Nhiều dấu ấn tích cực trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Truyền cảm hứng và niềm tin cho người tiêu dùng ‘Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn’ để bảo vệ quyền của người tiêu dùng |
Trao đổi với Báo Công Thương, bà Đại Khả Quỳnh, Trưởng ban Sở hữu trí tuệ, Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) nhấn mạnh, việc ngăn chặn hàng giả, hàng nhái là trách nhiệm của các ban, ngành, quản lý thị trường. Tuy nhiên, chính nhận thức của người tiêu dùng mới là biện pháp hữu hiệu nhất.
Bà Đại Khả Quỳnh, Trưởng ban Sở hữu trí tuệ, Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) |
Phóng viên (PV): Bà đánh giá như thế nào về tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ với ngành hàng xe máy, phụ tùng xe máy?
Bà Đại Khả Quỳnh: Xe máy là phương tiện di chuyển phổ biến của người dân tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Cùng với tốc độ tăng trưởng của thị trường, ngành công nghiệp sản xuất xe máy cũng phải đối mặt với vấn nạn về hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ là xe điện, xe máy, phụ tùng xe máy.
Đây là tình trạng rất đau đầu không chỉ đối với người tiêu dùng mà còn đối với nhà sản xuất.
Với mục đích trục lợi, các đơn vị sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đã bỏ qua các chi phí đầu tư để phát triển thương hiệu, chất lượng, kiểu dáng sản phẩm, thay vào đó lợi dụng tên tuổi và sự đầu tư sẵn có của các nhà sản xuất khác để sản xuất, kinh doanh các sản phẩm làm giả, làm nhái của mình.
Ngoài ra, cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, việc kinh doanh hàng giả, hàng nhái hiện không chỉ tồn tại ở thị trường truyền thống mà còn xuất hiện trên các nền tảng thương mại điện tử.
PV: Ảnh hưởng của tình trạng này như thế nào, thưa bà?
Bà Đại Khả Quỳnh: Vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đối với các mặt hàng phụ tùng, phụ kiện xe máy không những ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn tính mạng của người sử dụng.
Ở góc độ kinh tế, hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang làm phương hại rất lớn đến cả lợi nhuận và uy tín của những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính, tạo tác động tiêu cực đến quyết định đẩy mạnh đầu tư của các doanh nghiệp này.
Cơ quan chức năng kiểm tra cửa hàng bán phụ tùng máy tại TP. Hồ Chí Minh |
PV: Theo bà, đâu là khó khăn trong công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với ngành hàng này?
Bà Đại Khả Quỳnh: Vì xe máy được lắp từ nhiều bộ phận khác nhau, với một số lượng lớn các phương tiện xe máy đang được người tiêu dùng sử dụng, đồng nghĩa với một số lượng lớn phụ tùng cần thay thế, đã tạo cơ hội tồn tại cho các sản phẩm hàng giả, hàng kém chất lượng.
Các bộ phận đảm bảo sự an toàn cơ bản cho người sử dụng phương tiện như nhông, xích xe máy, gương chiếu hậu, nan hoa, quả xi nhan, má phanh cơ, đĩa, khóa điện, cuộn nổ, phanh tay, bộ lọc gió... thường bị làm giả nhiều nhất.
Mặt khác, do thói quen người tiêu dùng, thay vì đến các đại lý hay trung tâm bảo hành chính hãng, họ lại tìm đến các cửa hàng sửa chữa gần nhà để thay thế. Khi sửa chữa chỉ báo với thợ là hỏng phụ tùng gì thì thợ thay cho cái đó, chứ bản thân không biết phụ tùng được thay là loại gì và sản xuất ở đâu, có đảm bảo chất lượng hay không? Các phụ tùng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ lại có giá thành rẻ hơn các sản phẩm chính hãng, phù hợp với túi tiền nhiều người dân.
Tuy nhiên, chính thói quen đó đã nhiều người chịu cảnh "tiền mất tật mang" bởi chỉ sau một thời gian ngắn, xe lại bắt đầu có những "triệu chứng" hư hỏng nặng hơn do phụ tùng giả, nhái chất lượng kém, độ bền thấp.
PV: Người tiêu dùng có thể phân biệt hàng chính hãng, hàng nhái qua dấu hiệu nào?
Bà Đại Khả Quỳnh: Cũng như các mặt hàng khác, nếu người tiêu dùng để ý, có sự quan tâm sẽ dễ dàng phân biệt được qua các dấu hiệu sau:
Thứ nhất, là bao bì và hộp đóng gói phụ tùng xe máy chính hãng được đóng gói cẩn thận, chỉn chu với đầy đủ thông tin của nhà sản xuất như nhãn hiệu, mã sản phẩm, giá thành…
Thứ hai, là mã vạch, tem nhãn mã vạch đầy đủ thông tin theo quy định pháp luật, có mã QR để người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc hàng hóa.
Ngoài ra, hàng giả, hàng nhái có thể có đặc điểm như mã số/mã vạch phụ tùng và tên phụ tùng trên nhãn khớp nhau nhưng sản phẩm thực tế không đúng với tên ghi trên nhãn.
Thứ ba, là qua các đặc điểm của chính sản phẩm như màu sắc, chất liệu, độ hoàn thiện… So với hàng giả, sản phẩm chính hãng có chất liệu tốt, độ hoàn thiện về màu sơn và chi tiết cao hơn.
Chẳng hạn mép cắt hay mối hàn được làm gọn gàng, sắc nét, nước sơn đồng đều và chất lượng cao, vật liệu chế tạo đạt chuẩn…
Hoặc đối với phụ tùng má phanh SYM chính hãng có màu đỏ, bố phanh màu xám, logo SYM được khắc sắc nét, có dập số quản chế; còn hàng giả, hàng nhái sẽ có màu khác và logo SYM mờ, không nét, không có số quản chế.
Phụ tùng sửa xe máy làm giả tinh vi có cả tem mã vạch của hãng tại Phòng trưng bày hàng giả hàng thật của Tổng cục Quản lý thị trường |
PV: Hiện nay, VAMM đang triển khai các biện pháp nào để chống hàng giả, ngăn chặn vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trên thị trường Việt Nam?
Bà Đại Khả Quỳnh: Trong những năm qua, VAMM đã tích cực triển khai các hoạt động khảo sát thị trường để kịp thời phát hiện hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ để báo cáo hoặc thông tin cho cơ quan chức năng kịp thời xử lý hành vi vi phạm.
Việc khảo sát không chỉ trên thị trường truyền thống mà trên sàn thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phối hợp giữa các lực lượng để nâng cao kiến thức, từ đó dễ dàng nhận biết được hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.
Tuyên truyền để nâng cao ý thức của người tiêu dùng, giúp họ nói không với hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. Chúng tôi cũng mong muốn người tiêu dùng ý thức được hàng giả, hàng nhái ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn của người dùng. Vì thế, khi có sự phân vân không phân biệt được hàng giả, hàng nhái thì tốt nhất nên đến các cơ sở chính hãng để được cung cấp những phụ tùng chính hãng.
PV: Thời gian qua, việc hợp tác giữa VAMM và cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đã được thực hiện như thế nào, thưa bà?
Bà Đại Khả Quỳnh: Hiện nay, vấn nạn xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ diễn ra tinh vi hơn thông qua các kênh thương mại điện tử. Với mục tiêu đảm bảo thị trường sản xuất xe máy, VAMM đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để ngăn chặn các hành vi vi phạm.
Trong những năm qua, các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam đã phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm về sở hữu trí tuệ, trong đó không ít các vụ việc liên quan đến ngành công nghiệp xe máy.
Năm 2023, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) và VAMM đã ký kết quy chế phối hợp.
Qua đó, Hiệp hội tiếp tục trao đổi thông tin về những nhãn hiệu của các doanh nghiệp thành viên, đồng thời phối hợp tổ chức các buổi hội thảo, đào tạo nhằm hỗ trợ hiệu quả cho các cơ quan chức năng trong việc thực hiện nhiệm vụ chống hàng giả.
Ngoài ra, thông qua các hoạt động trưng bày nhận diện hàng thật, hàng giả của Tổng cục Quản lý thị trường đã giúp người tiêu dùng có thêm kênh thông tin để nhận biết hàng thật, hàng giả, nâng cao nhận thức trong việc lựa chọn sản phẩm hàng hóa.
Chúng tôi xác định phòng chống hàng giả, hàng nhái, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là hoạt động không ngừng nghỉ. Do đó mong muốn không chỉ có phía doanh nghiệp mà cần có sự phối hợp tổng thể của cả doanh nghiệp, người tiêu dùng và cơ quan chức năng.
Xin cảm ơn bà!
Nguyên Thảo
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|