Chủ tịch Nông nghiệp Bình Thuận (ABS) chỉ mua được 13% tổng lượng cổ phiếu đăng ký

(Banker.vn) Trên thị trường, cổ phiếu ABS vừa trải qua chuỗi bán tháo và giảm điểm liên tục. Từ ngày 11/1 đến ngày 24/11, cổ phiếu ABS giảm 82,3% từ 29.120 đồng về 5.160 đồng/cp và mới hồi phục trong 2 phiên giao dịch gần đây lên 5.770 đồng/cp.

Lãnh đạo báo cáo kết quả giao dịch cổ phiếu tại Công ty CP Dịch vụ Nông nghiệp Bình Thuận (Bitagco, HoSE: ABS). Theo đó, ông Trần Văn Mười, Chủ tịch HĐQT vừa mua vào 390.000 cổ phiếu ABS trong tổng đăng ký 3 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ mua thành công 13% tổng lượng đăng ký để nâng sở hữu từ 19,33% lên 19,81% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện từ 31/10 đến 28/11.

Lý do không mua hết lượng đăng ký được ông Trần Văn Mười đưa ra do diễn biến thị trường chưa thuận lợi.

Thực tế, cổ phiếu ABS vừa trải qua chuỗi bán tháo và giảm điểm liên tục. Cụ thể, từ ngày 11/1/2022 đến ngày 24/11/2022, cổ phiếu ABS giảm 82,3% từ 29.120 đồng về 5.160 đồng/cp và mới hồi phục trong 2 phiên giao dịch gần đây lên 5.770 đồng/cp.

Diễn biến giá cổ phiếu NLG. Nguồn TradingView
Diễn biến giá cổ phiếu ABS. Nguồn TradingView

Trước đó, bà Đinh Thị Sen, một nhà đầu tư vừa thông báo đã bán xong 5 triệu cổ phiếu ABS của Dịch vụ Nông nghiệp Bình Thuận. Giao dịch thực hiện ngày 16/9/2022. Sau giao dịch bà Sen giảm lượng sở hữu cổ phiếu ABS từ 7,5 triệu đơn vị (tỷ lệ 9,375%) xuống còn 2,5 triệu đơn vị (tỷ lệ 3,125%) và không còn là cổ đông lớn.

Dữ liệu ghi nhận phiên giao dịch ngày 16/9 cổ phiếu ABS bất ngờ tăng trần lên 12.900 đồng/cp. Trong phiên có 3 triệu cổ phiếu được giao dịch thoả thuận với giá thoả thuận bình quân 12.000 đồng/cp, tổng giá trị 36 tỷ đồng. Ngoài ra còn có hơn 4,4 triệu cổ phiếu khớp lệnh trong phiên với tổng giá trị khớp lệnh gần 55,4 tỷ đồng, tương ứng giá trị giao dịch bình quân gần 12.600 đồng/cp.

Như vậy ước tính bà Sen bán ra 5 triệu cổ phiếu phiên 16/9/2022 và thu về xấp xỉ 60 tỷ đồng.

Nông nghiệp Bình Thuận đưa cổ phiếu ABS lên giao dịch trên HoSE từ 18/3/2020 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 10.800 đồng/cổ phiếu. Ngay sau khi lên làn, ABS đã gây chú ý với chuỗi 16 phiên tăng trần liên tiếp, đưa giá cổ phiếu lên hơn gấp 3 lần, đạt 35.200 đồng/cp (giá chưa điều chỉnh). Tuy nhiên ngay sau đó ABS lại có chuỗi 10 phiên giảm sàn liên tiếp và các phiên giảm điểm tiếp theo đó, đưa giá cổ phiếu về quanh vùng 11.000 – 13.000 đồng/cp.

Về kết quả kinh doanh, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III, Nông nghiệp Bình Thuận ghi nhận doanh thu hơn 165 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Biên lợi nhuận gộp được cải thiện từ 4% lên 6% trong quý này, giúp ABS có lãi gộp 10 tỷ đồng, tăng 65% cùng kỳ.

Quý vừa qua, chi phí tài chính của Nông nghiệp Bình Thuận tăng 43% lên 12 tỷ đồng. Khấu trừ các chi phí vận hành, ABS báo lãi sau thuế hơn 5 tỷ đồng, cao hơn 46% so với thực hiện của quý thứ ba năm ngoái.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu của Nông nghiệp Bình Thuận ở mức 950 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ. Chiếm tỷ trọng lớn nhất là mảng bán phân bón các loại, sản phẩm khác thuộc nông nghiệp với tỷ lệ 81%; theo sau là doanh thu từ bán xăng, dầu nhớt các loại.

Doanh nghiệp công bố lợi nhuận sau thuế đạt 17 tỷ đồng, tăng 43% so với 9 tháng đầu năm 2021. Với kết quả này, ABS đã hoàn thành 70% kế hoạch doanh thu, nhưng chỉ 24% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Tính đến cuối quý III, tổng tài sản của ABS tăng 5% so với hồi đầu năm, lên hơn 1.678 tỷ đồng. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền cao gấp 2,2 lần đầu năm, đạt gần 7 tỷ đồng. Nợ phải trả chủ yếu là dư nợ vay ngắn hạn hơn 516 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm.

Quỳnh Nga

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục