Chứng khoán Mỹ giảm điểm 3 phiên liên tiếp, Dow Jones mất 154 điểm

(Banker.vn) Chứng khoán Mỹ phiên 23/8 tiếp tục đóng cửa dưới tham chiếu sau phiên tồi tệ nhất kể từ tháng 6/2022, khi nhà đầu tư chuẩn bị đón nhận một thông điệp “diều hâu” từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones sụt 154 điểm, tương đương 0,47%, và đóng cửa ở gần 32.910 điểm. S&P 500 giảm 0,22% còn 4.129 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite gần như đi ngang.

Đây là phiên giảm điểm thứ 3 liên tiếp đối với cả S&P 500 và Dow Jones. Phiên trước đó (22/8), cả hai chỉ số này cùng ghi nhận ngày tồi tệ nhất kể từ giữa tháng 6, Dow Jones mất 643 điểm.

Hình minh họa
Chứng khoán Mỹ giảm điểm 3 phiên liên tiếp, Dow Jones mất 154 điểm. Hình minh họa

Số liệu nhà quản trị mua hàng (PMI) toàn cầu thấp hơn dự báo là một trong những nhân tố tác động tiêu cực tới thị trường ngày 23/8. PMI ngành dịch vụ và ngành sản xuất toàn cầu tháng 8 giảm còn lần lượt 44,1 điểm và 51,3 điểm, trong khi các nhà kinh tế do Dow Jones khảo sát dự báo 49 điểm và 51,9 điểm.

Theo CNBC, chỉ số PMI tổng hợp toàn cầu giảm từ 47,7 điểm trong tháng 7 xuống còn 45 điểm trong tháng 8, thấp nhất trong vòng 27 tháng trở lại đây. Chỉ số trên 50 điểm cho thấy hoạt động kinh tế đang mở rộng và dưới 50 điểm thể hiện xu hướng sa sút.

Tại Mỹ, số liệu mới công bố ngày 23/8 cho thấy doanh số bán nhà mới xây giảm 12,6% trong tháng 7 xuống còn 511.000 căn, thấp hơn mức 574.000 mà các chuyên gia ước tính. Nguồn cung tăng lên thành 10,9 tháng, tức là với tốc độ giao dịch như hiện nay thì cần 10,9 tháng mới bán hết lượng tồn kho.

Cổ phiếu bất động sản, y tế và dịch vụ viễn thông là những nhóm lao dốc mạnh nhất phiên 23/8. Trong khi đó, cổ phiếu năng lượng là nhóm diễn biến tích cực nhất khi giá dầu thô hồi phục. Cổ phiếu Zoom Video sụt 16,5% sau khi công ty dịch vụ họp trực tuyến này hạ dự báo lợi nhuận cả năm.

Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên trên mốc 3% khi nỗi lo về việc Fed nâng mạnh lãi suất đang quay lại ám ảnh nhà đầu tư.

CNBC dân lời ông Mark Haefele, Giám đốc đầu tư của UBS, nhận định: “Chúng tôi cho rằng các thị trường cổ phiếu sẽ biến động mạnh khi tâm lý nhà đầu tư dao động giữa hy vọng Fed đưa nền kinh tế hạ cánh mềm và nỗi sợ Fed sẽ thất bại”.

Trong nỗ lực kiềm chế lạm phát, ngân hàng trung ương Mỹ đã nâng lãi suất 4 lần liên tiếp. Nhà đầu tư dự báo Fed có thể tăng lãi suất thêm 50 hoặc 75 điểm cơ bản trong cuộc họp thường kỳ ngày 20 – 21/9.

Ông Michael Creadon, Giám đốc vận hành tại Inveniam Defi Devs, nhận xét: “Câu chuyện lớn của nửa sau năm 2022 là liệu Fed có thể đưa lạm phát quay về dưới ngưỡng kiểm soát hay không và khi nào thì Fed làm được. Nếu số liệu lạm phát đi xuống thì đó sẽ là thông tin hết sức tích cực cho các tài sản rủi ro”.

Ông Creadon nói thêm: “Lạm phát không cần phải xuống mức 2%. Chỉ cần lạm phát giảm còn 5 – 6% và lãi suất quỹ liên bang ở khoảng 4% là mọi người đã có thể nói rằng ‘với tôi như vậy là ổn rồi’. Chúng ta chỉ cần thấy lạm phát quay đầu là các tài sản rủi ro sẽ biến động rất khả quan”.

Ngoài ra, chúng tôi cũng giới thiệu tới độc giả các thông tin về giá khác mà nhiều người quan tâm được liên tục cập nhật như: #Tỷ giá ngoại tệ #giá vàng #Giá xăng dầu hôm nay #giá hồ tiêu hôm nay #giá heo hơi hôm nay #giá cà phê #cập nhật bảng giá điện thoại. Kính mời độc giả đón đọc.

Nhận định chứng khoán ngày 24/8/2022: Xu hướng thị trường phái sinh

Các chuyên gia phân tích và công ty chứng khoán đưa ra nhận định về thị trường phái sinh cho ngày giao dịch 24/8/2022. Tạp ...

Thị trường chứng khoán ngày 24/8/2022: Thông tin trước giờ mở cửa

VN-Index có phiên lấy lại những gì đã mất; Cổ phiếu TKG chính thức giao dịch trên sàn HNX từ 29/8; Nam Việt góp bổ ...

Giá vàng hôm nay 24/8/2022: USD nóng rực, vàng thế giới tụt lùi trong "bất lực"

Giá vàng hôm nay trên thị trường thế giới tiếp tục giảm khá nhanh do chịu áp lực từ một đồng USD không ngừng đi ...

Khánh Vân

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán