Chuyên gia: Lãi suất ngân hàng giảm sẽ khơi thông dòng tiền từ kênh tiết kiệm sang chứng khoán

(Banker.vn) Việc NHNN giảm lãi suất, đặc biệt là lãi suất trần huy động của các ngân hàng thương mại có thể sẽ khơi thông một phần dòng tiền từ kênh tiết kiệm sang các kênh thị trường vốn khác, chuyên gia tại Chứng Khoán Yuanta nhận định.

MB 2023: Mục tiêu lãi tăng 15%, vốn điều lệ vượt 54.300 tỷ đồng

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã giảm loạt lãi suất điều hành từ 0,3-0,5 điểm % từ ngày 3/4. Cụ thể, đối với quyết định số 574, kể từ ngày 3/4, NHNN sẽ điều chỉnh giảm thêm 0,5% đối với lãi suất tái cấp vốn xuống mức 5,5%/năm. Riêng lãi suất tái chiết khấu giữ nguyên ở mức 3,5%. Lãi suất cho vay qua đêm và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn cũng giữ nguyên ở mức 6%.

Với quyết định số 575, mức lãi suất tối đa tiền gửi bằng VND không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng sẽ giảm từ 1% xuống 0,5%. Kỳ hạn từ từ 1 đến dưới 6 tháng giảm từ 6% xuống 5,5%.

Đối với quyết định số 576, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn ở một số lĩnh vực ưu tiên giảm từ 5%/năm xuống 4,5%/năm.

Với quyết định số 577 và 578, cơ quan quản lý sẽ giảm 0,3%/năm lãi suất đối với tiền gửi bằng VND tại NHNN (Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô).

Nguồn: PV tổng hợp từ NHNN
Nguồn: PV tổng hợp từ NHNN

Chia sẻ về động thái mới nhất của NHNN, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân Công ty Chứng Khoán Yuanta Việt Nam cho biết việc giảm lãi suất điều hành một phần khẳng định tính thanh khoản của hệ thống hiện nay khá dồi dào và đỡ áp lực hơn so với thời điểm cuối năm 2022.

Điều này cũng được Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN Phạm Chí Quang cho biết vào họp báo quý I mới đây.

"Hiện nay, thanh khoản hệ thống ngân hàng dư thừa rất lớn, số dư dự trữ bắt buộc đã vượt rất lớn từ tháng 2 cho tới nay. Lãi suất liên ngân hàng đã giảm rất mạnh, hiện lãi suất liên ngân hàng qua đêm đã giảm về mức 0,7 - 1,2%, lãi suất kỳ hạn 1 tháng khoảng 4%.", ông Quang cho biết.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ khi lạm phát không ở mức quá cao so với các nước khác. Trong thời gian vừa rồi, tỷ giá cũng đã hạ nhiệt tạo điều kiện cho việc nới lỏng chính sách.

Ngoài ra, GDP quý I chỉ tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, tương đương mức tăng trưởng thấp nhất của thời điểm khủng hoảng 2008. Chính vì vậy, Việt Nam phải nới lỏng chính sách tiền tệ để vực dậy tăng trưởng.

Giảm lãi suất sẽ tác động tích cực tới các thị trường vốn khác
Giảm lãi suất ngân hàng sẽ tác động tích cực tới các thị trường vốn khác

Cũng theo ông Nguyễn Thế Minh, việc NHNN giảm lãi suất, đặc biệt là lãi suất trần huy động của các ngân hàng thương mại có thể sẽ khơi thông một phần dòng tiền từ kênh tiết kiệm sang các kênh thị trường vốn khác, trong đó có thị trường chứng khoán. Đồng thời giảm tải áp lực và tạo tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp sản xuất, cũng như những doanh nghiệp có đòn bẩy nợ cao trong thời gian vừa qua.

Ông Minh cho biết đầu năm là thời điểm áp lực về chi phí lãi vay của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất và bán lẻ đặc biệt nhạy cảm. Do chịu ảnh hưởng của chi phí lãi vay tăng quá mạnh, kết quả kinh doanh năm 2022 và quý I/2023 của các doanh nghiệp khá tiêu cực. Việc giảm lãi suất phần nào giúp tăng trưởng trong quý II tốt hơn, tâm lý của nhà đầu tư cũng sẽ tích cực hơn so với thời điểm trước.

Việt Nam đang có khuynh hướng nới lỏng chính sách tiền tệ cũng sẽ tạo tâm lý tích cực hơn cho thị trường chứng khoán trong thời gian tới. Tuy nhiên, các biện pháp này chỉ mang tính chất ngắn hạn chứ chưa phải giải pháp căn cơ về dài hạn.

Thứ nhất, các tác động về lãi suất này không hướng đến lãi suất cơ bản. Lãi suất chung trên toàn cầu hiện nay vẫn đang có xu hướng đi lên và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng còn một nhịp tăng lãi suất nữa. Do đó, áp lực lãi suất trong trung và dài hạn của nền kinh tế vẫn chưa hạ nhiệt hoàn toàn.

Thứ hai, áp lực hiện nay đối với thị trường trong nước là vấn đề về trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản. Trong quý II và quý III, lượng trái phiếu đáo hạn rất lớn và vẫn chưa có giải pháp đúng để khơi thông được dòng vốn này.

Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân Chứng Khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, vẫn cần phải chờ đến hết quý II để có những giải pháp cụ thể hơn, đặc biệt là phải vực dậy được thanh khoản thị trường bất động sản và hệ số CAR của NHNN áp cho các NHTM giảm xuống thì dòng vốn tín dụng mới chảy vào thị trường bất động sản, giúp rủi ro dài hạn của thị trường giảm bớt. Từ đó, thị trường chứng khoán mới tạo ra được cơn sóng bền vững hơn.

Tìm hiểu về phát hành chứng khoán, lợi ích khi phát hành chứng khoán đối với doanh nghiệp

Phát hành chứng khoán là việc tổ chức chào bán cho các nhà đầu tư những giấy tờ có giá để trang trải cho nhu ...

Triển vọng cổ phiếu ngân hàng trong quý II/2023

KBSV cho rằng, cổ phiếu ngân hàng đang ở vùng giá hấp dẫn và phù hợp cho mục tiêu đầu tư dài hạn. Giá cổ ...

Phiên giao dịch ngày 5/4/2023: Những cổ phiếu cần lưu ý

Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu cần lưu ý cho phiên giao ...

Thu Thủy

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán