Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh: 2 kịch bản cho tăng trưởng kinh tế năm 2023

(Banker.vn) GDP năm 2023 có thể đạt được từ 6,3 - 6,7%, tuy nhiên, nếu dốc sức ở cả 3 trụ cột gồm xuất khẩu, tiêu dùng trong nước, đầu tư công thì GDP có thể đạt tới 7,4%.
Nỗ lực phục hồi tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mặt hàng xuất khẩu nào thoát tăng trưởng âm sau 8 tháng liên tiếp?

Chuyên gia kinh tế - PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, vừa qua, một số tổ chức kinh tế thế giới hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam xuống mức 5 - 6%, xin ông cho biết bình luận về việc này?

Một số chuyên gia, tổ chức kinh tế đưa ra các bình luận về tình hình kinh tế Việt Nam rất khó khăn và vì vậy, tăng trưởng kinh tế khó đạt được mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đặt ra. Do đó, họ đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam xuống.

tăng trưởng kinh tế
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh đưa ra 2 kịch bản cho tăng trưởng kinh tế năm 2023

Tuy nhiên, theo nhận định của tôi thì lại khác, xu hướng kinh tế đang tốt lên và sẽ không như dự báo của các tổ chức và chuyên gia đã đưa ra trong thời gian gần đây.

Bởi lẽ, khó khăn của chúng ta không phải xuất hiện ở thời điểm bây giờ mà xuất hiện từ quý IV và cụ thể là từ tháng 10/2022. Ngay thời điểm đó, các đơn hàng xuất nhập khẩu đã sụt giảm; hoạt động tiêu dùng trong nước có chiều hướng đi ngang. Việc này kéo dài sang đầu năm 2023.

Điều này dẫn đến tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam 6 tháng năm 2023 giảm 12,5%, nhập khẩu giảm hơn 18%.

Như vậy, trụ cột quan trọng của chúng ta là xuất khẩu thì bị sụt giảm, trong đó, các thị trường sụt giảm lại là các thị trường truyền thống, chủ yếu như Hoa Kỳ; EU, Nhật Bản…

Điều này đồng nghĩa với sản xuất trong nước bị đình trệ. Không có đơn hàng để sản xuất, hoặc sản xuất ra cũng chỉ để cất kho, khiến lượng tồn kho 6 tháng tăng lên 89%. Nhìn vào những con số này thì đáng lo ngại, tuy nhiên, thực tế thì không quá đáng lo.

Bởi lẽ, đơn hàng đã phục hồi trở lại từ tháng 4/2023 và tăng dần dù chỉ là những đơn hàng nhỏ. Hoạt động xuất nhập khẩu đã hồi phục. Hi vọng, với sự phục hồi mạnh mẽ từ nay đến cuối năm thì kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2023 có thể bằng hoặc thậm chí có thể tăng trưởng nhẹ so với năm ngoái.

Trụ cột thứ hai là tiêu dùng trong nước, chỉ số hàng hóa tiêu dùng và sản phẩm dịch vụ cuối cùng có mức 10,4% so với cùng kỳ năm trước, trừ đi lạm phát thì còn khoảng 8,8%, tương đương với 6 tháng của năm 2022.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào số liệu cụ thể thì đáng lo. Ví dụ, tháng 1 tăng trưởng của chỉ số này khoảng 20% so với cùng kỳ; tuy nhiên, tháng 2, tháng 3, chỉ số này sụt giảm 14,5%; đến tháng 4, tháng 5, chỉ số này tiếp tục sụt giảm xuống 11,4% so với cùng kỳ; sang tháng 6/2023 thì chỉ còn 6,5%.

Rõ ràng tiêu dùng trong nước có tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước nhưng tốc độ đang giảm đi đáng kể.

Tuy nhiên, từ tháng 7/2023, chỉ số này đã tăng trở lại. Mặt khác, trong thời gian vừa qua, chúng ta có rất nhiều các biện pháp kích cầu, như giảm 2% thuế VAT, giảm phí, lệ phí cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, giảm lãi suất… giúp giảm chi phí sản xuất, lợi nhuận tăng lên và doanh nghiệp có điều kiện hạ giá thành, cũng như triển khai các chương trình khuyến mại, hậu mãi…

PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên Học viện Tài chính
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế

Đây là một trong những trụ cột quan trọng trong tăng trưởng GDP, vì đây là chỉ số tiêu dùng hàng hóa dịch vụ cuối cùng. Chỉ số này sẽ tăng trưởng tốt trong thời gian tới khi chúng ta có hàng loạt các biện pháp kích cầu, giảm giá hàng hóa, hậu mãi…

Thứ ba là đầu tư công, tỷ trọng so với năm ngoái là tương đối thấp. Nhưng nói về tổng số tiền giải ngân thực sự, tức là số tiền mà các địa phương, bộ ngành thực hiện thì cao hơn nhiều. Bởi năm nay chúng ta có số vốn cao hơn, mọi năm chỉ hơn 400 nghìn tỷ đồng nhưng năm nay lên tới hơn 700 nghìn tỷ đồng. Từ nay đến cuối năm chúng ta cũng hi vọng việc giải ngân sẽ được đẩy mạnh. Đây cũng là trụ cột trong thúc đẩy tăng trưởng GDP.

Như vậy, từ xuất khẩu (công nghiệp, nông nghiệp); tổng doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cuối cùng; đầu tư công cùng tăng, tôi cho rằng, mục tiêu tăng trưởng GDP có khó khăn nhưng chúng ta vẫn hi vọng có thể đạt được.

Trước ý kiến cho rằng, bức tranh xuất khẩu chỉ sáng ở nông sản. Vậy thì nhóm hàng này liệu có đủ sức để kéo toàn bộ kim ngạch xuất khẩu không, thưa ông?

Nông sản là điểm sáng, nhưng nông sản không thể kéo được toàn bộ “toa tàu” xuất khẩu lên được. Bởi bản thân riêng ngành nông nghiệp, để tăng trưởng vài ba phần trăm đã là rất khó. Do đó, sản phẩm nông sản có đẩy mạnh xuất khẩu cũng không thể bù được cho sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo.

Tôi cho rằng, các hoạt động xuất khẩu, nhất là xuất khẩu hàng hóa công nghiệp chế biến đang hồi phục và đây là điều quan trọng. Đây là căn cứ để tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa, từ đó dẫn đến tăng trưởng nhập khẩu sẽ mạnh lên trong thời gian từ nay đến Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán.

Sản xuất công nghiệp
Sản xuất công nghiệp đang dần phục hồi

Như ông chia sẻ, tăng trưởng GDP 6,5% mà Quốc hội, Chính phủ đặt ra trước đó là có khả năng đạt được?

Chúng tôi có 2 phương án. Trong bối cảnh bình thường thì GDP vẫn có thể đạt được từ 6,3 - 6,7%.

Phương án thứ hai đó là nếu mọi yếu tố thuận lợi, chúng ta mở rộng được các thị trường cũng như gia tăng được các hoạt động xuất khẩu, cùng với việc thực hiện được khoảng 95% đầu tư công; tiêu dùng trong nước được kích cầu phù hợp do sản xuất kinh doanh đang phục hồi, thu nhập tăng lên cùng với hàng hóa hạ giá, chương trình khuyến mại… dẫn đến tiêu dùng tăng.

Với 3 trụ cột này cùng được triển khai song song, tận dụng được các cơ hội từ các FTA, thì GDP có thể đạt được 6,8 - 7,4%. Tuy nhiên, phương án này là hơi khó.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP và xuất khẩu trong bối cảnh thị trường còn nhiều biến động khó lường, ông có khuyến nghị gì đến doanh nghiệp và kiến nghị gì đến cơ quan chức năng?

Trước tiên chúng ta cần nắm lại thị trường truyền thống để từ đó tự điều chỉnh mình và có thể tận dụng được cơ hội. Việc này rất tốt nhưng sẽ rất khó, vì các thị trường này họ không chỉ giảm sức mua mà một số ngành hàng đã quay sang ký đơn hàng với các quốc gia khác.

Thứ hai, là mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa. Hiện Bộ Công Thương, các Tham tán thương mại, các Đại sứ quán đã đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tuy nhiên, tốc độ có vẻ không được như mong muốn.

Do đó, Bộ Công Thương cần phối hợp với các hiệp hội ngành nghề xem xét lại việc mở rộng thị trường xuất khẩu của chúng ta, nhất là các thị trường mà chúng ta đã ký FTA, tận dụng cơ hội bỏ hàng rào phi thuế quan, hàng rào thuế quan hạ thấp.

Bên cạnh đó, cần mở rộng sang cả các thị trường khác nữa, ngoài các thị trường đã ký FTA. Nhất là các mặt hàng chủ lực như công nghiệp chế biến chế tạo, máy tính, điện tử... Đây là các mặt hàng có giá trị cao, mang lại kim ngạch và giá trị lớn.

Cần sự phối kết hợp giữa các ngành nghề trong nước để giảm được chi phí logistics, lưu kho, lưu bãi, vận chuyển, để từ đó hạ giá thành và giúp cho giá cả của chúng ta khi xuất khẩu cũng như tiêu dùng trong nước có thể cạnh tranh được.

Thị trường tiêu dùng trong nước với 100 triệu dân, họ có nhu cầu rất lớn nhưng chúng ta không đáp ứng được vấn đề về mẫu mã, chất lượng, giá cả, khâu bảo trì bảo dưỡng, khuyến mại chưa như mong muốn. Bộ Công Thương cần đồng hành cùng các hiệp hội doanh nghiệp đẩy mạnh triển khai việc này.

Liên quan đến dự báo GDP có thể đạt được 6,8 - 7,4%, đâu là căn cứ để ông đưa ra dự báo này?

Đầu tư công của chúng ta hiện rất lớn, nếu chúng ta thực hiện được sớm thì sẽ kích thích các ngành nghề sản xuất kinh doanh trong nước phục vụ cho các công trình dự án đầu tư công. Từ đó, thúc đẩy hoạt động kinh tế trong nước tăng trưởng lên.

Thứ hai, tận dụng thị trường nước ngoài để đẩy mạnh xuất khẩu. Đây là trụ cột quan trọng. Hiện kinh tế của chúng ta phụ thuộc vào xuất khẩu rất nhiều. Lấy xuất khẩu làm động lực tăng trưởng. Đẩy mạnh xuất khẩu từ đó đẩy mạnh nhập khẩu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Với các thị trường truyền thống đã bị mất đơn hàng, việc quay lại ngay là khó, tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể có những đơn hàng ngắn hạn ở một số ngành nghề, lĩnh vực.

Mặt khác, việc đẩy mạnh xuất khẩu vào các nước đã ký các FTA là cực kỳ quan trọng. Chúng ta đã ký 17 FTA, nhưng việc tận dụng còn rất khiêm tốn, khoảng 30%. Bộ Công Thương, cùng với các thương vụ, đại sứ quán, các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp lớn, bắt tay, tìm hiểu, nắm bắt để đẩy mạnh xuất khẩu, tận dụng cơ hội, thì tăng trưởng của chúng ta cũng sẽ đạt được hiệu quả cao không kém. Điều quan trọng là chúng ta có làm được ngay hay không.

Việc này khó nhưng chúng ta có thể làm được nếu có quyết tâm cao và sự phối hợp, vào cuộc quyết liệt của không chỉ của Bộ Công Thương mà của các Bộ ngành khác, các hiệp hội ngành nghề, các đại sứ quán, các thương vụ và các doanh nghiệp.

Thứ ba, liên quan đến thị trường trong nước, tăng trưởng 20% so với cùng kỳ năm trước chúng ta đã có. Nếu con số này đạt được từ nay đến cuối năm, và cộng hưởng của tất cả các yếu tố nêu trên thì con số dự báo GDP 6,8 - 7,4% hoàn toàn có thể đạt được. Dư địa của chúng ta vẫn còn rất lớn.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Hạnh thực hiện

Theo: Báo Công Thương