Ngày 17/10 tới đây CTCP Gỗ An Cường (Mã chứng khoán: ACG) sẽ chốt danh sách cổ đông chi tạm ứng cổ tức đợt 1/2022 bằng tiền. Tỷ lệ chi trả 11%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận về 1.100 đồng. Thời gian thanh toán cổ tức vào ngày 4/11/2022.
Như vậy với hơn 135,8 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Gỗ An cường sẽ chi hơn 200 tỷ đồng tạm ứng cổ tức đợt này cho cổ đông.
Như vậy, cổ đông công ty vừa nhận cổ tức, vừa chờ ngày cổ phiếu được chính thức giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh.
Về thông tin niêm yết trên HOSE, 10/10 tới đây, 135,8 triệu cổ phiếu của Công ty CP Gỗ An Cường sẽ giao dịch phiên đầu tiên tại sàn HOSE với mã chứng khoán ACG. Trước đó, cổ phiếu ACG có phiên giao dịch cuối cùng trên UPCoM vào ngày 27/9 và đã hủy đăng ký giao dịch ngày 28/9 theo quyết định của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội để chuẩn bị cho bước “chuyển nhà”.
Công ty cổ phần Gỗ An Cường hiện có 3 cổ đông lớn là Công ty TNHH Đầu tư NC Việt Nam (50%), Quỹ đầu tư Whitlam Holding Pte Ltd đại diện cho liên doanh VinaCapital- DEG (18,06%) và Sumitomo Forestry Ltd (19,6%).
Hoạt động kinh doanh chủ yếu gồm sản xuất và kinh doanh vật liệu giải pháp và nội thất làm bằng gỗ công nghiệp và các dịch vụ hỗ trợ đi kèm. Thị trường phân phối của An Cường khá rộng, có thể kể đến như Campuchia, Malaysia, Nhật Bản, Canada, Mỹ, Úc…
Được biết, cổ phiếu ACG lên giao dịch trên UPCoM từ ngày 4/8/2021 với giá tham chiếu 90.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy sau hơn 1 năm đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán, thị giá cổ phiếu ACG hiện đã giảm 23,5%.
Mặc dù vậy, giá cổ phiếu này vẫn cao hơn hẳn so với các đơn vị cùng ngành như Gỗ Trường Thành (TTF - 6.800 đồng), Gỗ Đức Thành (GDT - 38.600 đồng) hay Gỗ Thuận An (GTA - 15.750 đồng).
Thành lập từ năm 2014 với vốn điều lệ 120 tỷ đồng, sau 10 lần tăng vốn, hiện vốn điều lệ của An Cường ghi nhận ở mức 1.358 tỷ đồng. Công ty cũng đang nắm giữ 55% thị phần nguyên liệu gỗ công nghiệp và vật liệu trang trí trong nước (tập trung phân khúc trung cao cấp) bao gồm các sản phẩm như tấm MFC, tấm laminate, tấm acrylic, cửa gỗ công nghiệp, sàn gỗ công nghiệp,... |
Về kết quả kinh doanh, Gỗ An Cường công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2022 với doanh thu và lợi nhuận đều tăng so với cùng kỳ. Cụ thể, tính riêng quý 2 doanh thu thuần đạt 1.059 tỷ đồng, tăng 14,9% so với cùng kỳ, trong khi đó tỷ lệ tăng doanh thu thấp hơn, chỉ 12,3% nên lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 308 tỷ đồng, tăng 21,7% so với cùng kỳ.
Trong quý chi phí bán hàng tăng gần 20 tỷ đồng so với cùng kỳ, lên 119 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng 10 tỷ đồng lên 33 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 193 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt mức tăng trưởng 16,3% so với quý 2 năm ngoái, lên 159 tỷ đồng.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2022 doanh thu Gỗ An Cường đạt 1.915 tỷ đồng, tăng 12% so với nửa đầu năm ngoái. Trừ chi phí vốn, công ty lãi gộp 570 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp cũng tăng từ 28,9% nửa đầu năm ngoái lên 29,6%. Trừ các khoản phát sinh, Gỗ An Cường báo lãi trước thuế 341 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 279 tỷ đồng, tăng 17,4% so với cùng kỳ, hoàn thành gần 51% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.
Tính đến 30/6/2022 Gỗ An Cường còn khoản tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn 1.333 tỷ đồng, giảm gần 200 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, trong đó có 1.177 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn tại ngân hàng và 156 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp.
Tổng nợ phải trả tăng hơn 200 tỷ đồng lên 1.420 tỷ đồng, trong đó dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn 737 tỷ đồng (tăng 170 tỷ đồng so với đầu kỳ) và không còn dư vay nợ thuê tài chính dài hạn. An Cường cũng còn khoản nợ khó đòi hơn 21,6 tỷ đồng, trong đó đã trích lập dự phòng gần 18 tỷ đồng.
Lượng hàng tồn kho đến cuối quý 2 còn 1.527 tỷ đồng, tăng gần 150 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, trong đó đã trích dự phòng giảm giá hàng tồn kho hơn 32 tỷ đồng. chủ yếu tăng giá trị tồn kho nguyên vật liệu và thành phẩm.
Thanh Tùng
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|