Chuyển đổi số trong ngành y tế còn chậm

(Banker.vn) Chuyển đổi số để nâng cao chất lượng quản lý bệnh viện; công khai, an toàn cho người bệnh… tuy nhiên công tác này xem ra còn khá chậm.
Rút ngắn khoảng cách chuyển đổi số giữa nông thôn và thành thị Chuyển đổi số cần những "con người số"

Số liệu thống kê cho thấy, đến nay, mới có 59 bệnh viện (gồm cả công lập và tư nhân) triển khai bệnh án điện tử, trong đó chỉ có vài bệnh viện hạng I, chưa có bệnh viện hạng đặc biệt nào chuyển đổi. Trong khi mục tiêu của Bộ Y tế là đến hết năm 2023, tất cả cơ sở khám chữa bệnh hạng I (135 bệnh viện) nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin để triển khai bệnh án điện tử.

Chuyển đổi số trong ngành y tế còn chậm
Chuyển đổi số trong ngành y tế diễn ra còn chậm

Đánh giá của giới chuyên gia, chuyển đổi số y tế giúp người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ, nhân viên y tế rút ngắn thời gian làm việc, nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh, giảm phiền hà cho người bệnh.

Thực tế tại Bệnh viện Bạch Mai, mỗi năm bệnh viện phải chi hàng chục tỷ đồng để mua phim và in phim kết quả chụp chẩn đoán. Nếu chuyển đổi số thành công sẽ tiết kiệm được hàng chục tỷ đồng, do không phải in phim kết quả; đồng thời còn bảo vệ môi trường.

Theo ông Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai: Ứng dụng công nghệ thông tin chắc chắn góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, mang lại sự hài lòng cho người bệnh. Hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin dễ thấy nhất ở khâu tiếp đón, thanh toán viện phí. Thay vì phải đếm tiền, chuẩn bị tiền lẻ trả lại, việc ứng dụng công nghệ thông tin với thanh toán không tiền mặt giúp cho việc này thuận lơi, nhanh, chính xác và đặc biệt minh bạch.

Khi cắt giảm thủ tục rườm rà về tài chính, các bác sĩ, nhân viên y tế chỉ tập trung cho khám chữa bệnh, từ đó chất lượng khám chữa bệnh sẽ tốt hơn, người bệnh sẽ hài lòng hơn.

Không chỉ Bệnh viện Bạch Mai, chia sẻ tại hội nghị thường niên Câu lạc bộ giám đốc bệnh viện các tỉnh phía Bắc 2024, diễn ra mới đây, đại diện nhiều bệnh viện cũng tán đồng quan điểm, chuyển đổi số giúp cho công tác quản lý bệnh viện được công khai minh bạch, giảm phiền hà cho người bệnh, tiết kiệm cho bệnh viện.

Trước kia, các bệnh viện chủ yếu quản lý, lưu trữ hồ sơ dưới dạng văn bản giấy và phim, gây tốn kém chi phí. Các dữ liệu chẩn đoán hình ảnh được lưu trữ rời rạc, dễ nhầm lẫn, thất lạc. Với việc ứng dụng công nghệ số giúp phim chụp có kết quả nhanh, tiện lợi.

Đến nay, ngành y tế đã cắt giảm 92 thủ tục hành chính; nhiều bệnh viện đã sử dụng bệnh án điện tử, liên thông khám chữa bệnh và điều trị từ xa; ứng dụng hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh thay cho in phim. Để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; giảm phiền hà cho người bệnh và doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị toàn ngành tập trung đẩy mạnh và ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong cải cách thủ tục hành chính để giảm phiền hà cho người bệnh và doanh nghiệp.

Quan điểm của lãnh đạo Bộ Y tế là cái gì khó khăn, phiền nhiễu phải được cắt giảm. Quá trình lãnh đạo phải nghiêm túc, an toàn, ổn định để phát triển.

Dự báo, công tác quản lý bệnh viện thời gian tới vẫn tiếp tục đối mặt với khó khăn, thách thức. Do đó, lãnh đạo Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện cần tiếp tục ưu tiên nguồn lực, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm thực hiện Chương trình chuyển đổi số Quốc gia, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng.

Các bệnh viện nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và quản lý vận hành. Đặc biệt ưu tiên cải tiến chất lượng và an toàn người bệnh. Tiếp tục rà soát, chỉnh sửa bổ sung các chính sách, quy định, văn bản pháp quy trong ngành y tế.

Bên cạnh đó, các bệnh viện cũng cần tập trung nâng cao chất lượng đời sống cán bộ nhân viên y tế, thúc đẩy sự đam mê, phát triển chuyên môn và an tâm cống hiến phục vụ người bệnh của cán bộ y tế.

Tâm An

Theo: Báo Công Thương