Chứng khoán Mỹ hồi phục trở lại, Dow Jones tăng 344 điểm

(Banker.vn) Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 13/4 diễn biến khả quan khi nhiều doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh tích cực. Nhà đầu tư cũng bớt quan ngại về số liệu lạm phát cao.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 344 điểm, tương đương 1%, và đóng cửa ở gần 34.565 điểm. Chỉ số gồm 30 cổ phiếu blue chip này đi lên mạnh mẽ nhất trong một tiếng giao dịch cuối buổi chiều.

S&P 500 và Nasdaq Composite đi lên tương ứng 1,12% và 2,03%. Đây là phiên tăng điểm đầu tiên của hai chỉ số này sau ba phiên giảm liên tiếp. Ngày trước đó (12/4), thị trường chứng khoán Mỹ đi xuống khi số liệu lạm phát giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2022 vọt lên mức cao nhất kể từ năm 1981.

Sáng 13/4, Bộ Lao động Mỹ công bố một số liệu giá cả khác là chỉ số giá sản xuất (PPI). Theo CNBC, PPI được coi là một thước đo lạm phát có tính chất dự báo tương lai do đặc điểm đo lường giá cả hàng hóa trước khi đến tay người tiêu dùng.

So với cùng kỳ năm trước, PPI tháng 3 của Mỹ tăng tới 11,2%, mức cao nhất kể từ khi bắt đầu có số liệu thống kê vào tháng 11/2010 đến nay, như thể hiện trong biểu đồ dưới. So với tháng liền trước, PPI tháng 3 tăng 1,4%, cao hơn mức 1,1% mà các nhà kinh tế của Dow Jones dự báo.

Nếu loại bỏ giá thực phẩm và năng lượng, PPI lõi (core) tăng 0,9% so với tháng trước, gần gấp đôi mức tăng 0,5% mà các nhà kinh tế dự báo và là mức cao nhất kể từ tháng 1/2021. So với cùng kỳ năm ngoái, PPI lõi tăng 7%.

Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm còn 2,7% sau khi số liệu PPI được công bố. Trong tuần này, lợi suất 10 năm đã có lúc chạm mức 2,82%.

Trong một diễn biến khác, nhiều doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính quý I với kết quả tương đối khả quan khi nhà đầu tư tập trung đánh giá hoạt động trong thời kỳ lạm phát cao.

Công ty sản xuất ốc vít Fastenal và hãng hàng không Delta Air Lines cùng thông báo lợi nhuận quý I cao hơn kỳ vọng của giới phân tích, giá cổ phiếu tăng tương ứng 2,2% và 6,2% trong phiên 13/4. Delta dự báo sẽ có lãi trở lại trong quý II này.

Nhiều cổ phiếu hàng không – du lịch khác cũng bật tăng mạnh mẽ, American Airlines và Southwest Airlines vọt lên lần lượt 10,6% và 7,5%, Expedia và Carnival đi lên tương ứng 4,9% và 5,4%. Công ty quản lý khách sạn Marriott tăng 7,5%.

Tiêu dùng không thiết yếu là nhóm cổ phiếu tăng mạnh nhất S&P 500 trong phiên 13/4, như thể hiện trong thống kê bên dưới. Theo sau là nhóm công nghệ. Cổ phiếu hãng sản xuất chip Nvidia và Qualcomm tăng 3,2% và 3,3%, các đại gia Apple và Amazon cũng tăng tương ứng 1,6% và 3,3%.

CNBC dẫn lời ông Scott Ladner, Giám đốc đầu tư tại Horizon Investments nhận định: “Kỳ báo cáo lợi nhuận này có lẽ sẽ quan trọng hơn các lần trước. Trong vài năm vừa qua, kết quả kinh doanh không ảnh hưởng quá lớn vì thị trường biến động dựa theo các nhân tố vĩ mô”.

“Giờ đây, thị trường đang chuyển hướng từ vĩ mô sang vi mô, bởi chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đang ngày càng trở nên diều hâu (thắt chặt)”, ông Ladner nói thêm.

Cổ phiếu đại gia ngân hàng JPMorgan Chase giảm 3,2% sau khi công bố lợi nhuận quý I giảm 42% so với cùng kỳ, một phần do khoản lỗ 524 triệu USD vì các biện pháp cấm vận tại thị trường Nga. Doanh thu của JPMorgan đạt 31,59 tỷ USD, nhỉnh hơn dự báo của giới phân tích.

CEO Jamie Dimon cảnh báo rằng JPMorgan Chase đang tăng cường trích lập dự phòng vì nền kinh tế Mỹ đang đối mặt với “xác suất suy thoái ngày càng cao”.

Theo FactSet, nhà đầu tư dự báo lợi nhuận quý IV/2022 của các doanh nghiệp trong S&P 500 sẽ tăng trưởng 4,5%, mức tăng thấp nhất kể từ quý IV/2020 khi đại dịch đang hoành hành ở Mỹ.

Khánh Vân

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục