Chuyện 'lạ' tại Sông Đà 1.01

(Banker.vn) Mặc dù dự án Eco Green Tower (hay Viễn Đông Star) đã được bàn giao căn hộ cho người mua nhà nhưng chủ đầu tư là Sông Đà 1.01 vẫn chưa nhận được bất kỳ khoản tiền phát sinh nào từ dự án này.

Dự án Eco Green Tower nằm tại vị trí đắc địa số 1 Giáp Nhị, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội ban đầu được phát triển bởi Công ty CP Sông Đà 1.01 (UPCoM: SJC). Hiện nay, sau nhiều biến động, dự án đã được đổi thành tên thành Viễn Đông Star.

Dự án 'tai tiếng'

Theo tìm hiểu của Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam, dự án Eco Green Tower tiền thân là khu đất của Công ty CP Hóa chất (Chemco). Tháng 12/2008, công ty này công bố nghị quyết HĐQT về đầu tư xây dựng "Tổ hợp văn phòng và nhà ở cao tầng" tại khu vực Đuôi Cá - Giáp Nhị (số 1 Giáp Nhị) theo hình thức liên doanh liên kết.

Do không có đủ năng lực tài chính để triển khai, thời điểm đó Chemco đã xác định rõ việc hợp tác kinh doanh áp dụng theo nguyên tắc công ty "chỉ góp vốn bằng lợi thế sử dụng đất", còn đối tác tham gia đầu tư - thời điểm này là Sông Đà 1.01 có nhiệm vụ "chi tiền".

Tháng 2/2011, dự án được UBND TP. Hà Nội chấp thuận đề xuất đầu tư, nhưng phải đến năm 2015 dự án mới được phê duyệt về quy hoạch kiến trúc, đồng thời được cấp giấy phép xây dựng. Eco Green Tower có quy mô 28 tầng và 1 tầng hầm, tổng số 294 căn hộ với tổng mức đầu tư là 423,5 tỷ đồng.

Dự án Eco Green Tower số 1 Giáp Nhị đã đổi tên thương mại thành Viễn Đông Star
Dự án Eco Green Tower số 1 Giáp Nhị đã đổi tên thương mại thành Viễn Đông Star.

Tháng 5/2016, Sông Đà 1.01 đã ký kết một hợp đồng vay với Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) với hạn mức tín dụng là 220 tỷ đồng, thời hạn vay 4 năm, lãi suất 10,5%/năm; mục đích vay để bổ sung vốn thực hiện dự án “Tổ hợp thương mại, văn phòng và nhà ở Eco Green Tower tại số 1 Giáp Nhị, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội".

Thế nhưng, tình hình tài chính của Sông Đà 1.01 bắt đầu bộc lộ những khó khăn từ giai đoạn cuối năm 2017 và đầu năm 2018, gây ảnh hưởng đến tiến độ góp vốn dự án. Trong khi đó, dự án Eco Green Tower theo kế hoạch phải được bàn giao cho khách hàng vào quý I/2018, song kế hoạch đã "đổ bể" do tốc độ bán các căn hộ là rất chậm.

Năng lực tài chính của Sông Đà 1.01 theo đó ngày một suy yếu. Nợ phải trả của Sông Đà 1.01 vốn đã ở mức cao trong năm 2016 với 992 tỷ đồng (cao gấp 10 lần vốn chủ sở hữu), sang đến 2017 còn nhảy vọt lên 1.328 tỷ đồng (gấp 13,4 vốn chủ sở hữu).

Sau hàng loạt lùm xùm, ngày 31/7/2019, công ty đã ban hành “Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐQT về việc thống nhất chuyển nhượng Dự án Eco Green Tower - số 1 Giáp Nhị cho Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư BĐS Bình Minh”. Nghị quyết do ông Tạ Văn Trung, Chủ tịch HĐQT Sông Đà 1.01 ký.

Đó là một hành động nhằm giải tỏa áp lực đang đeo bám doanh nghiệp, theo đó, Sông Đà 1.01 sẽ chuyển nhượng cho Bình Minh toàn bộ thương phẩm còn lại và các quyền khai thác tại dự án Eco Green Tower.

Ngay sau khi Bình Minh tiếp nhận cũng đã tiến hành triển khai tiếp những hạng mục còn dở dang và đổi tên thành Viễn Đông Star. Đặc biệt, dự án tiếp tục là tài sản đảm bảo để Bình Minh ký tiếp một hợp đồng vay vốn với TPBank vào ngày 13/11/2019, tức là chỉ hơn 3 tháng sau khi Sông Đà 1.01 công bố chuyển nhượng dự án.

Chủ đầu tư “có miếng”?

Được biết, Bình Minh được thành lập ngày 20/6/2017 với vốn điều lệ 50 tỷ đồng, do 2 cổ đông sáng lập là bà Phạm Thị Phương Lan là người đại diện pháp luật góp 25 tỷ đồng và ông Hoàng Thế Dũng 25 tỷ đồng, tương đương mỗi người 50%.

Đáng chú ý, ông Hoàng Thế Dũng cũng trùng tên với một người thuộc Ban lãnh đạo Tập đoàn Viễn Đông, trụ sở tại tòa nhà số 36 Hoàng Cầu, nơi Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư BĐS Bình Minh đang đăng ký làm trụ sở chính tại tầng 9. Ngoài ra, ông Nguyễn Bình Đông, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Viễn Đông thời điểm đó cũng đã được nhóm cổ đông Sông Đà 1.01 bầu vào HĐQT và giữ chức Phó tổng giám đốc từ tháng 7/2019.

Nhìn vào những diễn biến trên có thể thấy về bề nổi là dự án Eco Green Tower đã có chủ đầu tư mới là Bình Minh. Tuy nhiên, cần phải nhắc lại về Nghị quyết 08/2019/NQ-HĐQT, nội dung của văn bản này mới là "thống nhất chuyển nhượng".

Điều này đồng nghĩa với việc, sau đó cả 2 bên sẽ phải phát sinh một hợp đồng chuyển nhượng dự án chính thức, hợp pháp theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đến nay các căn hộ của Eco Green Tower đã được bàn giao tới tay người mua nhà, nhưng báo cáo tài chính từ năm 2018 cho đến thời điểm 2022 của Sông Đà 1.01 vẫn không hề phát sinh khoản tiền nào từ các giao dịch liên quan đến dự án.

Đáng chú ý, tại đại hội cổ đông bất thường vào cuối năm 2022 của Sông Đà 1.01 có xuất hiện tờ trình giao cho ông Nguyễn Bình Đông - Phó giám đốc triển khai thực hiện thi công Dự án Eco Green Tower nhưng không được thông qua.

Cũng tại đại hội, số thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2022 - 2027 được tăng từ 3 lên 5 thành viên, chủ yếu là người mới gồm bà Vũ Thị Thúy (39 tuổi, thường trú tại Hà Nội); ông Phạm Khánh Phương (41 tuổi, trú tại TPHCM); ông Trịnh Văn Tôn (38 tuổi, trú tại Thái Bình); ông Nguyễn Văn Đức (40 tuổi, thường trú Hà Nội); ông Tạ Văn Trung (67 tuổi, thường trú tại Hà Nội).

Từ những vấn đề đang diễn ra xung quanh dự án Eco Green Tower, một câu hỏi được đặt ra là có hay không thương vụ chuyển nhượng cho Bình Minh? Nếu có thì khoản tiền chuyển nhượng này vì sao không được thể hiện trên các báo cáo của Sông Đà 1.01? Liệu rằng vốn của doanh nghiệp có bị chiếm dụng trong suốt thời gian qua?

Tuệ Minh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục