Chiều 20/6, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)

(Banker.vn) Chiều 20/6, theo kế hoạch chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) phải đảm bảo tính khả thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi): Đảm bảo hài hòa quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp Sáng 26/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trườngchủ trì, phối hợp cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan quán triệt, bám sát các mục tiêu chính sách, quan điểm và yêu cầu đối với dự án Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, tiếp tục tổ chức hội thảo, tọa đàm để có thêm cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc hoàn thiện dự thảo Luật.

Chiều 20/6, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Ngày 15/2/2023, tại phiên họp thứ 20, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật này. Dự thảo Luật cũng đã được cho ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách; gửi xin ý kiến các cơ quan hữu quan.

Dự thảo Luật trình Quốc hội gồm 7 chương, 79 điều. Những nội dung lớn của dự thảo Luật được các đại biểu Quốc hội quan tâm gồm: phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng; nguyên tắc và chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch với cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh; các hành vi bị cấm; xử lý vi phạm; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng.

Mới đây, ngày 26/5, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) tại phiên họp này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 và ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội, cơ quan liên quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát kỹ lưỡng, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo Luật, bảo đảm thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, toàn diện các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết, tham gia và là thành viên, không làm phát sinh thêm các thủ tục hành chính, gây khó khăn, phiền hà và tạo gánh nặng kinh phí bất hợp lý cho tổ chức, cá nhân kinh doanh, người tiêu dùng, cơ quan liên quan, đồng thời bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Theo ông Lê Quang Huy, dự thảo Luật đã có nhiều quy định cụ thể về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch trên không gian mạng đối với các giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng, như quy định việc tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng có các trách nhiệm chung (Chương II); quy định về giao dịch trên không gian mạng, giao dịch trên nền tảng số (Mục 1 Chương III về Giao dịch từ xa).

Đồng thời, bổ sung, hoàn thiện nhiều nội dung và giải pháp để bảo vệ tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng như quy định về trách nhiệm chung của tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng (khoản 2 Điều 39); trách nhiệm cụ thể của tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian (khoản 3 Điều 39); xác thực danh tính tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trên nền tảng số (khoản 3 Điều 39); thực hiện nghĩa vụ nhận ủy quyền của người tiêu dùng trong quá trình giao dịch trên nền tảng số (điểm n khoản 3 Điều 39)…

Ngoài ra, Chương II dự thảo Luật còn có các quy định về trách nhiệm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng, giao kết, chấm dứt hợp đồng, tiếp nhận và xử lý khiếu nại, trách nhiệm đối với sản phẩm, hàng hóa khuyết tật, dịch vụ không bảo đảm chất lượng, không đúng như công bố…; bổ sung Điều 40 về “Trách nhiệm công bố công khai thông tin cảnh báo người tiêu dùng trong giao dịch trên không gian mạng”.

Có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định điều kiện giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng trong thủ tục rút gọn tại điểm c khoản 2 Điều 70; có ý kiến đề nghị bỏ quy định này vì các giao dịch mua bán hàng hóa tiêu dùng thông thường có giá trị lớn hơn 100 triệu đồng rất phổ biến, quy định như dự thảo sẽ khiến các giao dịch trên 100 triệu đồng không được áp dụng thủ tục rút gọn.

Ông Lê Quang Huy cho hay, việc quy định điều kiện giao dịch dưới 100 triệu đồng trong thủ tục rút gọn được kế thừa từ Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành, bảo đảm phù hợp thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế, đảm bảo tính khả thi. Điều kiện “giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng” nhằm nhấn mạnh vào yếu tố đặc thù trong các vụ án tiêu dùng để làm căn cứ áp dụng thủ tục rút gọn trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Song Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để đảm bảo các giao dịch từ 100 triệu đồng trở lên vẫn có thể áp dụng thủ tục rút gọn quy định tại Bộ luật Tố tụng Dân sự, cụ thể khoản 2 Điều 70 được chỉnh sửa theo hướng vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định trong pháp luật về tố tụng dân sự khi đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 317 Bộ luật Tố tụng Dân sự hoặc khi có đủ một số điều kiện cụ thể được quy định trong dự thảo Luật.

Đảm bảo cân bằng quyền lợi của các bên

Trước một số ý kiến đề nghị cần bảo đảm cân bằng giữa quyền, nghĩa vụ của người tiêu dùng với quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh, không làm phát sinh gánh nặng bất hợp lý của tổ chức, cá nhân kinh doanh, ông Lê Quang Huy nêu, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện các quy định nhằm đảm bảo cân bằng quyền lợi của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong mối quan hệ với người tiêu dùng.

Phương án này cũng được Chính phủ thống nhất tại văn bản số 96/CP-PL ngày 31/3/2023. Cụ thể như sau: Thay đổi từ “trách nhiệm” thành “nghĩa vụ” tại Điều 5, rà soát điều chỉnh tương ứng trong các điều, khoản liên quan (Điều 1).

Đồng thời, dự thảo Luật đã hoàn thiện Điều 5 theo hướng phân tách rõ ràng 6 nghĩa vụ của người tiêu dùng; bổ sung một khoản quy định người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mà mình đưa ra, có trách nhiệm bồi thường cho cá nhân, tổ chức kinh doanh nếu có thiệt hại xảy ra từ việc đưa thông tin sai sự thật.

Bên cạnh đó, sửa đổi khoản 2 Điều 39 theo hướng không quy định lại trách nhiệm phải tuân thủ quy định tại các Chương I, II của tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng do các trách nhiệm quy định tại các Chương I, II áp dụng chung cho các đối tượng là tổ chức, cá nhân kinh doanh bao gồm cả các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng. Sửa đổi một số điểm tại khoản 3 Điều 39 để phù hợp với thực tiễn kinh doanh, không làm phát sinh trách nhiệm, chi phí vô lý cho tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Đại biểu Quốc hội Phan Thị Nguyệt Thu - đoàn Hà Tĩnh cho biết, qua nghiên cứu các tài liệu Ban soạn thảo gửi tới các đại biểu, tôi nhận thấy dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã được Ban soạn thảo nghiên cứu, chỉnh lý, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến đóng góp của các đại biểu tại kỳ họp trước.

“Dự thảo luật đã thể hiện tính nhân văn, khẳng định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là góp phần bảo vệ quyền hiến định của mỗi công dân, khắc phục những bất cập, đặc biệt là bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng và các giao dịch xuyên biên giới- đại biểu đoàn Hà Tĩnh nhấn mạnh.

Đại biểu Trần Thị Thu Phước - Kon Tum cũng bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ đối với việc ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập đã đặt ra trong quá trình thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, đồng thời, đảm bảo phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội, khoa học công nghệ và thể chế hóa quan điểm của Đảng, Hiến pháp 2013 về hoàn thiện cơ chế bảo vệ người tiêu dùng, đảm bảo sự phù hợp trong hệ thống pháp luật và các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Theo đại biểu, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khỏi các hành vi lừa dối, trong dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã quy định rõ ràng các trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong việc cung cấp thông tin minh bạch, chính xác và đầy đủ về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng, các biện pháp bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng khi có sự cố xảy ra do hàng hóa có khuyết tật hoặc do thông tin sai lệch, có biện pháp xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có hành vi lừa dối người tiêu dùng.

Quỳnh Nga - Thu Hường

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục