Chứng khoán tháng 7: Diễn biến giằng co, dòng tiền khó đoán định

(Banker.vn) Theo chuyên gia nhận định, trong tháng 7, thị trường chứng khoán sẽ thiên về hướng giằng co xen kẽ và tích lũy khi đã tăng tới ngưỡng khó có thể tăng thêm nữa...

VN-Index có dấu hiệu gặp khó

Tháng 7 hàng năm là khoảng thời gian các doanh nghiệp trên sàn bắt đầu công bố báo cáo tài chính quý II và bán niên. Đây là nguồn thông tin quan trọng có ảnh hưởng tới giá cổ phiếu nói riêng và thị trường chứng khoán nói chung.

Nhìn lại thống kê lịch sử giao dịch trong 23 năm trên thị trường chứng khoán Việt Nam, VN-Index có 11 năm tăng điểm và 12 năm giảm điểm vào tháng 7. Thực tế, chỉ số chính có xác suất tăng điểm khá cao với 7/10 năm gần nhất khởi sắc, đặc biệt là chuỗi 5 năm tăng liên tiếp trong tháng 7 từ 2013 - 2017. Gần nhất, trong năm 2022, chỉ số đã ngược dòng tăng trở lại sau 2 năm 2020-2021 giảm sâu.

Chứng khoán tháng 7: Diễn biến giằng co, dòng tiền khó đoán định
Nhìn lại thống kê lịch sử giao dịch trong 23 năm trên thị trường chứng khoán Việt Nam, VN-Index có 11 năm tăng điểm và 12 năm giảm điểm vào tháng 7

Trở lại với hiện tại, việc dòng tiền nội khởi sắc sau thời gian dài đứng ngoài "cuộc chơi" đã giúp cho VN-Index tăng tốt ngay từ cuối tháng 5, thậm chí mức tăng của VN-Index trong 6 tháng đầu còn vượt bậc so với các thị trường trong khối ASEAN.

Tuy nhiên, chỉ số chính đang có dấu hiệu gặp khó trong việc tiếp tục gia tăng về điểm số khi vừa vượt thành công nhiều mức cản để tiến lên mức cao nhất trong vòng 9 tháng. Điều này được thể hiện ở việc áp lực chốt lời đã bắt đầu xuất hiện vào những phiên giao dịch cuối tháng 6.

Có thể thấy, trong 2 tháng qua, việc hồi phục đáng kể của VN-Index đã giúp thị trường xác nhận kịch bản tăng trong trung và dài hạn. Dù vậy, việc thị trường tăng mạnh thời gian qua đã đẩy định giá thị trường cũng không còn quá hấp dẫn với P/E của VN-Index hiện đã trên 13,x lần, cao hơn đáng kể so với thời điểm xuống đáy giữa tháng 11 năm ngoái.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng, với nền so sánh cao cùng kỳ năm ngoái, các nhóm ngành quan trọng như ngân hàng, bất động sản, thép, chứng khoán, bán lẻ,… nhiều khả năng vẫn sẽ khó tăng trưởng dương trong quý II dù lợi nhuận có thể cải thiện so với quý đầu năm.

Hơn nữa, những dấu hiệu hồi phục của nền kinh tế chưa thực sự rõ ràng, một số chỉ tiêu còn suy yếu. Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế - xã hội cho thấy, GDP quý II/2023 ước tính tăng 4,14% so với cùng kỳ, chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,34% của quý II/2020. Đồng thời, chỉ số PMI tháng 6 tiếp tục ở mức thấp với 46,2 cho thấy hoạt động sản xuất có dấu hiệu thu hẹp.

Khó xác định dòng tiền

Ông Dương Hoàng Linh - Trưởng Phòng Phân tích CTCK SBS nhận định trong tháng 7, thị trường sẽ thiên về hướng giằng co xen kẽ và tích lũy khi đã tăng tới ngưỡng khó có thể tăng thêm nữa. Mặt khác, dòng tiền trên thị trường vẫn chưa rút ra, dù thị trường vĩ mô chưa thật sự tích cực, nên xu hướng sẽ là giằng co tích lũy.

Theo đánh giá của ông Linh, thị trường sẽ không chịu rủi ro đột biến nhưng khó có thể tăng được và dòng tiền vẫn theo xu hướng xoay vòng vì đây chủ yếu là dòng tiền đầu cơ. Kết quả kinh doanh quý 2 sẽ không tốt so với cùng kỳ, tuy nhiên, đây cũng không phải là yếu tố dòng tiền đầu cơ quan tâm.

Mặt khác, chứng khoán vẫn được hỗ trợ nhờ mặt bằng lãi suất thấp. Các kênh đầu tư khác hiện không hấp dẫn nên tiền sẽ tiếp tục ở lại với chứng khoán.

Còn theo ông Nguyễn Vũ Luân - Trưởng phòng Môi giới của CTCK VNDirect, sau nhịp tăng tháng 6, các cổ phiếu tốt sẽ xuất hiện áp lực chốt lời. Nhìn chung, thị trường đã phản ánh rất nhiều kỳ vọng trong tháng 6. Do đó, chứng khoán sẽ trầm lắng và thiên về hướng tích lũy hơn trong tháng 7, tháng 8.

Về mặt vĩ mô, theo ông Luân, kinh tế 6 tháng cuối năm có thể sẽ tốt hơn. Nền kinh tế đã trải qua nửa đầu năm tồi tệ nhất nên kỳ vọng sẽ đi từ xấu qua tốt.

Mặt bằng lãi suất giảm, tín dụng tăng, xuất khẩu tăng cho thấy xu hướng tích cực hơn của nền kinh tế. Thị trường chứng khoán sẽ xem xét và phản ánh kỳ vọng này.

Kết quả GDP quý 2 vừa được công bố thể hiện nền kinh tế có dấu hiệu hồi phục. Các chính sách hỗ trợ đang được nền kinh tế hấp thụ. Nền kinh tế đang từ đáy đi lên. Khi kinh tế hồi phục, chứng khoán sẽ có xu hướng hồi phục theo. Đó là kỳ vọng chung của thị trường.

Điểm tiêu cực là các chính sách được ban ra mà nền kinh tế không hấp thụ được. Ngoài ra, vẫn có một số yếu tố hỗ trợ thị trường như hệ thống giao dịch KRX đi vào hoạt động.

Xét về nhóm ngành, ông Linh đánh giá, hiện tại khó xác định dòng tiền ở các nhóm ngành vì dòng tiền hiện tại mang tính đầu cơ lớn. Trong dài hạn, nhà đầu tư có thể xem xét các nhóm ngành ngân hàng, chứng khoán, vật liệu xây dựng liên quan tới đầu tư công.

Về phần mình, ông Luân khuyến nghị nhà đầu tư xem xét các ngành có dấu hiệu hồi phục như nhóm sản xuất, xuất khẩu với kỳ vọng tích cực trong 6 tháng tới, khi nền kinh tế hồi phục. Nhà đầu tư có thể để ý tới các cổ phiếu có mặt bằng giá thấp và có triển vọng thoát khỏi khó khăn. Ngoài ra, đầu tư công và dầu khí vẫn đang trong đà tăng trưởng của ngành.

Đối với nhóm chứng khoán, nhà đầu tư có thể theo dõi và tận dụng sóng ngắn hạn khi hệ thống giao dịch mới được đưa vào vận hành.

VN-Index sẽ đạt 1.300 điểm trong 6 tháng cuối năm, thời điểm tốt để NĐT quay lại thị trường

Công ty CPCK VNDIRECT vừa đưa ra báo cáo chiến lược 6 tháng cuối năm 2023. VNDIRECT cho rằng động lực tăng trưởng chính cho ...

HOSE đồng loạt cắt margin nhiều tên tuổi lớn trên sàn chứng khoán trong quý 3/2023

Hàng chục tên tuổi lớn như HSG, PVD, VDS,... bất ngờ bị Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh cắt margin kể ...

Chứng khoán phiên sáng 5/7: Long Châu dẫn dắt nhóm bán lẻ, VN-Index tiến gần đỉnh cũ

Tạm dừng phiên sáng 5/7, VN-Index tiếp đà hồi phục với mức tăng tốt về điểm số cũng như thanh khoản. Nhóm cổ phiếu bán ...

Nhật Hải

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán