Chiêu trò “cắt cổ” khách hàng vay tiền qua app của nhóm tội phạm vừa bị C.A Hà Nội triệt phá

(Banker.vn) Khi nhận tiền vay, người vay sẽ bị cắt lãi ngay lập tức. Nếu người vay không trả được gốc như cam kết sẽ bị nhân lên theo tháng, lãi mẹ đẻ lãi con lên tới 1.500 - 2.190%/năm.

Truy bắt và làm rõ 300 đối tượng

Phòng Cảnh sát hình sự - Công an thành phố Hà Nội phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an và các đơn vị nghiệp vụ của CATP vừa triệt phá một đường dây cho vay lãi nặng qua app và đòi nợ thuê có quy mô xuyên quốc gia, liên quan đến gần 300 đối tượng, trong đó có các đối tượng là người nước ngoài.

Danh tính kẻ cầm đầu đường dây này bước đầu được cơ quan chức năng xác định là Nguyễn Quang Vũ (SN 1987, trú tại Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội). Bên cạnh còn có đối tượng quản lý phụ trách toàn bộ hệ thống đòi nợ tại Việt Nam là Zhang Min (Mẫn), SN 1986, người Trung Quốc. Nhiệm vụ của Mẫn là chịu trách nhiệm quản lý, đốc thúc các trưởng bộ phận đòi nợ của khách hàng.

Quá trình đấu tranh, khai thác, các đối tượng trong đường dây khai nhận: Tính đến thời điểm hiện tại, số lượng khách hàng vay qua hệ thống 3 app trên khoảng gần 1 triệu người. Mỗi tháng, số tiền các đối tượng giải ngân cho vay khoảng 100 tỷ đồng.

Để có được số lượng khách hàng dồi dào, các đối tượng chạy quảng cáo trên mạng xã hội và thẩm định hồ sơ khách hàng. Khách được coi là uy tín thường làm công việc cố định, danh bạ điện thoại là những người cũng có nhân thân rõ ràng.

Khi nhận tiền vay, người vay sẽ bị cắt lãi ngay lập tức. Nếu người vay không trả được gốc như cam kết sẽ bị nhân lên theo tháng, lãi mẹ đẻ lãi con lên tới 1.500 - 2.190%/năm.

Cũng theo thông tin từ lực lượng chức năng, đường dây này nguy hiểm hơn ở chỗ, nhiều trường hợp khách hàng đã chi trả cả tiền gốc và lãi, tuy nhiên, các đối tượng lại tiếp tục chuyển tiền vào tài khoản, ép khách phải vay…

Được biết, lực lượng chức năng đồng loạt triệt phá 7 cơ sở của đường dây cho vay nặng lãi này ở Hà Nội, Vĩnh Phúc và Thái Nguyên…

Bóc gỡ chiêu trò “khủng bố” con nợ

Quá trình điều tra ban đầu cho thấy, về phía tổ chức “tín dụng đen”, nhân viên của công ty được tuyển chọn cũng chia làm hai loại: Loại 1 là nhân viên hành chính các bộ phận như kế toán, nhân sự, phát triển thị trường. Những người này yêu cầu về trình độ học vấn cao.

Trang thiết bị của đường dây

Còn loại 2 là những nhân viên bộ phận truy thu, thường là các đối tượng có tiền án tiền sự, nhân thân xấu, thậm chí là thành phần xã hội cộm cán, giang hồ, hoặc có kinh nghiệm trong việc đòi nợ thuê.

Tất nhiên, nhiệm vụ của các đối tượng được phân cấp loại 2 chỉ đơn giả là đi truy thu, đòi nợ. Để việc đòi nợ hiệu quả, các đối tượng không từ bất cứ thủ đoạn hay “đòn bẩn” nào.

Theo đó, không chỉ đe dọa, khủng bố, tấn công con nợ, các đối tượng phụ trách truy thu được phân cấp từ M0 - M3 thậm chí cắt ghép ảnh “nóng” của khách hàng và bạn bè, người thân của họ, tung lên mạng xã hội nhằm bôi nhọ danh dự, tạo áp lực.

Thực tế cho thấy, nhiều người dù không hề vay tiền, dính dáng gì tới “tín dụng đen” nhưng vẫn bị những đối tượng lạ mặt gọi điện, đe dọa, khủng bố tinh thần chỉ đơn giản là họ có tên trong danh bạ điện thoại của người vay tiền những tổ chức như thế này.

“Nhiều vụ việc nạn nhân không vay tiền, nhưng bị tung ảnh lên mạng Internet nhằm khủng bố tinh thần, buộc bản thân những người này phải thúc giục con nợ của chúng trả tiền để được… yên thân”, thông tin từ cơ quan chức năng cho hay.

Nhằm ngăn chặn, triệt xóa đường dây “tín dụng đen”, trả lại môi trường bình yên cho người dân, chuyên án được xác lập, đơn vị đã vào cuộc quyết liệt, huy động cán bộ chiến sĩ phối hợp chặt chẽ cùng với Phòng Cảnh sát hình sự và các Phòng nghiệp vụ của CATP triệt phá đường dây có tổ chức này trong thời gian sớm nhất, không để tình trạng các đối tượng sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi phạm tội.

Hiện cơ quan CSĐT - CATP Hà Nội đang tiếp tục đấu tranh, làm rõ vụ việc.

Nguyễn Bắc

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán