Chủ tịch UBND Quận 11, Tp.HCM giữ ghế điều hành Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn

(Banker.vn) Ông Trần Phi Long sinh năm 1977, quê quán huyện Củ Chi, TP.HCM. Ông Long có trình độ Tiến sĩ kinh tế, Cử nhân hành chính, Cao cấp Lý luận chính trị.
Chủ tịch UBND Quận 11, Tp.HCM giữ ghế điều hành Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn

Phó Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải (phải) trao quyết định của Ban Thường vụ Thành ủy thành phố cho ông Trần Phi Long.

Ngày 26/9, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM Huỳnh Cách Mạng đã công bố quyết định của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về việc chỉ định ông Trần Phi Long, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận 11 tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, giữ chức Bí thư Đảng ủy Tổng công ty TNHH MTV Công nghiệp Sài Gòn (CNS) nhiệm kỳ 2020-2025.

Ngay sau đó, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đã trao quyết định của UBND thành phố điều động và bổ nhiệm ông Trần Phi Long giữ chức Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS), thời hạn giữ chức vụ là 5 năm.

Được biết, ông Trần Phi Long sinh năm 1977, quê quán huyện Củ Chi, TP.HCM. Ông Long có trình độ Tiến sĩ kinh tế, Cử nhân hành chính, Cao cấp Lý luận chính trị.

Theo tìm hiểu, CNS sở hữu quy mô hoạt động khá lớn, bao quát các ngành công nghiệp chủ lực của TP.HCM, bao gồm: chế biến tinh lương thực - thực phẩm; hóa chất - cao su, nhựa; cơ khí - chế tạo máy; điện tử - công nghệ thông tin, bán dẫn, tự động hóa... Ngoài ra doanh nghiệp cũng quan tâm đến lĩnh vực trồng rừng, kinh doanh sản phẩm chế biến từ lâm sản; xây dựng và phát triển khu công nghiệp.

Trải qua nhiều lần tăng vốn, tính đến hết năm 2021, vốn điều lệ của CNS đạt mức 2.608 tỷ đồng. Doanh nghiệp tạo ra 3.492 tỷ đồng doanh thu thuần, đem về 246 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm 2021.

Mới đây, ngày 23/9, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị VKSND Tối cao truy tố 10 bị can về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Tổng công ty TNHH MTV Công nghiệp Sài Gòn (CNS) và Công ty CP TIE (TIE).

Các bị can bị đề nghị truy tố gồm: Nguyễn Hoành Hoa (cựu Chủ tịch HĐTV CNS), Chu Tiến Dũng (cựu Tổng giám đốc CNS), Nguyễn Hoàng Anh (cựu Chánh văn phòng CNS, Phó tổng giám đốc CNS), Đỗ Văn Ngà (cựu Kế toán trưởng CNS); Vũ Lê Tùng, Huỳnh Tấn Tư (cựu Phó tổng giám đốc CNS), Nguyễn Đức Vượng (cựu Chánh văn phòng CNS), Lê Viết Ba (cựu Phó phòng tài chính kế toán CNS), Phạm Thúy Oanh (cựu Phó tổng giám đốc TIE), Hoàng Minh Trí (người đại diện quản lý phần vốn của CNS tại TIE, phó giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công viên phần mềm Quang Trung thuộc CNS).

Theo kết luận điều tra, CNS là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, trực thuộc UBND TP.HCM, hoạt động theo mô hình công ty mẹ, công ty con. TIE là công ty con của CNS trong đó CNS sở hữu 70% vốn góp.

Ngày 15/1/2019, Cục An ninh kinh tế Bộ Công an tiếp nhận đơn thư của tập thể cán bộ, công nhân viên CNS tố cáo ông Chu Tiến Dũng có hành vi vi phạm pháp luật.

Quá trình điều tra, công an xác định ông Chu Tiến Dũng và các cá nhân trên có hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước trong việc quản lý, sử dụng quỹ khen thưởng CNS, gây thất thoát 17,3 tỷ đồng; thực hiện thoái vốn đầu tư của CNS tại TIE, gây thất thoát 4,6 tỷ đồng.

Ánh Dương

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán