Chuyên gia khuyến cáo về cách cấp cứu sặc sữa trẻ sơ sinh

(Banker.vn) Câu chuyện điều dưỡng Nguyễn Thị Thảo trên đường chở con về nhà đã cứu sống bé sơ sinh ngừng thở vì sặc sữa lan tỏa giá trị nhân văn của người thầy thuốc.
Hướng dẫn cách sơ cứu trẻ sặc sữa an toàn Bật chế độ khởi động hè với loạt hoạt động thú vị cho trẻ

Theo thông tin, vào khoảng 21 giờ ngày 4/7, tại huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng khi đang cùng gia đình trên đường về nhà (ở Thủy Nguyên), điều dưỡng Nguyễn Thị Thảo, sinh năm 1990, công tác tại Khoa Hô hấp - Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng thấy một người đàn ông lớn tuổi hốt hoảng bế trên tay một cháu nhỏ sơ sinh tím tái chạy ra ngoài đường như tìm xe taxi chở đi cấp cứu. Phía sau, một người phụ nữ trong tinh thần hoảng loạn, khóc thất thanh như cầu cứu.

Chuyên gia khuyến cáo về cách cấp cứu sặc sữa trẻ sơ sinh
Điều dưỡng Nguyễn Thị Thảo đang chăm sóc em bé bị sặc sữa

Với linh cảm của bà mẹ có con nhỏ và là một điều dưỡng nhiều năm kinh nghiệm, chị Thảo lập tức dừng xe tự giới thiệu là nhân viên y tế để đỡ cháu bé trên tay người đàn ông rồi khẩn trương cấp cứu bằng cách ép tim ngoài lồng ngực, hà hơi thổi ngạt, hút mũi miệng trực tiếp…

Tiếp đó, chị cùng gia đình bế cháu bé lên taxi và liên tục hỗ trợ cấp cứu cháu bé suốt quãng đường đến Bệnh viện Đa khoa huyện Thủy Nguyên. Khoảng 10 phút sau, taxi tới Bệnh viện Đa khoa huyện Thủy Nguyên. Chị Thảo bế vội cháu bé vào khoa cấp cứu và thông tin cho các đồng nghiệp "bệnh nhân đã ngừng thở, ngừng tim, đề nghị mọi người lấy nội khí quản để cấp cứu cho bệnh nhân".

Sau thời gian cấp cứu khoảng hơn 1 phút, bé sơ sinh có mạch đập trở lại và chuyển tuyến cho bé tới Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng để điều trị chuyên sâu. Khoảng 22 giờ 15 phút, ngày 4/7, bé sơ sinh đã được nhập viện trong tình trạng bóp bóng nội khí quản, môi chi tím, da tái, nhịp tim rất nhanh, phổi thông khí kém, mạch yếu, chỉ số PH trong máu nhỏ hơn 6,8, chỉ số đánh giá tình trạng bệnh nhân (lactate) đạt ngưỡng rất cao là trên 15 (cao gấp 7 lần bình thường) và tiên lượng tử vong rất cao.

Qua 6 ngày điều trị, tình trạng sức khỏe bệnh nhi đã đỡ hơn rất nhiều, các thông số trong máu đã dần trở về bình thường. Hiện, cháu bé chỉ còn thở oxy và đang tiếp tục được theo dõi, điều trị phục hồi sức khỏe.

Nên làm gì khi trẻ bị sặc sữa?

Theo tham vấn của Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Ngọc Toán - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng: Sặc sữa là tai nạn thường gặp trong nhi khoa và rất nguy hiểm. Khi sữa tràn vào đường thở của trẻ sẽ khiến bé bị khó thở, thậm chí dẫn tới suy hô hấp và nặng hơn là ngưng tim, ngưng thở, tử vong.

Nguyên nhân sặc sữa: Có thể do trẻ bú, ăn không đúng tư thế; cho bú quá no; cho trẻ bú khi đang khóc, đang ho; sữa mẹ nhiều khiến trẻ nuốt không kịp…

Khi trẻ đang bú hoặc sau bú đột ngột ho mạnh, ọc sữa qua mũi, miệng, sặc sụa, tím tái, trẻ hốt hoảng, khóc thét, cơ thể mềm nhũn hoặc co cứng... có thể diễn tiến thành ngừng thở, ngừng tim và tử vong.

Cách cấp cứu sặc sữa trẻ sơ sinh

Nếu trẻ còn tỉnh:

Bước 1: Lập tức gọi hỗ trợ từ người thân, cấp cứu y tế ( gọi điện thoại, bật chế độ loa ngoài và làm theo dướng dẫn). Người cấp cứu có thể ngồi hoặc quì tùy theo điều kiện.

Bước 2: Nếu thuận tiện cởi áo của trẻ bộc lộ ngực

Bước 3: Cho trẻ nằm sấp để đầu thấp hơn ngực trên mặt trong cẳng tay tựa vào đùi. Giữ vùng đầu và cằm trẻ ở tư thế thẳng. Tránh gây áp lực lên phần mềm vùng hầu họng

Bước 4: Sử dụng gót bàn tay vỗ lưng 5 lần giữa 2 vai của trẻ theo hướng từ trên xuống dưới ra trước

Bước 5: Sau khi vỗ lưng, dùng cẳng tay còn lại đặt lên lưng trẻ, bàn tay giữ chặt đầu và cổ.

Bước 6: Lật ngửa trẻ một cách cẩn thận (giữ chặt đầu và cổ), giữ trẻ nằm ngửa trên mặt trong cẳng tay tựa vào đùi. Giữ đầu thấp hơn cơ thể.

Bước 7: Ấn ngực 5 lần ở vị trí 1⁄2 dưới xương ức, ngay dưới đường liên vú. Mỗi lần đẩy ngực khoảng 1s, cố gắng tạo áp lực đủ để tống dị vật ra ngoài

Bước 8: Lặp lại chu kì 5 lần vỗ lưng và 5 lần ấn ngực cho đến khi lấy được dị vật hoặc khi trẻ không đáp ứng.

Nếu trẻ bất tỉnh:

Bước 1: Lập tức gọi hỗ trợ từ người thân, cấp cứu y tế ( gọi điện thoại, bật chế độ loa ngoài và làm theo dướng dẫn). Người cấp cứu có thể ngồi hoặc quì tùy theo điều kiện.

Bước 2: Ngay lập tức ép tim – Hỗ trợ hô hấp trẻ với kỹ thuật 2 ngón tay, với tần số: 30 lần ép tim – 2 lần thổi ngạt (Nếu chỉ có 1 mình); 15 lần ép tim – 2 lần thổi ngạt (Nếu có ≥ 2 người cấp cứu); độ sâu khi ép ngực 4cm hoặc 1/3 đường kính trước sau của lồng ngực. Mỗi lần chuẩn bị thổi ngạt, kiểm tra vùng miệng họng của trẻ tìm dị vật.

Nếu thấy dị vật có thể dễ dàng lấy ra thì dùng tay lấy dị vật ra, không dùng tay móc mù trong miệng trẻ, có thể làm dị vật tụt sâu hơn. Nếu không thấy dị vật hoặc không chắc chắn, tiếp tục cấp cứu.

Bước 3: Sau khoảng 2 phút ép tim, gọi cấp cứu 115 nếu chưa có ai giúp đỡ.

Tâm An

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục