Cổ phiếu GKM giảm sàn liên tiếp: Bí ẩn phía sau cú lao dốc

(Banker.vn) Cổ phiếu GKM của Công ty CP GKM Holdings đã chứng kiến chuỗi giảm sàn liên tiếp trong 6 phiên gần đây, khiến giá cổ phiếu lao dốc hơn 62% chỉ trong hơn một tháng và mới đây, GKM Holdings đã có văn bản giải trình.

Cổ phiếu GKM của Công ty CP GKM Holdings (HNX: GKM) đang trải qua chuỗi lao dốc mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Kể từ phiên giao dịch ngày 6/8/2024 với mức giá 42.000 đồng/cổ phiếu, đến phiên 27/9/2024, giá cổ phiếu GKM đã giảm xuống chỉ còn 16.600 đồng/cổ phiếu, tương đương mức giảm hơn 62% trong hơn một tháng.

Diễn biến giá cổ phiếu GKM
Diễn biến giá cổ phiếu GKM

Đáng chú ý, trong 6 phiên gần đây, cổ phiếu GKM liên tiếp giảm sàn, mất hơn 50% giá trị từ mức 27.200 đồng/cổ phiếu vào ngày 19/9. Thanh khoản trung bình của cổ phiếu GKM trong giai đoạn này chỉ đạt gần 18 nghìn đơn vị/phiên, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 90 nghìn đơn vị/phiên vòng 1 tháng qua. Sự sụt giảm mạnh về thanh khoản này khiến nhà đầu tư càng lo ngại về triển vọng của cổ phiếu GKM trên thị trường chứng khoán.

Giải trình từ GKM Holdings về cổ phiếu lao dốc

Sau chuỗi giảm sàn 5 phiên liên tiếp, GKM Holdings đã có văn bản giải trình tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Công ty khẳng định rằng giá cổ phiếu GKM hoàn toàn phụ thuộc vào cung cầu trên thị trường chứng khoán, cùng với yếu tố tâm lý và đánh giá của nhà đầu tư. Công ty cũng cho biết, tình hình kinh tế vĩ mô không thuận lợi, cùng với thiên tai, mưa bão phức tạp trong thời gian qua đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của công ty và tâm lý nhà đầu tư.

Công ty nhấn mạnh rằng, họ không can thiệp hay tác động vào diễn biến giá cổ phiếu GKM và cam kết luôn tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật đối với công ty đại chúng niêm yết.

Cổ phiếu GKM giảm sàn liên tiếp: Bí ẩn phía sau cú lao dốc
Báo cáo, công bố thông tin cổ phiếu GKM giảm sàn 5 phiên liên tiếp

Áp lực từ gánh nặng trái phiếu

Mới đây, GKM Holdings đã tổ chức lấy ý kiến các nhà đầu tư trái phiếu về việc kéo dài kỳ hạn trái phiếu GKMH2124001 thêm 2 năm, từ ngày 20/9/2024 lên 20/9/2026.

Theo dữ liệu từ HNX, đây là trái phiếu duy nhất của công ty, được phát hành vào ngày 20/9/2021 với giá trị 100 tỷ đồng, nhằm bổ sung vốn lưu động và đầu tư cho dự án nhà máy nhôm Khang Minh tại Hà Nam. Trái phiếu có lãi suất 12,6%/năm, thanh toán mỗi 3 tháng, và được đảm bảo bằng 7 triệu cổ phiếu GKM. Đơn vị tư vấn phát hành, đại diện cho trái chủ và quản lý tài sản đảm bảo là Công ty Chứng khoán APG (HOSE: APG). APG cũng là cổ đông lớn của GKM, sở hữu hơn 5 triệu cổ phiếu, chiếm 16,08% vốn điều lệ.

Tính đến hiện tại, lô này còn lưu hành 4.490 trái phiếu, tương ứng 44,9 tỷ đồng. Đồng thời, trên báo cáo bán niên 2024 của APG cũng ghi nhận khoản đầu tư gần 44,2 tỷ đồng vào trái phiếu GKM.

Theo lịch trình, ngày chốt danh sách trái chủ là 10/9, thời hạn cuối để trái chủ gửi trả lời phiếu lấy ý kiến là 9h ngày 18/9. Sau đó, biên bản kiểm phiếu và nghị quyết về việc lấy ý kiến trái chủ bằng văn bản dự kiến công bố trong ngày 19/9. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, GKM chưa công bố kết quả việc lấy ý kiến trái chủ, điều này càng làm tăng áp lực lên công ty khi kỳ hạn thanh toán trái phiếu sắp đến mà chưa huy động đủ vốn để đáo hạn.

Trước đó, trong tháng 6/2024, GKM Holdings đã thông qua kế hoạch phát hành lô trái phiếu mới GKMH2427001 với giá trị tối đa 44,9 tỷ đồng, tương đương với giá trị còn lại của trái phiếu GKMH2124001. Trái phiếu mới có kỳ hạn 36 tháng, lãi suất 11%/năm và thanh toán hàng năm, nhằm cơ cấu lại nợ, bao gồm thanh toán gốc và lãi trái phiếu đến hạn hoặc mua lại trước hạn.

Tuy nhiên, đến nay gần cuối quý 3, GKM vẫn chưa công bố kết quả phát hành trái phiếu mới, điều này cho thấy công ty đang gặp khó khăn trong việc huy động vốn. Chính vì lý do này, GKM phải đề xuất gia hạn kỳ hạn trái phiếu hiện tại thêm 24 tháng.

Chuyển hướng đầu tư tài chính, kế hoạch tăng vốn gấp đôi

GKM Holdings, trước đây được biết đến với tên gọi Khang Minh Group, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất gạch và đá thạch anh. Tuy nhiên, vào cuối năm 2023, công ty đã có sự thay đổi lớn về chiến lược kinh doanh khi chuyển hướng từ sản xuất sang đầu tư tài chính. GKM đã rút vốn khỏi các công ty con trong lĩnh vực đá và nhôm, đồng thời xác định đầu tư tài chính là lĩnh vực cốt lõi, hướng tới trở thành tập đoàn quản lý vốn tư nhân.

Tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, công ty đã thông qua kế hoạch tăng vốn từ 314 tỷ đồng lên 626 tỷ đồng thông qua nhiều phương án, bao gồm phát hành 2 triệu cổ phiếu từ vốn chủ sở hữu, 1,67 triệu cổ phiếu ESOP, 17,6 triệu cho cổ đông hiện hữu giá 10.000 đồng/cp và 10 triệu cổ phiếu riêng lẻ giá tối thiểu 11.000 đồng/cp.

Mục tiêu của kế hoạch này là huy động vốn để trả nợ, đầu tư vào Công ty CP Pomex và mở rộng hoạt động đầu tư tài chính. GKM còn định hướng tham gia vào các lĩnh vực như thương mại nông sản, vật liệu xây dựng, năng lượng tái tạo, và phát triển khu công nghiệp.

Tại cuối quý 2, công ty có tổng tài sản 478 tỷ đồng nhưng chỉ còn 12 tỷ tiền và tương đương tiền tính đến cuối tháng 6. Hai khoản mục chiếm phần lớn tài sản là khoản phải thu 153,2 tỷ đồng (tỷ trọng 32%) và đầu tư tài chính dài hạn 256,8 tỷ đồng (tỷ trọng 53%).

Về kết quả kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm 2024, GKM đã đạt doanh thu hơn 133 tỷ đồng, tăng gấp 86 lần so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận ròng đạt gần 6,3 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, sự tăng trưởng này đến từ việc mở rộng hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực vật liệu xây dựng và buôn bán gạo, theo định hướng mới của công ty.

Tại cuối thời điểm cuối quý 2, GKM có tổng tài sản 478 tỷ đồng nhưng chỉ còn 12 tỷ tiền và tương đương tiền tính đến cuối tháng 6. Hai khoản mục chiếm phần lớn tài sản là khoản phải thu 153,2 tỷ đồng (tỷ trọng 32%) và đầu tư tài chính dài hạn 256,8 tỷ đồng (tỷ trọng 53%).

Trong nửa đầu năm nay, GKM đã giảm đáng kể các khoản phải thu (cho vay và phải thu khác) để tăng quy mô đầu tư tài chính dài hạn từ 87,5 tỷ đồng lên 256,8 tỷ đồng. Trong đó, công ty rút tiếp vốn khỏi Công ty cp đá thạch anh Khang Minh và đầu tư mới vào Công ty cp ECO HT (85,5 tỷ), Công ty CP APG ECO Hòa Bình (54 tỷ) và Công ty CP APG Energy (48,6 tỷ).

Cổ phiếu GKM tăng "bốc đầu" sau nhiều phiên "gom hàng" từ Chứng khoán APG

Chỉ sau 1 tuần giao dịch, Chứng khoán APG đã mua thêm tổng cộng 1,9 triệu cổ phiếu GKM, nâng tỷ lệ sở hữu tại ...

Chủ tịch Nguyễn Hồ Hưng vừa trở thành cổ đông lớn, Chứng khoán APG bị phạt hơn nửa tỷ đồng và đình chỉ giao dịch 4 tháng

Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành quyết định số 749/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối ...

Vi phạm về báo cáo thông tin giao dịch, Chủ tịch Khang Minh Group bị phạt 60 triệu đồng

Trung tuần tháng 10/2020, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành Quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với ...

Đức Anh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán