Cụ thể, chứng khoán Mỹ ngày 7/3/2022 ghi nhận chỉ số Dow Jones mất 797 điểm, tương đương 2,37%, và kết phiên ở 32.817 điểm. Cổ phiếu tài chính American Express diễn biến tiêu cực nhất khi mất tới gần 8%.
Chỉ số S&P 500 sụt gần 3% và chìm sâu hơn vào vùng điều chỉnh, như thể hiện trong biểu đồ dưới đây. So với đỉnh lịch sử hôm 3/1, S&P 500 hiện đang thấp hơn 12%. Nasdaq Composite cũng mất 3,6% trong phiên vừa qua và hiện đang ở trong vùng thị trường gấu do đã giảm trên 20% so với đỉnh lịch sử.
Trước đó, ngày 6/3, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Mỹ và các đồng minh đang xem xét đến việc cấm nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga sau khi Tổng thống Vladimir Putin tấn công quân sự Ukraine.
Trong bối cảnh cuộc xung đột Nga – Ukraine vẫn tiếp diễn, nhà đầu tư đang đánh giá việc nguồn cung năng lượng toàn cầu bị gián đoạn tác động thế nào tới các hoạt động kinh tế.
CNBC dẫn lời ông Jim Paulsen, Giám đốc chiến lược đầu tư tại công ty nghiên cứu Leuthold Group nhận xét: "Tình trạng lạm phát đình trệ đang nhanh chóng trở thành mối quan tâm chủ yếu trong các chiến lược quản lý danh mục. Việc chuẩn bị cho kịch bản tăng trưởng chậm lại và lạm phát lên cao hơn đang tác động tới nỗi sợ và hành động của nhà đầu tư".
Giá dầu thô có lúc tăng sốc lên mức đỉnh 14 năm sau tin Mỹ và châu Âu đang tính đến chuyện cấm vận dòng chảy dầu mỏ từ Nga. Giá dầu WTI của Mỹ chạm 130 USD/thùng rồi sau đó hạ nhiệt còn 119,4 USD. Giá dầu Brent chuẩn quốc tế vọt lên 139 USD/thùng sau đó giảm còn 123 USD.
Cổ phiếu dầu khí diễn biến khả quan theo giá dầu. Baker Hughes tăng 4,7%, ExxonMobil và Chevron đi lên lần lượt 3,6% và 2,1%. Tại châu Âu, cổ phiếu Shell cũng thêm 7,7%. Biểu đồ dưới đây cho thấy cổ phiếu năng lượng là nhóm hỗ trợ tích cực cho thị trường phiên đầu tuần 7/3. Nếu không có nhóm này, thị trường đã giảm sâu hơn nhiều.
Cổ phiếu ngân hàng đi xuống khi nhà đầu tư lo ngại kinh tế giảm tốc. Citigroup và JPMorgan Chase mất tương ứng 1,8% và 3,9%, Bank of America và Wells Fargo cùng lao dốc hơn 6%.
Cổ phiếu tiêu dùng như McDonald's, Starbucks và Nike đồng loạt giảm giữa nguy cơ giá nhiên liệu tăng cao sẽ gây thiệt hại tới sức mua của người tiêu dùng. Hôm cuối tuần 6/3, giá xăng trung bình tại Mỹ vượt mốc 4 USD/gallon (tức là gần 1,1 USD/lít). Thống kê bên dưới cho thấy đây là mức giá cao nhất kể từ năm 2008. Tại bang California, giá xăng còn vọt lên trên 5 USD/gallon.
Vào thứ Năm tuần này (10/3), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 của Mỹ sẽ được công bố. Các nhà kinh tế dự báo mức tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn con số 7,5% của tháng 1 và lập đỉnh 40 năm.
Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ họp phiên thường kỳ trong hai ngày 15-16/3. Nhà đầu tư kỳ vọng lãi suất sẽ được nâng thêm 0,25 điểm % sau cuộc họp này để ứng phó với lạm phát.
Hoàng Hà
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|