Chứng khoán không phải đất diễn cho những ... tay mơ

(Banker.vn) Ba năm bị vùi dập trên thị trường, từ một F0 với chút kiến thức vỡ lòng ban đầu, tôi đã trải qua những cung bậc đầy cảm xúc của chứng khoán. Có lên, có xuống, chứng kiến những cái “chết” nặng nề của nhà đầu tư, và cũng học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý giá từ các nhà đầu tư kỳ cựu.

Hành trình nhân đôi tài khoản của tôi sau một năm đầu tư chứng khoán

Đừng buông xuôi tài khoản cho 4 chữ "đầu tư dài hạn"

Tâm sự của một F0 ... đu đỉnh

Chiếc bẫy margin

Tôi bước vào thị trường chứng khoán cuối năm 2020, thời điểm dịch COVID-19 đang trở thành nỗi ám ảnh lớn trên toàn cầu. Thị trường chứng khoán Việt Nam trước đó liên tục dò đáy những tháng đầu năm và trải qua các cú đạp sâu tầm giữa năm, trước khi dần hồi phục nhờ dòng tiền rẻ được bơm vào thị trường.

Chứng khoán đem lại nhiều cung bậc cảm xúc đầy lôi cuốn, biến nhiều nhà đầu tư thành những kẻ nghiện trading. Hôm nay thăng hoa, ngày mai có thể đã rơi xuống tột cùng của thất vọng. Thống kê phổ biến cho thấy hơn 90% nhà đầu tư thua lỗ, nhưng con số này không ngăn cản giấc mộng đổi đời của nhiều người.

Chứng khoán là nơi có thể khiến nhiều số phận đổi đời, nhưng chắc chắn không phải “đất diễn” cho những tay mơ.
Chứng khoán là nơi có thể khiến nhiều số phận đổi đời, nhưng chắc chắn không phải “đất diễn” cho những tay mơ.

Thị trường chứng khoán với đầy hỉ nộ, ái ố luôn giăng sẵn muôn vàn chiếc bẫy, có thể "nuốt chửng" các F0, vốn luôn đầy mơ mộng. Đó là đội “lái” với vô vàn chiêu đánh lừa nhà đầu tư. Là những cuộc “đi đêm” và cả những con “cừu đen” trong giới truyền thông.

Nhưng có một chiếc bẫy phổ biến hầu hết các F0 đều mắc phải: công cụ đòn bẩy (margin) gắn liền với lòng tham của người chơi. Có nhiều công ty chứng khoán cho phép nhà đầu tư vay margin với tỷ lệ rất cao. Với thị trường uptrend, một nhà đầu tư lâu năm có thể tận dụng hiệu quả công cụ đòn bẩy để tối ưu hoá lợi nhuận. Nhưng ở chiều ngược lại, khi thị trường giảm, margin là thứ khiến rất nhiều nhà đầu tư thua lỗ. Sử dụng margin quá cao cùng với sự thiếu hiểu biết kéo theo những “cái chết” thảm khốc, có thể khiến nhà đầu tư cháy tài khoản.

Tôi đã được một chuyên gia lão làng dạy về kỷ luật, thứ có thể hạn chế được tác hại của lòng tham: đặt ra cho mình những nguyên tắc khi sử dụng đòn bẩy, giới hạn tỷ lệ vay cố định và cắt lỗ khi tài khoản vi phạm điểm lỗ. Hầu như tất cả những người chơi mới đều được cảnh báo về điều này, nhưng không phải ai cũng có thể dừng bước trước sự lôi kéo của lòng tham. Ngay cả khi thị trường ở giai đoạn uptrend vẫn có thể thua lỗ.

Cao thủ tiết chế lòng tham

Từ những ngày đầu gia nhập thị trường, tôi may mắn học hỏi được nhiều kiến thức từ một chuyên gia từng giữ nhiều vị trí khác nhau ở các đơn vị chứng khoán lớn. Với hơn 20 năm trên thị trường, anh ấy là một kho kiến thức và kinh nghiệm bổ ích cho các F0.

Năm 2021, tôi bắt đầu tham gia Stalk.vn, một diễn đàn chứng khoán để bổ sung cho lỗ hổng về mặt kỹ thuật của mình. Đó là một trải nghiệm mới khi trong diễn đàn, tôi có cơ hội học hỏi thêm nhiều kiến thức từ những nhà đầu tư cả trong Nam và ngoài Bắc. Có những “tay chơi” dày dạn kinh nghiệm khiến ngay cả các chuyên gia cũng nể phục. Nhóm của tôi có H.D, một nhà đầu tư khá lớn tại Nghệ An.

“Tôi không sợ người luyện 10.000 cú đá chỉ một lần mà chỉ sợ người thực hành 1 cú đá 10.000 lần”-câu nói được lan truyền của Lý Tiểu Long nếu áp vào H.D thì gần như “chắc đét”.

Trong cả năm 2022 đầy khó khăn, H.D chỉ xuất hiện vài lần trong nhóm và lần nào cũng đúng thời điểm VNI đang rơi. Và anh ta chỉ “đánh” đúng 1 con BVH (bảo hiểm Bảo việt). Mua vào vùng 52 và lập tức bán khi lên vùng 58-60. Và sau đó lại “lặn” cho đến khi VNI rơi sâu…Lần gần nhất H.D đánh “full margin” ở giai đoạn VNI sập hồi tháng 10 khi BVH hạ sâu xuống vùng 47 và có lẽ đã lại “đẩy hàng” khi lên 52, trước khi VNI thêm một nhịp rơi nặng.

Đó có lẽ là bậc thầy về tiết chế lòng tham, được rèn luyện nhờ những năm tháng lăn lộn trên thị trường. Không ít tay chơi Fn cho biết, chỉ sống sót nhờ kiểm soát được cảm xúc bản thân. Hầu hết cho rằng việc nắm bắt tâm lý đám đông trên thị trường quan trọng không kém kiến thức về về kinh tế vĩ mô.

Chứng khoán là nơi có thể khiến nhiều số phận đổi đời, nhưng chắc chắn không phải “đất diễn” cho những tay mơ. Chỉ có những nhà đầu tư dày dạn kinh nghiệm nhất, trang bị cho mình đủ “vũ khí” mới có thể chiến thắng được thị trường.

Bài dự thi Cuộc thi viết "Tôi là nhà đầu tư" năm 2022 do Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam tổ chức. Toàn bộ các bài viết được đăng tải trên fapage: Tôi là nhà đầu tư , mời độc giả like page và tương tác cùng các nhà đầu tư.

Bạn đọc có thể gửi bài viết dự thi vào địa chỉ Email: [email protected];. Tác phẩm dự thi ghi rõ trên tiêu đề thư khi gửi email: Bài tham dự cuộc thi viết “TÔI LÀ NHÀ ĐẦU TƯ".

Vĩnh Xuân (Hà Nội)

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán