Cổ phiếu đáng chú ý trước phiên giao dịch ngày 14/11/2024: DXS, NVL, HPG

(Banker.vn) Phiên 13/11, cổ phiếu DXS tăng trần lên 6.790 đồng/cp, DXG tăng 2,18% với 15,3 triệu đơn vị khớp lệnh. TTE tiếp tục đạt đỉnh, CTR tăng 5,34%, còn NVL ghi nhận mua ròng 2,3 triệu đơn vị. HNG bật tăng trên sàn UPCoM, trong khi HPG và VIX lần lượt giảm 1,64% và 2,4%. QCG và PSH tiếp tục giảm sâu, phản ánh sự biến động đa dạng của thị trường.

DXS: Đóng cửa phiên giao dịch ngày 13/11, cổ phiếu DXS của Công ty CP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (HOSE) bất ngờ tăng hết biên độ (+6,79%) lên mức 6.790 đồng/cổ phiếu, khớp lệnh hơn 3,9 triệu đơn vị. Trong phiên, “người anh em” DXG cũng từ sắc đỏ được kéo lên mức 16.400 đồng khi đóng cửa, tăng 2,18%, khớp 15,3 triệu đơn vị. Về tình hình kinh doanh, lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu từ hoạt động bán hàng của công ty đạt hơn 1.818 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 104 tỷ đồng, hoàn thành 62% chỉ tiêu đề ra tại Đại hội đồng cổ đông năm 2024. Thông tin từ DXS, nhờ chiến lược đa dạng hóa sản phẩm và mở rộng thị trường, từ đầu năm 2024 đến nay, công ty đã ghi nhận giao dịch thành công tại hơn 150 dự án lớn nhỏ trên khắp cả nước.

Cổ phiếu đáng chú ý trước phiên giao dịch ngày 14/11/2024: DXS, NVL, HPG

TTE: Cổ phiếu TTE của Công ty CP Đầu tư Năng lượng Trường Thịnh (HOSE) tiếp tục có thêm một phiên tăng kịch trần phiên 13/11 (+6,88%), thị giá đạt 35.750 đồng/cổ phiếu. Phiên trước đó, TTE cũng có cho mình sắc tím. Đáng nói, trong tuần trước, TTE có 4/5 phiên tăng trên 6%, qua đó giúp cổ phiếu ghi nhận mức đỉnh lịch sử mới. Đầu tư Năng lượng Trường Thịnh tiền thân là nhà máy Thủy điện Đăk Ne và tách ra từ Công ty CP Tấn Phát. Trường Thịnh đăng ký doanh nghiệp lần đầu vào năm 2014 với tên ban đầu là Công ty CP Đăk Ne với vốn điều lệ 25,4 tỷ đồng. Đến năm 2017, doanh nghiệp này đã tăng vốn điều lệ lên mức 284,9 tỷ đồng, gấp hơn 11 lần chỉ sau 3 năm. Ngành nghề kinh doanh chính của Công ty là sản xuất, truyền tải và phân phối điện.

CTR: Một cổ phiếu trong họ Viettel tiếp tục tăng mạnh phiên hôm nay là CTR của Tổng Công ty CP Công trình Viettel (HOSE) với mức tăng 5,34%, thị giá đạt 138.200 đồng/cổ phiếu, khớp hơn 2,6 triệu đơn vị. Theo báo cáo phân tích của Chứng khoán Bảo Việt, CTR thực hiện doanh thu 1.206 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 61 tỷ đồng trong tháng 9. Lũy kế 9 tháng , doanh thu đạt 9.141 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 484 tỷ đồng. Như vậy, CTR đã thực hiện được 72% kế hoạch doanh thu (12.653 tỷ đồng) và 72% kế hoạch lợi nhuận (671 tỷ đồng) cho 2024. Tháng 8/2024 vừa qua, CTR đã tiến hành triển khai kế hoạch lắp đạt thiết bị trạm 5G phục vụ chiến lược phủ sóng 5G thương mại của Tập đoàn Viettel. Theo đó, CTR sẽ triển khai khoảng 70% tổng khối lượng trạm thi công tại 55 tỉnh. Hạ tầng cho thuê là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng dài hạn của CTR.

NVL: Kết thúc phiên giao dịch 13/11, khối ngoại bán ròng 173,8 tỷ đồng trên toàn thị trường, với giá trị bán ròng trên HoSE là 166,5 tỷ đồng. Mặc dù vậy, cổ phiếu NVL của Novaland vẫn ghi nhận tín hiệu tích cực khi được khối ngoại mua ròng mạnh nhất về khối lượng, với hơn 2,3 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 25 tỷ đồng. Đây cũng là phiên giao dịch lớn nhất của nhóm nhà đầu tư nước ngoài tại mã bất động sản này trong 4 tháng qua, khi trước đó giá trị mua-bán ròng chỉ đạt vài tỷ đồng/phiên. Kết thúc ngày 13/11, NVL tăng gần 2,4% lên 10.800 đồng/cp. Bên cạnh đó, khối ngoại cũng ghi nhận mua ròng mạnh tại một số mã bất động sản như KBC (1,6 triệu đơn vị), DXG (1,5 triệu đơn vị) và DXS (1,3 triệu đơn vị).

HNG: Thị trường UPCoM phiên ngày 13/11 chứng kiến cổ phiếu HNG của Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (UpCOM) bật tăng tốt hơn 4%, thị giá đạt mức 5.000 đồng/cổ phiếu, khớp hơn 4,5 triệu đơn vị, cao gấp đôi khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên gần nhất. Được biết, Hồi đầu tháng 9, cổ phiếu HNG của Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai đã chuyển xuống giao dịch trên sàn UPCoM sau khi bị hủy niêm yết bắt buộc tại sàn HoSE. Về bức tranh tài chính, lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, HAGL Agrico 288 tỷ đồng doanh thu, giảm 34% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn cao cùng với gánh nặng chi phí tài chính đã khiến công ty lỗ gần 546 tỷ đồng. Tổng lỗ lũy kế đến 30/9/2024 đã vượt 8.647 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu còn 1.860 tỷ đồng so với vốn góp chủ sở hữu là hơn 11.085 tỷ đồng.

HPG: Giảm mạnh nhất trong nhóm VN30 phiên 13/11 gọi tên HPG nhà Hòa Phát với mức giảm 1,64%, thị giá xuống còn 27.050 đồng/cổ phiếu, khớp hơn 22,2 triệu đơn vị - cũng là "quán quân" thanh khoản nhóm VN30. Liên quan tới tập đoàn này, tại hội nghị với các doanh nghiệp lớn do Thường trực Chính phủ tổ chức diễn ra vào tháng 9 vừa qua, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát ông Trần Đình Long đã khẳng định: "Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với tổng vốn đầu tư 70 tỷ USD, là một công trình hạ tầng chiến lược của quốc gia. Hòa Phát sẵn sàng tham gia đấu thầu và đủ năng lực cung cấp thép cho đường ray tốc độ cao ngay tại Việt Nam." Ông Long cho biết Hòa Phát đã nghiên cứu sản phẩm thép ray trong 3 năm trở lại đây. Do đó, việc sản xuất thanh ray cho đường sắt tốc độ cao hoàn toàn trong khả năng của Tập đoàn.

VIX: Nếu như cổ phiếu HPG là "quán quân" thanh khoản nhóm VN30 thì cổ phiếu chứng khoán VIX thậm chí còn đứng đầu toàn sàn HOSE về thanh khoản, với hơn 37,9 triệu đơn vị được sang tay. Tuy nhiên, cũng giống HPG, VIX cũng giảm tương đối mạnh phiên hôm nay (-2,40%), thị giá còn 10.150 đồng/cổ phiếu. Về kết quả kinh doanh, quý 3/2024 của Chứng khoán VIX thể hiện nhiều dấu hiệu tích cực nhưng vẫn không gánh nổi nửa đầu năm "bết bát". Quý 3, Chứng khoán VIX dù ghi nhận doanh thu tăng tới 71,5% nhưng lãi sau thuế chỉ đạt 265 tỷ đồng, tương đương tăng 33,2%. Do tình hình kinh doanh nửa đầu năm ảm đạm, nên dù bứt phá tại Quý 3, lũy kế doanh thu 9 tháng lại đi ngang ở mức 1.293 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế lũy kế thậm chí còn giảm 28,9% xuống chỉ còn 551 tỷ đồng.

QCG: Cổ phiếu QCG nhà Quốc Cường Gia Lai lại trải qua một phiên giảm mạnh, với việc mất 5,54% thị giá, thanh khoản đạt hơn 1,4 triệu đơn vị. Phiên trước đó 12/11, QCG cũng giảm hơn 2%. Diễn biến mới nhất liên quan doanh nghiệp, tại phiên xét xử phúc thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1, luật sư của bà Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát công bố Công ty CP Quốc Cường Gia Lai đã đồng ý trả cho thân chủ của mình số tiền 2.882 tỷ đồng liên quan đến việc chuyển nhương Dự án Khu dân cư Bắc Phước Kiển (huyện Nhà Bè, TP.Hồ Chí Minh). Theo quy định, Toà án Nhân dân Cấp cao sẽ đình chỉ xem xét yêu cầu của Quốc Cường Gia Lai do đã rút kháng cáo.

PSH: Cổ phiếu PSH của Dầu khí Nam Sông Hậu kết phiên ngày 13/11 giảm mạnh 4%, thị giá rơi về mức 3.600 đồng/cổ phiếu với hơn 0,6 triệu đơn vị được giao dịch. Diễn biến của PSH thời gian gần đây rất thất thường. Trước phiên 13/11, PSH giảm mạnh 3 phiên liên tiếp. Tuy nhiên trước đó nữa, PSH đã có tới 8 phiên tăng điểm liên tiếp, trong đó có 2 phiên tăng trần. Được biết, cổ phiếu PSH vừa bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE) đưa vào diện hạn chế giao dịch. Theo quy định của HoSE, từ ngày 23/10/2024, cổ phiếu PSH chỉ được phép giao dịch trong phiên chiều mỗi ngày thông qua phương thức khớp lệnh tập trung và giao dịch thỏa thuận.

Cổ phiếu VN30 dẫn nhịp, VN-Index bất ngờ đảo chiều hồi phục

Phiên giao dịch 13/11, VN-Index bất ngờ đảo chiều tăng hơn 1 điểm về cuối phiên nhờ sắc xanh nhóm VN30 với MWG, VPB dẫn ...

Lãi lớn 3 quý, Haxaco (HAX) muốn đưa "con" lên sàn HOSE

Haxaco duyệt kế hoạch niêm yết cổ phiếu công ty con PTM trên sàn HOSE từ tháng 11/2024, đồng thời tăng sở hữu lên 51,62% ...

Nhận định chứng khoán 14/11/2024: Dòng tiền đang cải thiện, điểm mua mới dần mở ra

Thị trường chứng khoán Việt Nam phiên 13/11 diễn biến đầy kịch tính khi đầu phiên chịu áp lực điều chỉnh mạnh, đặc biệt từ ...

Nguyên Nam

Nguyên Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục