Chủ công lan toả hàng hoá và hình ảnh Việt Nam ra thế giới

(Banker.vn) Hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đã và đang từng bước trở thành điểm tựa vững chắc cho hàng hóa, doanh nghiệp Việt Nam vươn ra thị trường thế giới.
Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ: Môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam được đánh giá cao Doanh nghiệp ủng hộ và đặt niềm tin vào hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài Doanh nghiệp Ấn Độ muốn đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam Bộ Công Thương nâng cao hiệu quả công tác giao ban xúc tiến thương mại Xuất khẩu thực phẩm, thủy sản sang Singapore: Nắm chắc quy định để tăng trưởng bền vững

Được ví như “cánh tay nối dài” của Bộ Công Thương, trong năm qua, hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài được đánh giá là đã thực hiện khá tốt nhiệm vụ kết nối giao thương, tìm kiếm cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp trong nước vươn xa hơn ra thị trường quốc tế. Song hành với nhiệm vụ chuyên môn, hệ thống Thương vụ đã chủ động phối hợp hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tháo gỡ các rào cản thương mại, từng bước trở thành điểm tựa vững chắc cho doanh nghiệp Việt Nam tại nước ngoài.

Điểm tựa vững chắc cho cộng đồng doanh nghiệp

Hiện Việt Nam đã tham gia ký kết hơn 90 hiệp định thương mại song phương, gần 60 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư; đàm phán, ký kết và thực thi 19 Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới; trong đó 16 FTA đã có hiệu lực với hơn 60 đối tác, phủ rộng khắp các châu lục với tổng GDP chiếm gần 90% GDP toàn cầu, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước dẫn đầu khu vực về tham gia các khuôn khổ hợp tác kinh tế song phương và đa phương. Mở rộng cơ hội để thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá ra thị trường quốc tế.

Chủ công lan toả hàng hoá và hình ảnh Việt Nam ra thế giới
Từ tháng 7/2022 đến nay, Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đã được Bộ Công Thương tổ chức định kỳ hàng tháng với từng chủ đề và chuyên ngành cụ thể

Trước độ mở rất lớn của cơ hội giao thương, phát triển thị trường xuất khẩu, kể từ đầu nhiệm kỳ năm 2021 đến nay, Người đứng đầu Ngành Công Thương - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đặc biệt chú trọng đến công tác hội nhập kinh tế quốc tế. Trong số các giải pháp đã triển khai, từ tháng 7/2022 đến nay, Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đã được Bộ Công Thương tổ chức định kỳ hàng tháng với từng chủ đề và chuyên ngành cụ thể.

Rất nhiều lần Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã trực tiếp chủ trì Hội nghị và có những chỉ đạo tới các Thương vụ trong việc chủ động nghiên cứu, đánh giá, tổng hợp tình hình thị trường và các cơ chế chính sách mới về kinh tế, thương mại, đầu tư của nước sở tại để kịp thời cung cấp thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ tới các địa phương, hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm... Đặc biệt, Bộ trưởng cũng chỉ đạo hệ thống Thương vụ phối hợp với các đơn vị liên quan làm tốt chế độ cung cấp thông tin cho báo chí về tình hình và kết quả hoạt động ở các nước sở tại.

Hiện nay, hệ thống Thương vụ tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài bao gồm 61 Thương vụ và Chi nhánh Thương vụ. Trong đó, khu vực châu Á- châu Phi có 28 Thương vụ và 4 Chi nhánh (kể cả 2 Thương vụ là Iraq và Liban chưa triển khai); khu vực châu Âu - châu Mỹ có 26 Thương vụ và 3 Chi nhánh. Ngoài ra có 1 Phái đoàn Việt Nam tại WTO và 3 Văn phòng Xúc tiến thương mại (1 Trung tâm giới thiệu sản phẩm tại Mỹ và 2 Văn phòng Xúc tiến thương mại tại Trung Quốc).

Thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo Bộ Công Thương giao, trong năm 2023, hệ thống các Thương vụ Việt Nam đã chủ động, tích cực phối hợp với các đơn vị chức năng trong Bộ triển khai hàng loạt các hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp trong nước và tại địa bàn phụ trách.

Điển hình, tháng 6/2023, lô vải thiều tươi của Bắc Giang đã được triển khai bán đồng loạt tại nhiều siêu thị và chợ châu Á lớn nhất tại TP. Houston, Texas (Hoa Kỳ) sau các nỗ lực kết nối của Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston - Texas và sự phối kết hợp của các doanh nghiệp gốc Việt tại thị trường Mỹ. Tiếp đó, vào tháng 7/2023, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao đã kết hợp với Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan và Tập đoàn ThaiBev đã tổ chức sự kiện Hương vị Việt Nam (Tasting Vietnam) tại Bangkok (Thái Lan).

Gần đây nhất, Thương vụ Việt Nam tại Algeria đã phối hợp với hệ thống siêu thị Carrefour tại Algeria tổ chức hoạt động giới thiệu và quảng bá các sản phẩm của Việt Nam là cà phê và phi lê cá tra-basa tại đại siêu thị Carrefour thuộc Trung tâm thương mại City Center. Đây là một trong những hoạt động quan trọng với đích nhắm tới người tiêu dùng Algeria và những nước lân cận trong khu vực, từ đó gia tăng cơ hội xuất khẩu với hàng hóa Việt Nam.

Chủ công lan toả hàng hoá và hình ảnh Việt Nam ra thế giới
Chủ công lan toả hàng hoá và hình ảnh Việt Nam ra thế giới

Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ đồng hành cùng các Hiệp hội, doanh nghiệp trong nước tại chương trình xúc tiến thương mại trong khuôn khổ Hội chợ Sourcing at Magic (Magic Show) lần thứ 16 tại Hoa Kỳ diễn ra đầu tháng 8/2023

Chia sẻ về hiệu quả của các Hội nghị Giao ban xúc tiến thương mại do Bộ Công Thương tổ chức, ghi nhận từ thị trường Hoa Kỳ, ông Đỗ Ngọc Hưng - Trưởng cơ quan Thương vụ, Tham tán thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ - cho hay, sau hàng loạt các hoạt động quảng bá, xây dựng hình ảnh, định hướng tiêu dùng mà Thương vụ đã triển khai tại Hoa Kỳ, các sản phẩm của Việt Nam đang dần tìm được chỗ đứng và được người tiêu dùng bản địa biết đến.

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước, ông Tô Hoài Nam - Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng đánh giá, thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp đứng trước nhiều sức ép nhưng với sự trợ sức tích cực của cơ quan thương vụ, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đã phục hồi nhanh chóng.

Có thể nói, thông qua chuỗi hoạt động xúc tiến xuất khẩu và cùng sự hỗ trợ nhiệt tình của các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, hàng Việt Nam không chỉ có chỗ đứng vững chắc tại các thị trường lớn, tiêu chuẩn cao như: Hoa Kỳ, EU, Pháp... mà từng bước thâm nhập vào các thị trường ngách, dù nhỏ nhưng tiềm năng còn rất lớn.

Những đóng góp tích cực

Những năm qua, hệ thống Thương vụ đã có những đóng góp tích cực vào xây dựng chính sách thương mại để phát triển quan hệ thương mại, công nghiệp giữa Việt Nam với nước sở tại, mở rộng thị trường ngoài nước; tích cực tham gia các hoạt động đàm phán, ký kết nhiều FTA thế hệ mới; cung cấp nhiều thông tin về thị trường cho các bộ, ngành và các doanh nghiệp...

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế trong nước, hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, cũng như Tham tán thương mại được ví như những “sứ giả kinh tế” mang hàng Việt đi khắp thế giới, là chỗ dựa vững chắc cho doanh nghiệp trong nước giải quyết tranh chấp, đấu tranh với đối tượng lừa đảo.

Chính bởi những vai trò đặc biệt đó, Tham tán thương mại nói riêng, Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài gặp không ít khó khăn trong triển khai công tác. Ông Bùi Trung Thướng - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ cho hay, khi đã khám phá, chinh phục được thị trường, câu chuyện kết nối với trong nước cũng không dễ dàng, thậm chí rất khó khăn. "Chúng tôi là chiến sỹ đặc công khi khai phá thị trường, nhưng chúng tôi cần hậu phương vững chắc và cần doanh nghiệp nhanh chóng chớp lấy cơ hội, tránh để doanh nghiệp nước khác tận dụng khoảng trống đó" - ông Bùi Trung Thướng chia sẻ.

Dù khó khăn, thách thức nhưng sự nỗ lực của hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đã được minh chứng qua độ phủ của hàng Việt trên toàn thế giới và qua kết quả xuất nhập khẩu tăng theo hàng năm. Năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 683 tỷ USD, cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng dư ước đạt 26 tỷ USD, tăng gần gấp 3 lần năm 2022. Với kết quả này, hệ thống các Thương vụ luôn là “địa chỉ” đáng tin cậy của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình chinh phục thị trường thế giới.

Năm 2024, thương mại toàn cầu dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, do vậy, để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu, đòi hỏi sự kết nối, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn giữa hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp và người sản xuất.

Đặc biệt, để tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu, hệ thống các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cần chủ động hơn nữa trong nắm bắt, phân tích, đánh giá chính sách nước sở tại; tham mưu về các vấn đề mang tính chất chiến lược và đề xuất những phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời để bảo đảm quyền lợi của đất nước, của doanh nghiệp trong hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời, tăng cường kết nối, thúc đẩy hợp tác, thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp trong nước, đặc biệt là những ngành công nghiệp có tính chất nền tảng.

Vai trò của hệ thống các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài được ví như những "cây cầu" vững chắc kết nối doanh nghiệp trong nước trong công tác xúc tiến, mở rộng thị trường xuất khẩu. Từ những chỉ đạo sát sao của Chính phủ cùng những giải pháp quyết liệt, kịp thời của Bộ Công Thương, những "cây cầu" này đã trở thành điểm tựa vững chắc cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước vươn xa ra thế giới.

Nguyễn Hằng

Theo: Báo Công Thương