Nhằm đôn đốc triển khai thực hiện Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024 của Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, trong ngày 25/12/2023, Đoàn công tác của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã có buổi làm việc với Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh Vĩnh Phúc và Bắc Ninh.
Tại Vĩnh Phúc, báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh cho biết, tình hình vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra nhưng mức độ, quy mô nhỏ lẻ, không lớn. Hàng hóa nhập lậu lưu thông trên địa bàn tỉnh chủ yếu là quần áo, giày dép, mỹ phẩm, đồ gia dụng... Nguồn gốc hàng hóa nhập lậu được các đối tượng thu mua, gom ở các địa bàn Hà Nội, Quảng Ninh, Lào Cai, Lạng Sơn... sau đó vận chuyển đưa về địa bàn tỉnh tiêu thụ hoặc vận chuyển qua địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Trong năm 2023, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc đã kiểm tra 731 vụ, xử lý 233 vụ; tổng số tiền thu phạt hơn 2,8 tỷ đồng. Ảnh DMS |
Đáng chú, theo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Vĩnh Phúc, trong năm 2023, các đối tượng vi phạm đã dùng nhiều thủ đoạn để đối phó, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình kiểm tra.
“Các đối tượng vận chuyển hàng hóa trên các tuyến đường cao tốc để che dấu nguồn gốc, tuyến đường của lô hàng; vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử và vận chuyển về Việt Nam qua đường chuyển phát nhanh” - Ban Chỉ đạo 389 Vĩnh Phúc thông tin. Bên cạnh đó, đơn vị này cũng cho biết, trong năm 2023 hàng hóa vi phạm còn được các đối tượng cất giấu tinh vi lẫn vào hàng hóa hợp pháp, nếu lực lượng chức năng không có phương tiện tháo rỡ, kiểm kê thì không thể phát hiện.
Tinh vi hơn, hiện nay, các đối tượng còn sử dụng người dẫn đường, nâng cao cảnh giới nhằm né tránh lực lượng kiểm tra, kiểm soát; hợp thức hóa hóa đơn, chứng từ hàng hóa từ các tỉnh biên giới; lợi dụng việc các doanh nghiệp chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử để vận chuyển hàng hóa không có hóa đơn chứng từ, nếu không bị kiểm tra thì không xuất hóa đơn, nếu bị kiểm tra thì mới xuất hóa đơn để đối phó.
Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Vĩnh Phúc đặc biệt lưu ý, hiện nay, các đối tượng lợi dụng hoạt động thương mại điện tử, các trang mạng xã hội để quảng cáo, giới thiệu hàng hóa nhập lậu, hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng... rồi gửi qua các đơn vị dịch vụ bưu chính chuyển phát nên gây khó khăn trong công tác quản lý, kiểm tra phát hiện của lực lượng chức năng…
Song, với quyết tâm giữ thị trường ổn định, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong năm 2023, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã tăng cường các hoạt động thanh, kiểm tra. Theo đó, trong năm 2023, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc đã kiểm tra 731 vụ, xử lý 233 vụ; tổng số tiền thu phạt hơn 2,8 tỷ đồng. Lực lượng Công an đã kiểm tra, xử lý 1.156 vụ/1.173 đối tượng; khởi tố hình sự 45 vụ/ 56 bị can; xử phạt vi phạm hàng chính 1.108 vụ/1.114 đối tượng, với tổng số tiền xử phạt hành chính hơn 1,8 tỷ đồng, trị giá tang vật tịch thu trên 4,2 tỷđồng.
Cũng trong năm qua, cơ quan Thuế đã thực hiện thanh tra, kiểm tra 612 doanh nghiệp; xử phạt vi phạm hành chính hơn 1,3 tỷ đồng. Qua thanh tra, kiểm tra cho thấy các đơn vị có số thuế truy thu phần lớn là do các doanh nghiệp có hành vi vi phạm là kê khai sai, kê khai thiếu thuế.
Theo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Vĩnh Phúc, trong năm 2023, tình hình vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra nhưng mức độ, quy mô nhỏ lẻ, không lớn. Ảnh DMS |
Tuy nhiên, theo các cơ quan chức năng trong Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Vĩnh Phúc, công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vi phạm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh dù đạt nhiều kết quả nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Tình hình buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm chưa được kiểm soát hiệu quả; hiệu quả ngăn chặn các vi phạm trên thương mại điện tử chưa cao...
Chiều cùng ngày, Đoàn công tác của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cũng đã có buổi làm việc với Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Bắc Ninh.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Bắc Ninh cho biết, trong năm 2023, các sở, ban, ngành thành viên trong Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã tăng cường phối hợp có hiệu quả trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Kết quả từ ngày 16/12/2022 đến ngày 15/12/2023, các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 2.059 vụ. Tổng số tiền thu và nộp ngân sách nhà nước trên 401 triệu đồng.
Một vụ việc lớn tại Bắc Ninh được các lực lượng chức năng tỉnh kiểm tra, phát hiện và xử lý. Ảnh DMS |
Điển hình, ngày 14/12/2022, tại TL295 thuộc địa phận xã Đông Tiến, huyện Yên Phong, Cục Quản lý thị trường Bắc Ninh đã phối hợp kiểm tra xe ô tô tải BKS 34C-202.28 (loại 7 tấn). Kết quả kiểm tra phát hiện trên xe có 90 thùng thuốc lá điếu, vỏ bao ghi nhiều chữ Trung Quốc và dòng chữ “NANGJING CIGARETTE”, “China Tobacco Jiangsu Industrial Co., Ltd.”, mỗi thùng có 72 cây thuốc lá điếu, tổng số 64.800 bao thuốc lá điếu. Ngày 21/1/2023, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Yên Phong khởi tố vụ án “Buôn bán hàng cấm”.
Tiếp đến, ngày 7/2/2023, lực lượng Công an đã kiểm tra kho hàng tại khu phố Hồi Quan, phường Tương Giang, TP. Từ Sơn, Bắc Ninh. Quá trình kiểm tra phát hiện số lượng hàng lớn là khóa và phụ kiện không có hóa đơn, chứng từ có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu KinLong. Quá trình xác minh mở rộng, ngày 8/2/2023 cơ quan Công an tiếp tục kiểm tra điểm cất giấu tại khu công nghiệp Tiên Sơn của Vũ Thịnh Lợi, thu giữ nhiều sản phẩm khóa và phụ kiện.
Tổng số hàng hóa cơ quan Công an đã tạm giữ 38.574 sản phẩm (hơn 15 tấn hàng) có trị giá khoảng 4,8 tỷ đồng. Công an TP. Từ Sơn khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lợi về tội Buôn bán hàng giả.
Kiến nghị với Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, các đơn vị chức năng trong Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Bắc Ninh đề xuất, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tham mưu các cơ quan có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung những tồn tại, vướng mắc trong các văn bản pháp luật quy định về xử phạt vi phạm hành chính đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, kịp thời, tính khả thi cao, rõ ràng, dễ hiểu, dễ áp dụng, tránh chồng chéo, vướng mắc cho các cơ quan thực thi pháp luật.
Đồng thời, đề xuất Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tăng cường công tác bồi dưỡng, đào tạo kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ về công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm cho cán bộ, công chức thực thi công vụ nhằm tiếp cận, nắm bắt kịp thời những quy định của pháp luật có liên quan để thực hiện nhiệm vụ theo đúng quy định, đạt hiệu quả cao, hạn chế thấp nhất những sai sót trong quá trình xử lý.
Ghi nhận và đánh giá cao kết quả phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo 389 của các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, ông Đỗ Hồng Trung - Phó Chánh Văn phòng, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho rằng, trong năm 2023, thị trường hàng hóa tại hai tỉnh Vĩnh Phúc và Bắc Ninh tương đối ổn định, nguồn cung hàng hóa dồi dào, không xảy ra hiện tượng găm hàng, ép giá. Dù các hành vi vi phạm về sản xuất, kinh doanh hàng giả vẫn còn diễn ra, song không ghi nhận các điểm nóng, tụ điểm.
Ông Đỗ Hồng Trung - Phó Chánh Văn phòng, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia giao nhiệm vụ cho các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh. Ảnh T.Hằng |
Trong thời gian tới, nhất là trong giai đoạn cuối năm, ông Đỗ Hồng Trung yêu cầu các sở, ngành, lực lượng chức năng của hai tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo của Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tại Kế hoạch 115/KH-BCĐ389 ngày 8/12/2023 về thực hiện cao điểm công tác chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả trước trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Riêng đối với các lực lượng như Hải quan, Quản lý thị trường, Công an... ông Trung đề nghị tiếp tục duy trì và nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ công chức, chủ động trong công tác phối hợp, kiểm tra để kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn hiệu quả hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ. Cùng đó, chủ động tổ chức lực lượng, phương tiện nghiệp vụ, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để kiểm soát chặt chẽ các loại hình chế xuất, gia công, sản xuất xuất khẩu; hàng hoá nhập khẩu máy móc thiết bị xây dựng nhà xưởng, dụng cụ y tế, điện thoại di động, linh kiện điện tử các loại…
Ông Đỗ Hùng Trung đặc biệt yêu cầu, lực lượng Quản lý thị trường, Công an, Hải quan cần tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát thị trường trong hoạt động thương mại điện tử, thương mại truyền thống, các kho lưu trữ hàng hoá... để kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm, từ đó, kiến tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.
Khánh An
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|