Chuyên gia gọi tên nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ việc Fed hạ lãi suất

(Banker.vn) Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược Thị trường VPBankS nhận định việc Fed hạ lãi suất không hẳn luôn tác động tích cực đến chứng khoán. Điều này có thể dẫn đến suy thoái, nhưng dài hạn vẫn hỗ trợ nền kinh tế và thị trường...

Fed dự kiến hạ lãi suất

Trong chương trình "Khớp Lệnh – Tài chính thịnh vượng", ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược Thị trường của VPBankS, đã đưa ra những nhận định sâu sắc về tác động của việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất lên thị trường chứng khoán và nền kinh tế toàn cầu.

Theo ông Sơn, không phải lần nào Fed hạ lãi suất cũng mang lại tín hiệu tích cực cho thị trường chứng khoán. Ông nhấn mạnh: "Lịch sử đã cho thấy không ít lần Fed hạ lãi suất đi kèm với suy thoái."

Chuyên gia gọi tên nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ việc Fed hạ lãi suất

Vị chuyên gia này lý giải, làn sóng cắt giảm lãi suất hiện nay thể hiện một bức tranh kinh tế toàn cầu không mấy tươi sáng. Từ Châu Âu đến Châu Á, nhiều quốc gia đang ghi nhận sự sụt giảm rõ rệt về tăng trưởng kinh tế. Tại Châu Âu, mặc dù các nền kinh tế lớn như Ý, Pháp, và Đức thoát khỏi lo ngại suy thoái, nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn rất yếu. Tại Châu Á, Trung Quốc và Nhật Bản cũng báo cáo mức tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng trong quý gần đây.

Ông Sơn cho rằng, nếu các ngân hàng trung ương không hành động kịp thời bằng việc hạ lãi suất hợp lý, suy thoái kinh tế có thể trở thành hiện thực. Điều này càng được khẳng định khi các ngành sản xuất từ Mỹ, Châu Âu đến Nhật Bản đều gặp khó khăn, với chỉ số quản lý mua hàng (PMI) của nhiều quốc gia đều dưới mức 50, biểu thị sự suy giảm trong hoạt động sản xuất.

Chuyên gia VPBankS cũng nhấn mạnh rằng việc hạ lãi suất không thể có tác động ngay lập tức, mà thường có độ trễ từ 3 đến 6 tháng trước khi các biện pháp này thấm vào nền kinh tế. Trong khoảng thời gian này, thị trường chứng khoán thường có xu hướng giảm điểm, tạo ra một "gap down" (điều chỉnh giảm). Tuy nhiên, ông cho rằng sau giai đoạn này, thị trường sẽ phục hồi và tăng trưởng.

Xét về trung và dài hạn, ông Sơn nhận định rằng nếu Fed tiếp tục hạ lãi suất, nó sẽ mang lại tác động tích cực cho cả thị trường chứng khoán và nền kinh tế toàn cầu. Trong trường hợp nền kinh tế rơi vào suy thoái, thị trường chứng khoán sẽ mất từ 6 tháng đến 1 năm để phục hồi. Ngược lại, nếu suy thoái không xảy ra, thị trường có thể bắt đầu tăng trưởng mạnh mẽ chỉ sau 6 tháng kể từ khi lãi suất được hạ.

Nhóm ngành nào sẽ hưởng lợi?

Về tác động đối với Việt Nam, ông Sơn nhấn mạnh rằng việc Fed hạ lãi suất sẽ mở ra dư địa cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều chỉnh chính sách tiền tệ, đặc biệt là sau những thiệt hại do thảm họa bão Yagi gây ra. Lãi suất giảm sẽ giúp doanh nghiệp "dễ thở" hơn, có nhiều cơ hội phục hồi và phát triển. Khi các doanh nghiệp đầu ngành dần phục hồi, cổ phiếu của họ sẽ có xu hướng đi lên, phản ánh tích cực trên thị trường chứng khoán.

Ông Sơn đặc biệt lưu ý rằng các doanh nghiệp có gánh nặng vay nợ lớn, như các công ty trong lĩnh vực bất động sản, sản xuất và xuất khẩu, sẽ là những đối tượng hưởng lợi nhiều nhất từ việc lãi suất hạ. Chi phí vốn giảm sẽ giúp biên lợi nhuận của các doanh nghiệp này cải thiện đáng kể.

Nhìn lại giai đoạn 2012-2015, Fed đã đưa lãi suất xuống mức thấp kỷ lục, đồng thời Việt Nam cũng triển khai nhiều chính sách hỗ trợ lãi suất và đưa ra gói cứu trợ trị giá 30.000 tỷ đồng. Nhờ đó, thị trường bất động sản, vốn đã đóng băng trong giai đoạn 2011-2012, đã phục hồi mạnh mẽ từ năm 2014 đến năm 2016.

Ngoài ra, ông Sơn cũng chỉ ra rằng, trong giai đoạn hạ lãi suất năm 2015, các ngân hàng vẫn đạt được tăng trưởng tốt. Cấu trúc thu nhập của các ngân hàng hiện nay đã thay đổi đáng kể, với thu nhập từ dịch vụ ngày càng chiếm tỷ trọng lớn hơn, trong khi thu nhập từ lãi suất giảm. Điều này cho thấy các ngân hàng đang chuyển mình và đa dạng hóa nguồn thu, giúp họ duy trì được sự tăng trưởng bền vững.

Việc các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh không chỉ giúp nợ xấu trong hệ thống ngân hàng giảm mà còn giảm nhu cầu trích lập dự phòng rủi ro. Đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp cải thiện sức khỏe tài chính của các ngân hàng, góp phần ổn định hệ thống tài chính.

Cuối cùng, ông Sơn khẳng định rằng khi nền kinh tế dần phục hồi, tất cả các lĩnh vực sẽ được hưởng lợi. Ngân hàng, với vai trò là "xương sống" của nền kinh tế, sẽ có nhiều cơ hội để tăng trưởng mạnh mẽ. Điều này không chỉ giúp ngành ngân hàng cải thiện hiệu quả hoạt động mà còn tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai.

TPBank bùng nổ với kế hoạch phát hành cổ phiếu khủng – Lợi nhuận có thể tăng 20%!

TPBank (HOSE: TPB) thông báo phát hành cổ phiếu trả cổ tức 20% vào 24/9/2024, dự kiến nâng vốn điều lệ lên 26.420 tỷ đồng. ...

Vì sao VCB, ACB và VHM là ba cổ phiếu ngân hàng và bất động sản “sáng cửa” cuối năm?

Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) vừa đưa ra khuyến nghị mua ba cổ phiếu tiềm năng gồm: VCB (Ngân hàng TMCP Ngoại ...

Khuyến nghị nóng từ Mirae Asset: ACB có là lựa chọn an toàn giữa biến động thị trường?

Công ty Chứng khoán Mirae Asset khuyến nghị tăng tỷ trọng cổ phiếu ACB với giá mục tiêu 27.900 đồng/cổ phiếu, tương đương lợi nhuận ...

Linh Đan

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán