Chứng khoán BIDV (BSC) muốn đổi tên, kế hoạch lãi gấp 3,8 lần năm 2022

(Banker.vn) Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC, mã chứng khoán BSI) vừa công bố tài liệu họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2023. Theo đó, BSC đặt kế hoạch lợi nhuận năm nay tăng gần gấp 4 lần so với năm 2022 và một nội dung đáng chú ý là việc đổi tên Công ty.

Trong tài liệu ĐHCĐ thường niên 2023, BSC trình cổ đông kế hoạch kinh doanh với lợi nhuận trước thuế 565 tỷ đồng, gấp gần 3,8 lần thực hiện năm 2022. Lọt top 10 thị phần môi giới cổ phiếu trên HOSE, hệ số an toàn tài chính tối thiểu 260%.

Chứng khoán BIDV (BSC) muốn đổi tên, kế hoạch lãi gấp 3,8 lần năm 2022

BSC cũng trình cổ đông nội dung tăng vốn điều lệ thông qua việc phát hành thêm gần 15 triệu cổ phiếu, trong đó 9,4 triệu cổ phiếu trả cổ tức (tỷ lệ 5%), và hơn 5,6 triệu cổ phiếu thường (tỷ lệ 3%). Sau phát hành, vốn điều lệ sẽ tăng thêm từ 1.878 tỷ đồng lên gần 2.028 tỷ đồng.

Về phương án chia cổ tức 2022, BSC sẽ trình cổ đông kế hoạch cổ tức 10% với cả 2 hình thức tiền mặt và cổ phiếu (cùng tỷ lệ 5%). Năm 2023, mức chi cổ tức dự kiến 10% bằng tiền hoặc cổ phiếu. Ủy quyền cho HĐQT xem xét cho ứng trước số cổ tức ở từng thời điểm phù hợp.

Đánh giá về thị trường năm nay, ban lãnh đạo của BSC cho rằng kinh tế vĩ mô Việt Nam đối diện với nhiều thách thức khi suy thoái kinh tế nhiều khả năng sẽ xảy ra. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là quốc gia được nhiều tổ chức uy tín nhận định là điểm đến đầu tư lý tưởng với mức tăng trưởng tốt.

Cùng với sự quyết tâm của Chính phủ trong việc thực thi các chính sách, giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn cho thị trường, bên cạnh áp lực về điều hành tỷ giá, lãi suất của NHNN phần nào đã được giảm bớt vào cuối năm sẽ là những yếu tố nâng đỡ, tạo đà trong năm 2023.

Cũng trong đại hội đồng cổ đông lần này, BSC sẽ trình đại hội đồng cổ đông về việc đổi tên công ty, theo đó HĐQT BSC đề xuất thay đổi tên từ “Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam” thành “Công ty CP Chứng khoán BIDV” và tên viết tắt là BSC để gắn trực tiếp tên giao dịch của BSC với thương hiệu BIDV, thống nhất tên gọi tiếng Anh và tiếng Việt, giúp khách hàng dễ nhớ tên thương hiệu.

Trong một diễn biến khác, Hana Securities chính thức trở thành cổ đông chiến lược của BSC từ ngày 30/9/2022 sau khi mua vào hơn 65,7 triệu cổ phiếu BSI.

Số cổ phiếu trên được Hana Securities mua sau khi ký kết hợp tác cổ đông chiến lược với BSC vào ngày 3/8/2022. Theo đó, Hana Securities đăng ký mua hơn 65,7 triệu cổ phiếu BSC trong đợt phát hành riêng lẻ, với giá 41.000 đồng/cp. Tổng cộng, Hana Securities đã chi gần 2.700 tỷ đồng để hoàn tất giao dịch. Kết quả thương vụ giúp Hana Securities nắm giữ 35% vốn điều lệ, trở thành cổ đông lớn của BSC.

Tháng 11/2022, BSC tổ chức ĐHCĐ bất thường để miễn nhiệm và bầu bổ sung 3 nhân sự vào Thành viên HĐQT, thành viên Ban kiểm soát. Kết quả, ông Chung Jae Hoon vào vị trí Thành viên HĐQT, ông Lim Do Kyoon vào vị trí Thành viên HĐQT độc lập và ông Kang Ju Seok vào vị trí Thành viên Ban Kiểm soát. Các chức danh này đều có cùng nhiệm kỳ 2021-2026.

Cả 3 cá nhân kể trên đều là các nhân sự cấp cao thuộc Công ty TNHH Chứng khoán Hana (Hana Securities - Hàn Quốc).

Lãi năm 2022 đạt hơn 112 tỷ đồng

Trong báo cáo tài chính và báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính tại ngày 31/12/2022 đã được kiểm toán công bố của BSC, những khoản đầu tư chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục của công ty là trái phiếu chưa niêm yết của các tổ chức tín dụng (tổng giá trị đầu tư gần 586 tỷ đồng), trái phiếu Chính phủ (gần 211 tỷ đồng) và cổ phiếu niêm yết (gần 190 tỷ đồng).

Chi tiết về danh mục cổ phiếu niêm yết, tính đến cuối năm 2022, BSC đang nắm giữ hơn 34 tỷ đồng cổ phiếu MIG của Tổng Công ty CP Bảo hiểm Quân đội (đang ghi nhận lỗ 15%, tương ứng 5,25 tỷ đồng); hơn 33 tỷ đồng cổ phiếu DGW của Công ty CP Thế giới Số (lỗ 10%, tương ứng 3,29 tỷ đồng); và gần 29 tỷ đồng cổ phiếu STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (lãi 1,9%, tương ứng 0,56 tỷ đồng).

Ngoài ra, BSC còn đang nắm giữ cổ phiếu của các công ty khác như PET (tổng giá trị đầu tư hơn 26 tỷ đồng), CTR (hơn 24 tỷ đồng) và VIB (hơn 22 tỷ đồng).

Về kết quả kinh doanh, lợi nhuận sau thuế của công ty năm 2022 đạt 112,4 tỷ đồng, giảm gần 70% so với năm 2021. BSC cho biết, nguyên nhân chủ yếu do thị trường chứng khoán năm 2022 có nhiều biến động, đặc biệt nửa cuối năm 2022 ghi nhận dấu hiệu tiêu cực. So với năm 2021, doanh thu hoạt động giảm khoảng 20% trong đó lãi bán các tài sản tài chính FVTPL giảm 46% và doanh thu môi giới chứng khoán giảm 32%.

"Soi" kế hoạch kinh doanh các công ty chứng khoán năm 2023

Sau năm 2022 đầy biến động, các công ty chứng khoán đang dần công bố bản kế hoạch kinh doanh trong năm 2023. Trong đó ...

Lợi nhuận các nhóm ngành được dự báo ra sao trong quý I/2023?

Thị trường chứng khoán đã trải qua năm 2022 nhiều biến động với áp lực từ cả trong nước và quốc tế. Kết thúc năm ...

Sau năm lỗ kỷ lục, Chứng khoán APG đặt mục tiêu gì cho 2023?

Năm 2022, Chứng khoán APG đạt doanh thu 184,5 tỷ đồng, giảm 50% so với năm 2021; chi phí hoạt động tăng gấp 2,1 lần ...

Quỳnh Nga

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán