Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trao quà tặng người có công với cách mạng tỉnh Hậu Giang

(Banker.vn) Sáng 1/7, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trao quà tặng người có công với cách mạng tỉnh Hậu Giang.
Chủ tịch Quốc hội: Hoàn thành cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 Chủ tịch Quốc hội gặp mặt người hiến máu tình nguyện tiêu biểu toàn quốc Chủ tịch Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 34 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hộinhư

Chăm sóc người có công với cách mạng là việc làm thường xuyên, liên tục

Sáng 1/7, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Hậu Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Đoàn công tác của Quốc hội đã trao quà tặng Người có công với cách mạng nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024). Đây là hoạt động có ý nghĩa nhân văn sâu sắc đúng vào dịp cả nước đang tổ chức nhiều hoạt động thiết thực tri ân người có công.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trao quà tặng người có công với cách mạng tỉnh Hậu Giang
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu

Phát biểu tại sự kiện, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gửi đến các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng của tỉnh Hậu Giang lời thăm hỏi ân cần, những tình cảm sâu nặng và lòng biết ơn sâu sắc.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, tiếp nối đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, suốt 77 năm qua, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta luôn ghi nhớ, trân trọng, biết ơn và coi việc chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công là trách nhiệm của các cấp, các ngành, của hệ thống Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, của mọi người dân, của thế hệ hôm nay và mai sau.

Nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ưu đãi đối với người có công đã được ban hành, như: Chăm sóc sức khoẻ, hỗ trợ cải thiện về nhà ở, đất ở; đẩy mạnh tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ; xây dựng và tu bổ, tôn tạo hàng nghìn nghĩa trang liệt sĩ; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương; hỗ trợ về giáo dục cho con em các gia đình người có công...

Ngày 25/6 vừa qua, Chủ tịch nước Tô Lâm đã ký Quyết định số 590/QĐ-CTN về tặng quà hơn 1,3 triệu người có công nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ với tổng kinh phí là 420 tỷ đồng.

Toàn tỉnh Hậu Giang hiện có 36.243 người có công với cách mạng, trong đó có 43/2.042 Mẹ Việt Nam Anh hùng và 3/23 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động trong kháng chiến còn sống; khoảng 10.000 thân nhân liệt sĩ và thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, người hoạt động cách mạng bị địch bắt tù, đày… đang hưởng trợ cấp hằng tháng.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao việc các cơ quan chức năng tỉnh Hậu Giang trong nhiều năm qua đã huy động các nguồn lực để chăm lo cho người có công với cách mạng, gia đình chính sách. Đặc biệt, đến nay, Hậu Giang đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng nhà tình nghĩa hỗ trợ thương binh có nhà ở; cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo...

"Hậu Giang có thể nói là tỉnh khó khăn nhất trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, sự giúp đỡ của Trung ương, các đồng chí đã huy động mọi nguồn lực để chăm lo cho người có công, gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh Hậu Giang tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ, toàn diện Chỉ thị số 14-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng bằng những việc làm hết sức thiết thực để bảo đảm người có công và gia đình được thụ hưởng đầy đủ chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước; phát động mạnh mẽ các phong trào đền ơn đáp nghĩa trở thành hoạt động thường xuyên trong mọi mặt của đời sống xã hội, nhất là hỗ trợ những gia đình người có công với cách mạng còn khó khăn trong cuộc sống.

Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh Hậu Giang phối hợp tổ chức thực hiện tốt chính sách về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024 theo Nghị quyết Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV vừa được Quốc hội thông qua, bảo đảm chi trả kịp thời để người có công, gia đình chính sách được thụ hưởng đầy đủ các chính sách của Nhà nước. Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý không để xảy ra tình trạng tăng lương - tăng giá các mặt hàng.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị tỉnh Hậu Giang tiếp tục phát động trong toàn hệ thống chính trị của tỉnh, các cá nhân, cơ quan, tổ chức bằng những việc làm, hành động cụ thể, thiết thực, tích cực tham gia công tác người có công và phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng” để thực hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, tạo nhận thức sâu rộng trong toàn thể nhân dân đây là việc làm thường xuyên, liên tục.

Tại đây, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Đoàn công tác đã trao 20 phần quà tặng các Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách, người có công với cách mạng; chứng kiến trao biển tượng trưng tặng 100 căn nhà đại đoàn kết cho tỉnh Hậu Giang.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trao quà tặng người có công với cách mạng tỉnh Hậu Giang
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trao quà tặng người có công với cách mạng tỉnh Hậu Giang

Huy động nguồn lực, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công

Trước đó, báo cáo với Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Đoàn công tác của Quốc hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Nguyễn Văn Hòa cho biết, những năm qua, cùng với cả nước, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Hậu Giang luôn dành sự quan tâm, chăm lo đối với các thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách, người có công với cách mạng.

Các chế độ, chính sách được thực hiện kịp thời, đầy đủ; phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, “Nghĩa tình đồng đội”… ngày càng lan tỏa, được đông đảo các tầng lớp Nhân dân nhiệt tình hưởng ứng với tinh thần trách nhiệm cao.

Cùng với đó, các cấp trong tỉnh đã huy động thêm nguồn lực từ nội lực của tỉnh và xã hội hóa để bổ sung các chính sách góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công.

Năm 2023, tỉnh đã dành hơn 123 tỷ đồng để thực hiện chế độ đối với người có công và thân nhân, gia đình người có công; vận động, xây dựng mới và sửa chữa 1.471 căn nhà tình nghĩa, đại đoàn kết.

Đây là những việc làm thể hiện trách nhiệm và thắm đượm truyền thống Hậu Giang tình đất tình người, nhận được sự hưởng ứng và tham gia rộng rãi, trở thành phong trào sâu rộng, một nét đẹp trong đời sống văn hóa, góp phần quan trọng vào việc củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, nâng cao tinh thần yêu nước, khơi dậy và bồi đắp những giá trị nhân văn sâu sắc.

Đối với các hoạt động kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ năm 2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nêu rõ, tỉnh đã chỉ đạo tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa.

Tiêu biểu như: Tuyên truyền việc thực hiện chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng; nêu những tấm gương điển hình tiên tiến của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương, các cá nhân làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”; những tấm gương người có công làm kinh tế giỏi; phổ biến chính sách mới, giải đáp chế độ chính sách về lĩnh vực người có công với cách mạng; tổ chức hội nghị gặp gỡ gia đình chính sách, người có công trên địa bàn toàn tỉnh; vận động, xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh tổ chức các Đoàn đi thăm, tặng quà các Mẹ Việt Nam anh hùng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Thương binh - Bệnh binh, Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên (còn sống, sức khỏe yếu); hộ nghèo, cận nghèo có thành viên trong hộ là người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng; người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng đang điều trị bệnh tại các Bệnh viện, Trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh.

Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo có thành viên trong hộ là người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng; tổ chức “Thắp nến tri ân” tại các công trình ghi công liệt sĩ trên địa bàn tỉnh; tổ chức viếng các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh.

Trong thời gian tới, tỉnh Hậu Giang tập trung thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, như: Thực hiện kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách đối với người có công và gia đình người có công với cách mạng; phấn đấu không còn hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng; xây dựng mới và sửa chữa nhà ở cho người có công đối với những trường hợp khó khăn về nhà ở; chú trọng giải quyết các vướng mắc, tồn tại phát sinh trong thực hiện chính sách đền ơn, đáp nghĩa của Đảng và Nhà nước.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục