"Cơ hội săn hàng giá đẹp"

(Banker.vn) VN-Index khép lại tuần thứ 2 của tháng 4 không thể duy trì sắc xanh. Áp lực bán tăng mạnh, bên cạnh tâm lý yếu ớt của giới đầu tư đang bị ảnh hưởng rất lớn bởi những cú sốc thông tin dồn dập.

Nhiều yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường đã khiến áp lực bán chiếm thế chủ động trong suốt nửa đầu tháng 4, khiến VN-Index giảm tổng cộng gần 80 điểm, với không nhiều điểm nhấn ngoài những phiên chao đảo nặng nề. Tâm điểm áp lực bán vẫn là các dòng cổ phiếu bất động sản và nhiều nhóm cổ phiếu có yếu tố đầu cơ, khiến tâm lý của giới đầu tư trở nên tiêu cực hơn và động thái bán dần lan sang nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.

Khi xu hướng bán ròng đang xuất hiện trên hầu hết các nhóm ngành, mùa đại hội cổ đông và công bố báo cáo tài chính quý I được kỳ vọng tạo ra những lực đỡ thông tin để từ đó dòng tiền có thể sẽ có sự phân hóa vào những nhóm cổ phiếu có kết quả kinh doanh quý đầu năm và triển vọng trong các quý tới khả quan.

Ở một số nhóm cổ phiếu cũng có những diễn biến đáng lưu tâm, chẳng hạn cổ phiếu GEX, IDC… chịu áp lực quá bán, nhà đầu tư cá nhân ồ ạt bán ra bằng mọi giá thì nhà đầu tư nước ngoài lại mua ròng lượng lớn. Nhìn rộng hơn thị trường trong cả phiên giao dịch cuối tuần qua, khối ngoại và các nhà đầu tư tổ chức đã mua ròng mạnh, cân lại đà bán của nhà đầu tư cá nhân trong nước.

Trong bối cảnh “sóng to gió lớn” hiện nay, nhà đầu tư nên có hành động như thế nào quả thực là câu hỏi không dễ trả lời. Một cách phản ứng được một số nhà đầu tư có kinh nghiệm lựa chọn là đóng bảng điện và trở lại cuộc sống, công việc hàng ngày.

Khi chứng khoán giảm giá quá sâu, nhiều F0 có xu hướng mua bán loạn xạ và càng dễ dẫn đến sai lầm khiến cho thua lỗ càng lớn hơn, nhưng đây cũng là dịp để nhà đầu tư quyết liệt hành động tái cơ cấu danh mục, bởi cổ phiếu kém sẽ không thể là khối oxy từ từ kéo nhà đầu tư trở lên mặt nước.

Vẫn có những ngành mang sắc xanh trên bản đồ giao dịch nhuốm màu đỏ rực, chẳng hạn như nhóm cổ phiếu bảo hiểm đã đồng loạt ''dậy sóng'' trong phiên cuối tuần trước và cho đến nay đã tăng 25-50% so với cuối tháng 1/2022.

Nhận định từ bộ phận Research của CTCK SSI và BVSC cho thấy, có nhiều doanh nghiệp bảo hiểm ghi nhận lợi nhuận sau thuế năm 2021 tăng với tốc độ hai chữ số khi doanh thu phí và hoạt động tài chính diễn biến tích cực. Bước sang năm 2022, sau khi đại dịch Covid-19 đi qua, ngành bảo hiểm phi nhân thọ có thể nhanh chóng quay trở lại mức tăng trưởng trung bình 15% của giai đoạn trước, trong khi bảo hiểm nhân thọ vẫn giữ được mức tăng trưởng cao 25 - 30%/năm.

Các nhóm ngành xuất khẩu dệt may, thủy sản với tốc độ tăng trưởng 2 - 3 con số cũng đang hút dòng tiền; nhóm ngành nước, ngành dược vốn được biết đến như nhóm cổ phiếu phòng thủ danh mục nhờ tăng trưởng ổn định và cổ tức đều đặn. Trong bối cảnh thị trường liên tục rung lắc mạnh, những nhóm cổ phiếu này có khả năng được được nhà đầu tư chú ý nhiều hơn.

Ngay như nhóm ngân hàng, dù chịu ảnh hưởng tiêu cực trong ngắn hạn về động thái siết kênh trái phiếu, cho vay bất động sản…, nhưng nhìn xa hơn nhóm cổ phiếu này trong năm nay vẫn được hưởng lợi nhiều từ áp lực nợ xấu không quá căng thẳng khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa thống nhất kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đến ngày 31/12/2023. Đồng thời, nhiều ngân hàng dự báo lợi nhuận đột biến trong quý I này cũng như hứa hẹn những câu chuyện riêng, tăng thêm sự hấp dẫn của cổ phiếu vua…

Cho nên những nhịp điều chỉnh về vùng hỗ trợ nếu được gạn lọc tốt sẽ là cơ hội để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu hoặc tái cơ cấu nhóm ngành có triển vọng, đón đầu thị trường qua vùng thời tiết xấu để cất cánh trở lại. Đó cũng là nội dung chính được Đầu tư Chứng khoán đề cập trong Tiêu điểm với chủ đề “Cơ hội săn hàng giá đẹp” của số báo tuần này.

Người quan sát

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục