Cổ đông bớt trông chờ vào cổ tức ngân hàng?

(Banker.vn) "Cổ tức ngân hàng dù cao, nhưng cũng không còn hấp dẫn bởi nhà đầu tư đã “ngán” cổ phiếu giấy. Trong khi đó, các thương vụ M&A cũng không còn chứa đựng yếu tố bất ngờ."

Thời điểm này năm ngoái, cổ phiếu ngân hàng “lên hương” nhờ thông tin tấp nập về chia cổ tức khủng. Năm nay, mùa Đại hội đồng cổ đông của các ngân hàng sắp bắt đầu cùng những kế hoạch chia cổ tức cao ngất ngưởng.

Cụ thể, theo kế hoạch được VIB thông báo, tại Đại hội đồng cổ đông năm 2022, ngân hàng này dự kiến trình cổ đông thông qua phương án chia cổ phiếu thưởng 35% cho cổ đông hiện hữu và 0,7% cho nhân viên từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Dù chưa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông năm nay, song một số ngân hàng cũng hé lộ kế hoạch chia cổ tức khủng, như MSB dự định chia cổ tức 30%, OCB dự kiến duy trì mức 20 - 25% cho cổ đông. SHB dự kiến chi trả cổ tức năm 2021 bằng cổ phiếu với tỷ lệ tối thiểu 15%. Các ông lớn như BIDV, Vietcombank… có kế hoạch phát hành hàng tỷ cổ phiếu để tăng vốn năm 2022.

Ngoài thông tin tăng vốn, nhiều thông tin mua bán - sáp nhập (M&A) cũng đang hỗ trợ cổ phiếu ngân hàng. Cụ thể, VPBank đang khẩn trương hoàn tất thương vụ bán 15% vốn cho đối tác nước ngoài, VietinBank đang khẩn trương thoái vốn khỏi công ty con. Một loạt ngân hàng khác cũng đang tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài như Vietcombank, OCB, LienVietPostBank, Nam A Bank... Chưa kể, hàng loạt thương vụ bán bảo hiểm độc quyền trị giá hàng ngàn tỷ đồng đang được nhiều ngân hàng khẩn trương đàm phán.

Bất chấp các thông tin tích cực, cổ phiếu vua vẫn liên tục lao dốc. Thống kê dữ liệu của Fiintrade cho thấy, trong vòng một tháng qua, giá trị vốn hóa của ngành ngân hàng đã bốc hơi khoảng 107.000 tỷ đồng, tương đương 4,7 tỷ USD. Trong số các nhóm ngành trên thị trường, ngân hàng là ngành giảm điểm mạnh nhất trong tháng qua, giảm tới 5,17%.

Ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu lạm phát tăng nhanh, nhiều ngành kinh tế sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực và ngân hàng nằm trong nhóm này.

Chưa kể, nhiều ý kiến cũng cho rằng, cổ tức ngân hàng dù cao, nhưng cũng không còn hấp dẫn bởi nhà đầu tư đã “ngán” cổ phiếu giấy. Trong khi đó, các thương vụ M&A cũng không còn chứa đựng yếu tố bất ngờ.

Điểm tích cực là định giá cổ phiếu ngân hàng đang về vùng hấp dẫn. NIM của các ngân hàng năm nay có thể giảm, song vẫn ở mức cao; dự báo lợi nhuận toàn ngành năm nay vẫn tăng trưởng trên 20%, lạc quan so với rất nhiều ngành kinh tế khác.

Ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần AzFin Việt Nam đánh giá, triển vọng cổ phiếu ngân hàng năm 2022 là khá tốt, song không có nhiều sóng. Dù vậy, theo ông Phục, việc chia cổ tức cao bằng cổ phiếu, nới room vốn ngoại… sẽ giúp ngân hàng tăng mạnh vốn chủ sở hữu, tăng tỷ lệ an toàn vốn, giúp ngành ngân hàng phát triển bền vững hơn. Những vấn đề này sẽ góp phần giúp giá cổ phiếu ngân hàng tăng trưởng tốt trong trung và dài hạn.

Thực tế, khoảng một tháng gần đây, nhiều mã cổ phiếu ngân hàng vẫn được khối ngoại mua ròng. Cổ phiếu của một số ngân hàng thường xuyên trong tình trạng gần hết room ngoại, được nhà đầu tư săn đón như VIB, VPB, TCB, OCB… Theo các công ty chứng khoán, năm 2022, cổ phiếu ngân hàng sẽ không có nhiều sóng, song sẽ có sự phân hóa. Theo đó, những cổ phiếu có câu chuyện riêng sẽ vẫn hấp dẫn với nhà đầu tư.

Lưu Lâm

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán