Những kết quả cụ thể và thực tế từ sự phục hồi tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh xuất hiện nhiều khó khăn thách thức, đã cho thấy hiệu quả của chương trình phục hồi kinh tế của Chính phủ và hiệu quả các giải pháp điều hành, trong đó có chính sách tiền tệ tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), với những dấu ấn về ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và sự phục hồi mạnh mẽ của doanh nghiệp. Dưới góc độ ngân hàng, kết quả đó phản ánh trên các phương diện chính sau:
Thứ nhất, kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ trong 5 tháng đầu năm tiếp tục ổn định, trong bối cảnh giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu đầu vào tăng và giá xăng dầu tăng mạnh ở mức cao, tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu thụ hàng hóa. Song lạm phát trong 5 tháng đầu năm vẫn được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng tăng 2,86% so với cùng kỳ năm trước. Các yếu tố thị trường như lãi suất, tỷ giá vẫn tương đối ổn định và diễn biến theo định hướng điều hành của NHTW. Đây là kết quả nổi bật, quan trọng và ấn tượng nếu đặt trong bối cảnh giai đoạn 10-15 năm trước, mỗi khi giá xăng dầu tăng; giá vàng biến động và tăng cao sẽ tác động ngay đến tỷ giá và thị trường ngoại hối, cũng như tạo áp lực lớn đến lãi suất và gây ảnh hướng đến tính ổn định của thị trường tiền tệ, hoạt động ngân hàng và kinh tế vĩ mô. Liên hệ đến giai đoạn hiện nay, mặc dù giá dầu và giá vàng tăng cao, các thị trường tài chính thế giới biến động, nhưng thị trường tiền tệ và kinh tế vĩ mô trong nước vẫn ổn định và duy trì xu hướng ổn định. Chính sách chống đô la hóa, vàng hóa tiếp tục phát huy hiệu quả. Hiện nay, tỷ trọng dư nợ cho vay ngoại tệ chỉ chiếm khoảng 7% trong tổng dư nợ tín dụng; huy động vốn bằng ngoại tệ chỉ chiếm khoảng 8% trong tổng huy động vốn của các TCTD. Đây là tỷ lệ thấp nhất trong suốt thời gian qua, phản ánh chủ trương chống đô la hóa, vàng hóa trúng, đúng và phát huy hiệu quả, đồng thời hạn chế rất nhiều những tác động ảnh hưởng mỗi khi đồng đô la, vàng biến động.
Thứ hai, kinh tế tăng trưởng với sự phục hồi nhanh và trở lại hoạt động bình thường của doanh nghiệp. Trong đó, một số ngành, lĩnh vực tăng trưởng tốt sau khi dịch bệnh được kiểm soát, là thực tế chứng minh cho các giải pháp tài chính tiền tệ của Chính phủ, của NHNN, đặc biệt là chính sách cơ cấu lại nợ nhưng giữ nguyên nhóm nợ; miễn giảm lãi suất cho vay và cho vay mới với lãi suất thấp (theo cơ chế Thông tư 01, Thông tư 03 và Thông tư 14) đã trực tiếp giúp doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh vượt qua khó khăn để phục hồi và tăng trưởng. Việc dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo các thông tư này, giảm mạnh (ví dụ, tại địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giảm trên 27% ) so với tháng 10/2021, là khoảng thời gian thực hiện Thông tư 14 và doanh nghiệp bắt đầu dần hoạt động trở lại, khôi phục lại sản xuất kinh doanh – là kết quả thực tế chứng minh sự phục hồi nhanh chóng của doanh nghiệp, doanh nghiệp đã có thu nhập, có dòng tiền và trả nợ vay ngân hàng, đồng thời phản ánh hiệu quả của chính sách.
Trên đây là những kết quả quan trọng và có ý nghĩa toàn diện đối với nền kinh tế. Chỉ có ổn định kinh tế vĩ mô mới đảm bảo các chính sách và các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát huy hiệu quả và trên hết bảo đảm kết quả tăng trưởng kinh tế và tiếp tục tạo động lực cho tăng trưởng, cho sự phát triển của doanh nghiệp. Chính vì lẽ đó, kết quả này cần tiếp tục củng cố và duy trì trong những tháng tiếp theo và cả năm 2022. Trong đó, đối với ngành Ngân hàng, tiếp tục thực hiện hiệu quả các mục tiêu chính sách tiền tệ và các giải pháp tiền tệ tín dụng ngân hàng của NHNN trong năm 2022 về định hướng và tăng trưởng tín dụng; đảm bảo chất lượng tăng trưởng, kiểm soát nợ xấu và phát triển dịch vụ ngân hàng. Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm các quy định về lãi suất, tỷ giá, tín dụng và bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng. Phát triển dịch vụ ngân hàng và kiểm soát tốt chi phí để giữ ổn định lãi suất cho vay; khai thác và sử dụng vốn hiệu quả, tập trung vốn cho những ngành lĩnh vự ưu tiên và là động lực tăng trưởng kinh tế…; từ đó sẽ hỗ trợ và thực hiện tốt chính sách tiền tệ của NHNN, đảm bảo thực hiện mục tiêu kép: giữ ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế trong điều kiện xuất hiện nhiều khó khăn thách thức và tiềm ẩn những diễn biến khó lường, bất định từ xung đột địa chính trị và lạm phát tại nhiều nước trên thế giới. Với ý nghĩa đó, đối với các TCTD trong vai trò là định chế tài chính trung gian, đáp ứng nhu cầu vốn, dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế, cần quan tâm và thực hiện trách nhiệm, nhiệm vụ của TCTD, thượng tôn pháp luật để bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và tăng trưởng hiệu quả, góp phần thực hiện thành công cơ chế chính sách và các giải pháp tiền tệ tín dụng của NHNN năm 2022, trong đó thực hiện tốt Nghị quyết 11 của Chính phủ, với tính thần đoàn kết, trách nhiệm, năng động, sáng tạo vì sự phát triển của ngành, của nền kinh tế và vì lợi ích của doanh nghiệp của người dân để tăng trưởng và phát triển bền vững.
Nguyễn Đức Lệnh -
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|