ phiếu trụ phải cần một lượng tiền lớn mới có thể tăng giá được. Cụ thể, trong 5 tháng gần đây thị trường liên tục chứng kiến mức thanh khoản sụt giảm rất mạnh. Tính riêng trên sàn HoSE, tổng giá trị giao dịch toàn thị trường trong tháng 9/2022 chỉ còn chưa bằng 1/3 so với kỷ lục lịch sử tháng 11/2021.
Trong khi đó, trước áp lực lo lắng việc lãi suất huy động và cho vay tiếp tục gia tăng khi FED có thể tăng mạnh tiếp lãi suất cơ bản trong tháng 11 và 12, ông Đinh Minh Trí, chuyên gia của Chứng khoán Mirae Asset dự báo dòng tiền tham gia thị trường chứng khoán trong tháng 10 và 11/2022 sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp.
“Do thanh khoản quá kém, nhóm cổ phiếu thuộc vốn hóa lớn không hấp dẫn thời điểm này, bởi khi dòng tiền vào yếu thì các cổ phiếu “hàng hiệu” lại khó tăng giá”, một chuyên gia đánh giá.
Lấy ví dụ về đà giảm của cổ phiếu HPG. Bên cạnh nguyên nhân là kết quả kinh doanh kém khả quan thì việc dòng tiền không còn đủ dồi dào để hấp thụ lượng cổ phiếu trôi nổi tự do (freefloat) “khổng lồ” cũng là lý do đi kèm.
Trên sàn chứng khoán hiện nay, Hòa Phát là doanh nghiệp có vốn điều lệ lớn thứ 2 toàn sàn với hơn 58.000 tỷ đồng, tương ứng số lượng cổ phiếu lưu hành hơn 5,8 tỷ cổ phiếu. Cổ phiếu “anh cả” ngành thép có lượng freefloat lên đến gần 3,2 tỷ đơn vị, chỉ xếp sau cổ phiếu VPB (4,7 tỷ đơn vị).
Thực tế đây vốn không phải vấn đề với HPG trong giai đoạn bùng nổ khi cổ phiếu này thường xuyên giao dịch rất sôi động. Thời đỉnh cao giai đoạn quý II và III/2021, cổ phiếu HPG từng nhiều lần “gánh” thanh khoản cả sàn chứng khoán với giá trị giao dịch lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, sau những biến cố liên quan đến trái phiếu và các chính sách thắt chặt tiền tệ khiến dòng tiền vào thị trường bị hạn chế, đây cũng là giai đoạn cổ phiếu này bước vào xu hướng giảm và không còn giữ được “phong độ” như trước.
Nhìn chung, từ nay đến năm 2023, thị trường khó có thể bật lên được do dòng tiền, kinh tế thế giới và tâm lý nhà đầu tư. Nhưng ở vùng hiện tại, nhiều ý kiến cho rằng, việc đầu tư trung hạn từ 1 năm đến 3 năm là khá an toàn khi chọn mua những cổ phiếu tiêu chuẩn và giá đã giảm sâu hơn thời điểm năm 2020.
“Thời điểm này, nếu lướt sóng ngắn hạn khó nói đúng sai nhưng trong một xu hướng đầu tư và nắm giữ từ 1-3 năm với những cổ phiếu cơ bản, có định giá đã ở mức hấp dẫn… thì vùng giá này không phải quá cao”, TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế khuyến nghị.
Ngoài ra, chúng tôi cũng giới thiệu tới độc giả các thông tin về giá khác mà nhiều người quan tâm được liên tục cập nhật như: #Tỷ giá ngoại tệ #giá vàng #Giá xăng dầu hôm nay #giá hồ tiêu hôm nay #giá heo hơi hôm nay #giá cà phê #cập nhật bảng giá điện thoại. Kính mời độc giả đón đọc.
Cổ đông Gỗ An Cường (ACG) liên tiếp đón "tin vui" Thời điểm này, cổ đông ACG vừa nhận cổ tức, vừa chờ ngày cổ phiếu được chính thức giao dịch tại Sở Giao dịch chứng ... |
‘Cưỡi sóng’ và… lật thuyền Cần gì biết tốt hay xấu, cứ nhìn tình hình thực tế trên thị trường là biết, phân tích làm gì cho mệt xác. Tôi ... |
Cân nhắc dịch chuyển chiến lược đầu tư sang nắm giữ cổ phiếu giá trị và chi trả cổ tức cao Nhóm phân tích của VNDirect cho rằng, lãi suất có thể tiếp tục tăng trong những quý tới, do đó, các nhà đầu tư nên ... |
Thiện Nhân
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|