Chuyên gia lo ngại Fed tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng tới nghĩa vụ trả nợ của các doanh nghiệp

(Banker.vn) Chuyên gia lưu ý việc Fed tăng lãi suất sẽ làm cho lãi suất có xu hướng tăng lên khiến chi phí vay vốn mới và nghĩa vụ trả nợ bằng đồng USD tăng, điều này sẽ tác động tiêu cực đến những doanh nghiệp vay nợ bằng ngoại tệ.

Sau khi giữ lãi suất chuẩn cố định gần mức 0 kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đã quyết định tăng lãi suất 25 điểm cơ bản trong cuộc họp chính sách tháng 3.

Qua đó, lãi suất chuẩn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nằm trong phạm vi 0,25 - 0,5%.

Bên cạnh đó, Fed cũng phát tín hiệu về việc khả năng sẽ tiến hành thêm 6 đợt tăng lãi suất trong năm nay lên khoảng 1,9% vào cuối năm, sau đó sẽ tiếp tục tiến hành thêm 3 đợt tăng lãi suất lên 2,8% vào cuối 2023, và ổn định mức lãi suất này trong năm 2024.

Bình luận về vấn đề này, theo đánh giá của Giám đốc Kinh tế Vĩ mô và Chiến lược thị trường KBSV, ông Trần Đức Anh, trong quá khứ, việc Fed tăng lãi suất thường ảnh hưởng đến các nền kinh tế mới nổi chủ yếu thông qua tỷ giá. Vào các đợt Fed tăng lãi suất sẽ kéo theo đồng USD mạnh lên và xuất hiện áp lực phá giá với đồng tiền mới nổi, trong đó có VND.

Bên cạnh đó, việc Fed tăng lãi suất sẽ làm cho lãi suất có xu hướng tăng lên khiến chi phí vay vốn mới và nghĩa vụ trả nợ bằng đồng USD tăng, điều này sẽ tác động tiêu cực đến những doanh nghiệp vay nợ bằng ngoại tệ.

Đặc biệt trong 1-2 năm trở lại đây, một số ngân hàng, doanh nghiệp lớn đã phát hành trái phiếu nước ngoài, vay bằng ngoại tệ USD với lãi suất thả nổi bám theo một số lãi suất trên thị trường quốc tế.

"Việc Fed tăng lãi suất kéo theo mặt bằng lãi suất của đồng USD tăng lên thì rõ ràng chi phí vốn vay của các doanh nghiệp này sẽ chịu ảnh hưởng", ông Trần Đức Anh lưu ý.

Về chính sách tiền tệ, với định hướng thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed, khoảng 6 lần trong năm 2022, đồng USD trên thị trường thế giới sẽ tiếp tục trải qua giai đoạn biến động mạnh. Vị chuyên gia lưu ý việc điều hành tỷ giá USD/VND của NHNN sẽ cần hết sức linh loạt.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, Giám đốc Kinh tế Vĩ mô và Chiến lược thị trường KBSV cho rằng Việt Nam có nhiều điểm thuận lợi hơn để không phải quá lo ngại về vấn đề tỷ giá bị phá giá mạnh.

Cụ thể, thứ nhất là xét về mức lạm phát, lạm phát ở Mỹ đang ở mức cao kỷ lục, đâu đó khoảng 7-8%. Trong khi lạm phát của Việt Nam duy trì tương đối ổn định, mặc dù có cao hơn năm 2021 nhưng hiện tại vẫn nằm trong tầm kiểm soát.

Thứ hai là nguồn cung ngoại tệ vẫn tương đối tốt đến từ FDI, kiều hối và xuất siêu. Trong một tháng trở lại đây Việt Nam đã nhập siêu trở lại, tuy nhiên, vị chuyên gia đánh giá tình trạng nhập siêu chủ yếu xuất phát từ việc các doanh nghiệp muốn chủ động nhập nguyên vật liệu đầu vào để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Ông Trần Đức Anh dự báo trong một vài tháng tới Việt Nam sẽ xuất siêu trở lại.

Bên cạnh đó, Việt Nam có trạng thái dự trữ ngoại hối tương đối tốt nếu so với các giai đoạn trước đây khi đồng USD biến động tăng mạnh.

“Việt Nam có nguồn cung ngoại tệ dồi dào cùng tăng trưởng kinh tế tích cực, dữ trữ ngoại hối tốt. Tổng hợp từ những yếu tố trên, tôi cho rằng biến động tỷ giá trong năm nay, mặc dù áp lực phá giá VND là có nhưng cũng không phải là quá lớn.

Nhìn chung, tỷ giá sẽ diễn biến tương đối ổn định và điều này sẽ hỗ trợ cho nền kinh tế Việt Nam”, ông Trần Đức Anh đánh giá và cho rằng với diễn biến nội tại của kinh tế Việt Nam, từ nay đến cuối năm kịch bản xấu nhất cũng không tăng quá 2%.

Tuy nhiên, trong trường hợp VND đi ngang, biến động ít thì trong bối cảnh USD tăng mạnh thì sẽ khiến cho VND mạnh hơn so với đồng tiền của các nước đối tác thương mại. Ông cho rằng điều này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước.

Trong trường hợp xuất hiện áp lực phá giá, để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu thì ông cho rằng hoàn toàn có khả năng NHNN sẽ chủ động điều tiết, để VND mất giá một chút, nhưng cũng không vượt quá 2%.

Phương Hằng/DNNY

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán