Cổ đông lớn Thái Lan sắp nhận gần 400 tỷ đồng cổ tức từ Nhựa Bình Minh (BMP)

(Banker.vn) HĐQT Công ty CP Nhựa Bình Minh (HOSE: BMP) vừa ra quyết định trả cổ tức còn lại bằng tiền mặt của năm 2022 với tỷ lệ 53%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận 5.300 đồng.

Theo đó, Nhựa Bình Minh sẽ phải chi tương ứng hơn 433,86 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu. Ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông là ngày 20/5, thời gian thanh toán cổ tức dự kiến ngày 10/6/2023.

Cổ đông lớn Thái Lan sắp nhận gần 400 tỷ đồng cổ tức từ Nhựa Bình Minh (BMP)

Trước đó, vào đầu tháng 12/2022, Nhựa Bình Minh đã tạm ứng cổ tức lần 1/2022 với tỷ lệ 31% bằng tiền mặt. Qua đó, tổng mức chia cổ tức năm 2022 của BMP là 84% bằng tiền mặt, đúng như kế hoạch Công ty đã thông qua tại ĐHCĐ thường niên mới tổ chức cuối tháng 4/2023 vừa qua và tăng mạnh so với tỷ lệ 26% của năm trước đó.

Với việc chia cổ tức khủng năm 2022, cổ đông lớn nhất The Nawaplastic Industries (Saraburi) Co., Ltd - một thành viên của Tập đoàn SCG đến từ Thái Lan đang sở hữu hơn 45 triệu cổ phiếu BMP, tương ứng tỷ lệ xấp xỉ 55% vốn, sẽ nhận về khoảng 378 tỷ đồng từ việc chia cổ tức năm vừa qua của Nhựa Bình Minh.

The Nawaplastic trở thành cổ đông lớn của Nhựa Bình Minh từ đầu tháng 3/2012 sau khi chi ra khoảng 243 tỷ đồng mua vào 5,85 triệu cổ phiếu BMP, tương ứng tỷ lệ 16,72% vốn thời điểm đó. Tổ chức này sau đó chi thêm khoảng 50 tỷ đồng để âm thầm gom thêm cổ phần và nâng sở hữu lên trên 20% vào cuối năm 2012.

Cổ đông lớn Thái Lan thực sự gây chú ý khi “ôm” trọn lô 24,13 triệu cổ phiếu BMP từ SCIC trong đợt đấu giá cổ phần hồi tháng 3/2018. Với giá trúng bình quân bằng giá khởi điểm 96.500 đồng/cp, ước tính The Nawaplastic đã chi ra khoảng 2.300 tỷ đồng cho thương vụ trên. Cổ đông này sau đó không hề giấu diếm tham vọng chi phối Nhựa Bình Minh khi liên tục tăng sở hữu.

Đến giữa năm 2018, tổ chức này đã nắm trên 54% cổ phần sau khi bỏ ra khoảng 130 tỷ đồng để mua thêm cổ phiếu. Vào đầu tháng /2023, The Nawaplastic tiếp tục chi thêm khoảng 25 tỷ đồng để nâng sở hữu tại Nhựa Bình Minh lên xấp xỉ 55%. Ước tính, tổ chức này đã chi ra tổng cộng khoảng 2.750 tỷ đồng để sở hữu lượng cổ phần BMP như hiện nay. Như vậy, sau hơn 11 năm đầu tư vào Nhựa Bình Minh, cổ đông Thái Lan tạm lãi 750 tỷ đồng, chưa kể cổ tức.

Với truyền thống chi trả cổ tức cao hàng năm, không quá khi cho rằng Nhựa Bình Minh là “con gà đẻ trứng vàng” cho The Nawaplastic. Kể từ khi tổ chức này trở thành cổ đông lớn đầu năm 2012, chưa năm nào doanh nghiệp đầu ngành nhựa Việt Nam quên chia cổ tức bằng tiền. Ước tính, tổng số tiền cổ đông Thái Lan thu về từ các đợt cổ tức của Nhựa Bình Minh có thể lên đến hơn 1.300 tỷ đồng.

Quý I/2023, Nhựa Bình Minh ghi nhận lãi đạt 281 tỷ đồng, tăng 120% so với cùng kỳ

Trong năm 2022, Nhựa Bình Minh ghi nhận doanh thu đạt 5.825 tỷ đồng, tăng 27,6% so với năm trước và hoàn thành 102,5% kế hoạch (kế hoạch doanh thu 5.680 tỷ đồng); lợi nhuận sau thuế ghi nhận 694 tỷ đồng, tăng 225% và hoàn thành 155% kế hoạch (kế hoạch lãi 448 tỷ đồng).

Năm 2023, Công ty đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu dự kiến 6.357 tỷ đồng, tăng 9,1% so với năm trước và lợi nhuận sau thuế dự kiến 651 tỷ đồng, giảm 6,2% so với năm trước.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023 mới công bố, Nhựa Bình Minh ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.440 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, chi phí giá vốn hàng bán lại giảm mạnh 14% giúp biên lãi gộp được cải thiện từ 24% lên 39%.

Ngoài ra, doanh thu tài chính tăng mạnh 92% lên 23 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng nhẹ 11% lên 40 tỷ và chi phí bán hàng tăng 45% lên mức 160 tỷ đồng. Chi phí quản lý được tiết giảm 4% còn 26 tỷ đồng.

Qua đó, Nhựa Bình Minh ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý I/2023 đạt 281 tỷ đồng, tăng 120% so với cùng kỳ. Đây là mức lợi nhuận quý cao nhất của Công ty, phá kỷ lục cũ vừa ghi nhận vào quý IV/2022 đạt 248,43 tỷ đồng.

Như vậy, kết thúc quý I/2023, BMP đã hoàn thành được 23% mục tiêu về doanh thu và 43% mục tiêu lợi nhuận năm.

Cùng kết quả kinh doanh khả quan, diễn biến cổ phiếu BMP cũng ấn tượng trên thị trường. Trong tháng 4 vừa qua, cổ phiếu BMP đã ghi nhận mức tăng gần 40% và đóng cửa phiên giao dịch ngày 4/5 cũng ngược dòng thị trường chung tăng 6,46% lên gần mức giá trần 82.400 đồng/cp.

Theo Công ty Cổ phần Chứng khoán VietCap (VCSC) thì kế hoạch năm 2023 của BMP lạc quan hơn so với dự báo của VCSC khi kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích CĐTS lần lượt tương đương 114% và 113% dự báo hiện tại của VCSC.

Đồng thời, cổ đông thông qua mức cổ tức năm 2022 là 8.400 đồng/cổ phiếu (tương ứng tỷ lệ chia cổ tức đạt 100% cho năm 2022), trong đó đã chia 3.100 đồng/cổ phiếu. Các cổ đông cũng đã thông qua mức cổ tức năm 2023 tối thiểu là 50% lợi nhuận sau thuế năm 2023 — bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu. Bên cạnh đó, VCSC hiện giả định BMP sẽ chia cổ tức tiền mặt trong 12 tháng tới với lợi suất là 10,7%.

Cũng theo VCSC thì cổ phiếu BMP là cổ phiếu lựa chọn phòng thủ mà VCSC đánh giá cao trong ngành vật liệu xây dựng trong năm 2023 vì công ty có bảng cân đối kế toán vững chắc và lợi suất cổ tức cao. Số dư tiền mặt vào cuối quý 1/2023 của BMP đạt 2 nghìn tỷ đồng và công ty cũng không có nợ vay.

Còn theo BCTC quý 1/2023 với doanh thu đạt 1,4 nghìn tỷ đồng, tăng 2% so với quý trước; lợi nhuận sau thuế sau lợi ích CĐTS đạt 281 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ. Như vậy, với kết quả đạt được công ty đã hoàn thành 23% kế hoạch doanh thu và 43% kế hoạch lợi nhuận do công ty đề ra.

Các tiêu chí lựa chọn cổ phiếu hưởng “cổ tức” để không “tức tới cổ”

Các nhà đầu tư cổ tức thiếu kinh nghiệm thường mắc sai lầm khi mua cổ phiếu có tỷ suất cổ tức cao nhất. Mặc ...

Dầu khí IDICO (ICN) chi đậm trả cổ tức năm 2022, IDC bỏ túi 153 tỷ đồng

Tại ĐHCĐ bất thường năm 2022, ICN nâng mức chia cổ tức đã thông qua là 45% lên 250%. Việc điều chỉnh kế hoạch chia ...

Ngân hàng Nhà nước đã trình phương án tăng vốn cho Agribank và Vietcombank

Ngân hàng Nhà nước cho biết đã trình Thủ tướng về phương án tăng vốn điều lệ của Agribank và phương án đầu tư bổ ...

Khánh Vân (t/h)

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán