Theo báo cáo cập nhật triển vọng thị trường chứng khoán tháng 3/2022, Chứng khoán Mirae Asset cho rằng Việt Nam sẽ tăng lãi suất sớm hơn kỳ vọng với những áp lực toàn cầu, cũng như trong nước.
Theo đó, trong nước, lạm phát vẫn duy trì ở mức thấp giúp cho Việt Nam có thể duy trì mặt bằng lãi suất chính sách trong năm nay để hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Tuy nhiên, nhóm chuyên gia cho rằng khả năng Cục dự trữ liên bang Mỹ tăng lãi suất nhanh hơn dự kiến sẽ tạo áp lực tăng lãi suất lên các ngân hàng trung ương Châu Á nói chung, và Việt Nam nói riêng.
Thêm vào đó, áp lực tăng lạm phát trong nước do đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, thực hiện các chính sách kích thích tăng trưởng kinh tế, cũng như áp lực nhập khẩu lạm phát do giá cả các loại hàng hóa trên thế giới tăng cao, Mirae Asset nhận định.
Tín dụng kỳ vọng sẽ tăng khoảng 13% trong năm 2022 (thấp hơn mức tăng trưởng 13,6% so với cùng kỳ trong năm 2021), với mặt bằng lãi suất được duy trì ở mức thấp như năm 2021, để tài trợ cho các kế hoạch khôi phục và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh với chi phí vốn thấp.
Các động lực tăng trưởng chính cho nền kinh tế bao gồm các hoạt động kinh tế cải thiện (đặc biệt ngành dịch vụ, du lịch với việc giảm 2% thuế VAT) và gói hồi phục kinh tế 350.000 tỷ đồng.
Theo Ngân hàng nhà nước (NHNN), lãi suất cho vay đã giảm 1 điểm % trong năm 2020 và giảm thêm 0,81 điểm % trong năm 2021. Lãi suất cho vay bình quân của NHTM trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ đang ở mức 7,6-9,2%/năm.
Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 4,3%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN là 4,5%/năm.
Ngoài ra, công ty chứng khoán cũng lưu ý về rủi ro nợ cơ cấu cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trở thành nợ xấu. Theo ước tính, nợ cơ cấu đến cuối năm 2021 tương đương 5,9% dư nợ tín dụng hệ thống, tăng đáng kể so với mức 3,9% vào cuối năm 2020.
Anh Khôi
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|