Kết thúc tuần giao dịch từ ngày 2 – 6/8, chỉ số VN-Index tăng +31,4 điểm – tương đương +2,4%, lên 1.341,45 điểm. Chỉ số duy trì đà tăng điểm trong 4/5 phiên giao dịch của tuần với 284 mã tăng và chỉ 83 mã giảm. VIC, VHM và BID là 3 mã hỗ trợ tích cực nhất cho VN-Index trong tuần này, đóng góp lần lượt +5,59; +5,08 và +1,96 điểm. Ở chiều ngược lại, SAB, ACB và VPB là 3 mã có tác động tiêu cực nhất lên chỉ số, lấy đi -0,66; -0,44 và -0,27 điểm. Giá trị giao dịch trung bình đạt 20.515,26 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại mua ròng +2.298,71 tỷ đồng trên sàn HSX trong tuần này.
Trên sàn HNX, chỉ số Hnx-Index kết thúc tuần giao dịch tại mức 325,45 điểm, tăng +10,61 điểm – tương đương +3,37%. Chỉ số duy trì đà tăng điểm tại 5 trên 5 phiên giao dịch trong tuần với 202 mã tăng và 92 mã giảm. SHB, VND và NVB là 3 mã hỗ trợ tích cực nhất cho mức tăng của chỉ số, đóng góp +2,58; +2,08 và +1,94 điểm. Trong khi đó, IDC, SHN và DNP là 3 mã có tác động tiêu cực nhất lên HnxIndex, lấy đi -0,10; -0,08 và -0,05 điểm. Giá trị giao dịch trung bình đạt 3.340,72 tỷ đồng/phiên. Nhóm nhà đầu tư nước ngoài bán ròng -596,58 tỷ đồng trên sàn HNX.
Theo nhận định của Công ty chứng khoán Bảo Việt BVSC, tuần này thị trường có thể chịu áp lực điều chỉnh đầu tuần trước khi hồi phục tăng điểm về cuối tuần. Về tổng thể, VN-Index vẫn được kỳ vọng sẽ tiến vào thử thách vùng kháng cự 1.350-1.380 điểm trong ngắn hạn. Do đó, các nhịp điều chỉnh của thị trường được xem là cơ hội để dòng tiền đứng ngoài gia nhập thị trường.
Dòng tiền nhiều khả năng sẽ tiếp tục vào thị trường giúp thanh khoản tiếp tục cải thiện mạnh trong tuần tới. Nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ vẫn sẽ là tâm điểm thu hút dòng tiền trong giai đoạn hiện tại. Các nhóm ngành bất động sản, chứng khoán, cảng biển, hóa chất, phân bón, xuất khẩu… sẽ bắt đầu có sự phân hóa và luân phiên tăng điểm sau tuần tăng điểm mạnh đồng loạt trước đó. BVSC cho rằng nhà đầu tư có thể duy trì tỷ trọng danh mục ở mức 50-60% cổ phiếu, nếu đã bán trading tại vùng kháng cự 1.350-1.355, có thể xem xét mua lại các vị thế đã bán khi thị trường điều chỉnh trong tuần tới. Đồng thời, có thể xem xét gia tăng tỷ trọng các vị thế ngắn hạn trong danh mục nếu thị trường kiểm định thành công vùng hỗ trợ 1.300-1.320 điểm.
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích của CTCK VNDIRECT nhìn nhận chỉ số VN-Index đóng cửa phiên thứ 6 ở mức 1.341,5 điểm – tăng 31,4 điểm (tăng 2,4%) so với cuối tuần trước trước đó. Hầu hết các nhóm ngành đều tăng điểm, nổi bật là nhóm cổ phiếu bất động sản như VIC (tăng 8,5%), SCR (tăng 10,3%), BCG (15,1%) DXG (tăng 6,6%) và phân bón BFC (tăng 22,5%), DPM (tăng 18,5%). Thanh khoản cũng là một điểm nhấn tích cực trong tuần khi giá trị giao dịch bình quân phiên trên 3 sàn đạt 24.800 tỷ đồng/phiên, tăng 21% so với tuần trước đó. Khối ngoại cũng đẩy mạnh mua ròng với giá trị mua ròng đạt gần 2.310 tỷ đồng (tính đến hết phiên ngày 5/8).
Trong tuần qua, thông tin về việc UBCKNN yêu cầu khẩn trương áp dụng trở lại giao dịch lô tối thiểu 10 cổ phiếu và HOSE chuẩn bị đưa các cổ phiếu tạm thời niêm yết trên HNX quay trở lại là những thông tin tích cực, củng cố tâm lý nhà đầu tư và là chất xúc tác thu hút dòng tiền quay trở lại thị trường.
Trong tuần này, thị trường có thể rung lắc mạnh khi tiến tới vùng 1.350 - 1.370 điểm. Hoạt động chốt lời có thể được đẩy mạnh, đặc biệt tại các nhóm cổ phiếu đã phục hồi mạnh trong những phiên gần đây. Nhà đầu tư nên duy trì sự thận trọng, không nên mua đuổi ở thời điểm hiện tại và hạn chế sử dụng đòn bẩy ở mức cao. Có thể hạ tỷ trọng cổ phiếu nếu VN-Index không vượt qua được vùng 1.350-1.370 điểm.
Bùi Trang
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|