Chính phủ Trung Quốc nỗ lực kích thích tăng trưởng kinh tế

(Banker.vn) Nền kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu suy yếu kể từ tháng 4 sau khi có được kết quả quý đầu tiên của năm đáng nể, khi GDP tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Sang quý II, GDP của quốc gia này chỉ tăng 0,4%, do các yếu tố bao gồm việc phong tỏa để phòng, chống dịch COVID-19 ở các thành phố lớn và sự suy thoái trong khu vực bất động sản.

Tháng trước, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC)  – Ngân hàng Trung ương của Trung Quốc đã gây bất ngờ cho thị trường khi cắt giảm lãi suất đáng kể: cả lãi suất vay một năm (MLF) và lãi suất Repo đảo ngược 7 ngày đều bị hạ 10 điểm cơ bản. Chỉ sau đó 1 tuần, một lần cắt giảm lãi suất khác diễn ra khi lãi suất cho vay cơ bản (LPR) 5 năm và 1 năm lần lượt bị cắt giảm 15 và 5 điểm cơ bản.

Khôi phục niềm tin kinh doanh là mục tiêu chính

Việc cắt giảm lãi suất gần đây của Trung Quốc là bất ngờ đối với hầu hết các nhà phân tích vì các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đang trong chu kỳ tăng lãi suất trong những tháng gần đây và chỉ số giá tiêu dùng tháng 7/2022 của Trung Quốc tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái cho thấy áp lực lạm phát mạnh hơn. Thị trường kỳ vọng ngân hàng trung ương sẽ sử dụng các công cụ tiền tệ cơ cấu, chẳng hạn như bổ sung thanh khoản hoặc cắt giảm lãi suất cho các lĩnh vực được chọn, thay vì giảm lãi suất chung chung.

Theo các nhà nghiên cứu Sarah Y. Tong và Li Yao của trường Đại học Quốc gia Singaporre, việc cắt giảm lãi suất là hợp lý, vì nó giúp khôi phục niềm tin kinh doanh sau khi công bố dữ liệu vĩ mô đáng lo ngại cho tháng 7. Tổng tài chính xã hội (không bao gồm các tổ chức tài chính) đã giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái, từ 1,08 nghìn tỷ xuống 756 tỷ Nhân dân tệ (108 tỷ USD), mức thấp kỷ lục hàng tháng mới trong sáu năm.

Điều này cho thấy sự sẵn lòng đi vay và lượng vay thực tế vẫn còn yếu mặc dù các nỗ lực chính sách trước đây của cơ quan quản lý tiền tệ.

Tiếp tục tẩy chay vay nhà thế chấp

Một dấu hiệu khác của rắc rối kinh tế là sự lan rộng nhanh chóng của các cuộc tẩy chay vay thế chấp trong tháng 7, liên quan đến các dự án ở 26 tỉnh và thành phố, làm dấy lên lo ngại về rủi ro có thể xảy ra trong khu vực tài chính.

Vào tháng 7, giá nhà của Trung Quốc đã giảm tháng thứ 11 liên tiếp. Việc cắt giảm lãi suất đóng vai trò là một hỗ trợ chính sách mạnh mẽ cho lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn.

Trong khi đó, ngân hàng trung ương duy trì quan điểm thận trọng trong việc mở rộng thanh khoản, đồng thời thực hiện các biện pháp để giảm chi phí tài chính cho các hộ gia đình và doanh nghiệp. Ngày 15/8, khi các khoản vay trung hạn 1 năm trị giá 600 tỷ Nhân dân tệ (86 triệu USD) đáo hạn, bằng việc thực hiện nghiệp vụ của mình, PBoC rút ròng 200 tỷ Nhân dân tệ khỏi hệ thống ngân hàng.

Hoạt động vay mượn suy giảm

Yếu kém cơ bản trong hoạt động tài trợ xã hội là nhu cầu đầu tư và tiêu dùng chưa đủ, do lợi nhuận của doanh nghiệp và triển vọng thu nhập của người dân không chắc chắn.

Vào tháng 7/2022, M2, một thước đo cung tiền đã giảm 337 tỷ Nhân dân tệ (48 tỷ USD) so với mức tăng trung bình 3,3 nghìn tỷ Nhân dân tệ trong nửa đầu năm. Việc cắt giảm các khoản cho vay mới của các hộ gia đình và doanh nghiệp là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến sự sụt giảm cân bằng cung tiền.

Trong khi đó, rủi ro đang gia tăng khi nguồn vốn và thanh khoản nhàn rỗi trong hệ thống tài chính, do nhu cầu tín dụng từ lĩnh vực bất động sản suy giảm. Nguồn tài trợ tín phiếu ngắn hạn của 4 ngân hàng quốc doanh và các ngân hàng lớn trong nước đã tăng lần lượt lần lượt là 148,0% và 102,7% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 7/2022, trong khi tốc độ tăng cho vay ngắn hạn và dài hạn từ các ngân hàng này đều giảm. Trong cùng tháng, tăng trưởng cho vay cũng giảm đáng kể (mức âm) đối với các ngân hàng vừa và nhỏ, cho thấy nhu cầu tín dụng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp tục suy yếu.

Giảm chi phí đi vay và tiếp tục hỗ trợ có mục tiêu

Các nhà nghiên cứu của Trường Đại học Quốc gia Singapore kỳ vọng PBoC sẽ đẩy nhanh việc thực hiện các chính sách cơ cấu hiện hành, chẳng hạn như tăng thêm thanh khoản cho các lĩnh vực cụ thể, tăng cường mở rộng tín dụng có mục tiêu cho các DNVVN, đặc biệt là các DNVVN và các chính sách liên quan đến nông nghiệp và định hướng đổi mới công nghệ.

Ví dụ, cuộc họp điều hành của Hội đồng Nhà nước vào tháng 6 lần đầu tiên đã quyết định dành 300 tỷ nhân dân tệ (43 tỷ USD) cho các công cụ tài chính phát triển dựa trên chính sách (PDFI) để tăng tốc tài trợ cho các dự án của chính quyền địa phương. Vào tháng 8, chính phủ đã thông báo bổ sung 800 tỷ nhân dân tệ tín dụng cho các ngân hàng chính sách để hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng. Một mức tăng khác hơn 300 tỷ nhân dân tệ đã được bổ sung vào cuối tháng.

Chính sách tiền tệ của Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục nhằm mục đích kích thích nhu cầu vay và giúp các tổ chức tài chính mở rộng cấp tín dụng cho những người đi vay mục tiêu.

Hỗ trợ cấp vốn tài trợ cho chính quyền địa phương

Tháng 3/2022, PBoC thông báo sẽ chuyển lợi nhuận hơn 1,1 nghìn tỷ Nhân dân tệ cho chính phủ trung ương. Số tiền này sẽ được sử dụng để đẩy nhanh việc thực thi chính sách bao gồm cả việc hoàn thuế VAT và các chính sách tài khóa mở rộng khác. Theo ước tính của PboC, trong nửa đầu năm 2022, cơ quan này đã thực hiện được hơn 900 tỷ nhân dân tệ (129 tỷ USD), tương đương với mức bơm thanh khoản từ việc giảm 0,45 điểm phần trăm tỷ lệ dự trữ bắt buộc.

Lợi nhuận do ngân hàng trung ương chuyển giao có thể trực tiếp đến tay các bên trong kế hoạch mà không cần thông qua chu trình tạo tiền truyền thống. Quan trọng hơn, việc bơm tiền này giúp bổ sung tài chính cho chính quyền địa phương mà không làm tăng mức nợ, cho phép chính quyền địa phương thực hiện các chính sách cắt giảm thuế và bảo vệ việc làm, đồng thời bổ sung dòng tiền cần thiết vào khu vực thực tế.

Một đổi mới gần đây là việc sử dụng PDFI (các công cụ tài trợ phát triển và dựa trên chính sách), một công cụ chính sách tiền tệ mới được công bố lần đầu tiên vào tháng 6, nhằm cung cấp tài chính nhanh chóng cho các dự án cơ sở hạ tầng do chính phủ hỗ trợ. Đặc biệt, PDFI cung cấp các quỹ khởi động hoặc cầu nối thông qua các quỹ cơ sở hạ tầng, có thể nhanh hơn đáng kể so với việc phát hành trái phiếu chính quyền địa phương.

Hiện tại, PDFI chủ yếu tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng dựa trên mạng lưới giao thông, năng lượng và thủy lợi trong khi các dự án địa phương khác như đổi mới khoa học và công nghệ dự kiến ​​sẽ được tài trợ bởi trái phiếu đặc biệt của chính quyền địa phương.

Trong những tháng tới, chính phủ phải cung cấp thêm nguồn vốn để giúp đảo ngược tình trạng suy thoái kinh tế trong những tháng gần đây. Khoản bơm tài khóa từ việc nộp lợi nhuận của ngân hàng trung ương sẽ sớm cạn kiệt và hạn ngạch phát hành trái phiếu chính quyền địa phương sẽ sớm được sử dụng.

Tác động của việc cắt giảm lãi suất vẫn chưa hiện thực hóa và những rủi ro tài chính liên quan đến lĩnh vực bất động sản suy thoái còn lâu mới được giải quyết. Nhiều biện pháp nới lỏng tiền tệ được kỳ vọng sẽ được công bố, đặc biệt là những biện pháp nhằm tăng cường mở rộng tài khóa trong thời gian còn lại của năm.

(Nguồn: Brinknews)

Vân Anh

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ