Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 25/2/2024: G7 có thể sử dụng tài sản phong tỏa của Nga viện trợ cho Ukraine

(Banker.vn) Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 25/2/2024: G7 có thể sử dụng tài sản phong tỏa của Nga viện trợ cho Ukraine sau hội nghị thượng đỉnh do Italia chủ trì.
Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 22/2/2024: Văn phòng Tổng thống Ukraine chuẩn bị công bố “điều đặc biệt” Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay 23/2/2024: Động thái mới của Nga ở Crimea; Ukraine cảnh báo “điều bất ngờ” ở Biển Đen Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 23/2/2024: “Xe tăng Abrams” đầu tiên bị hạ trên chiến trường Ukraine

Trong thông cáo báo chí sau hội nghị thượng định trực tuyến do Italia chủ trì bàn thảo về vấn đề hỗ trợ Ukraine, lãnh đạo các quốc gia G7 đã thống nhất sẽ phong tỏa tài sản của Nga cho tới khi Moscow chấp nhận bồi thường xung đột cho Ukraine.

“Tài sản của Nga sẽ bị phong tỏa cho tới khi Moscow bồi thường thiệt hại gây ra cho Ukraine”, trích thông cáo của hội nghị G7.

Các nước G7 đã bày tỏ ý định đảm bảo trách nhiệm giải trình đầy đủ và hỗ trợ Kiev trong việc nhận được bồi thường.

Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 25/2/2024: G7 có thể sử dụng tài sản phong tỏa của Nga viện trợ cho Ukraine
G7 đang tính toán khả năng sử dụng lợi nhuận và tài sản bị phong tỏa của Nga để viện trợ cho Ukraine. Ảnh: Getty

Ngày 12/2, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua nghị quyết về việc đóng băng mọi lợi nhuận từ tài sản của Nga để sử dụng sau này vì lợi ích của Ukraine. Người gửi tiền sẽ không thể tùy ý sử dụng thu nhập từ tài sản của Nga. Nghị định làm rõ việc cấm giao dịch, cũng như tình trạng pháp lý của số tiền thu được và đặt ra các quy định rõ ràng cho các công ty sở hữu chúng.

Tới ngày 17 tháng 2, Bộ Tư pháp Mỹ đã chuyển 500.000 USD từ tài sản bị phong tỏa của Nga sang Estonia. Đây là lần đầu tiên Mỹ chuyển số tiền bị tịch thu của Nga cho một chính phủ nước ngoài với mục đích hỗ trợ Ukraine.

Trong khi đó, các nước G7 tuyên bố rằng họ sẽ ngăn cản Nga nhận thanh toán từ xuất khẩu nguyên liệu thô và tài nguyên năng lượng, cũng như từ chế phẩm dầu mỏ và luyện kim.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục gây áp lực đáng kể lên nguồn thu năng lượng và hàng hóa khác của Nga”, trích tuyên bố của G7.

Các nước G7 cũng có ý định thực hiện các biện pháp thắt chặt và thực thi trần giá dầu. Các nhà lãnh đạo G7 nhấn mạnh, việc vi phạm các quy định trên có thể dẫn đến các biện pháp trừng phạt mới dành cho Nga.

Hiện tại, G7 có ý định cản trở các dự án năng lượng trong tương lai của Nga và sự phát triển các giải pháp thay thế trong vận chuyển năng lượng để xuất khẩu.

Các nước G7 cũng tuyên bố sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp chống lại các nước thứ ba giúp đỡ Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine: “Chúng tôi sẽ tiếp tục hành động chống lại các thực thể và quốc gia thứ thứ ba hỗ trợ vật chất cho cuộc xung đột của Nga, bao gồm cả việc áp dụng các biện pháp bổ sung đối với các thực thể ở nước thứ ba ở mức thích hợp”.

G7 kêu gọi các tổ chức tài chính trên thế giới ngừng hỗ trợ các hoạt động quân sự của Nga và đe dọa trả đũa nếu phát hiện các vi phạm.

Các quốc gia G7 cũng phản đối hoạt động xuất khẩu của Triều Tiên sang Nga và việc Moscow mua tên lửa đạn đạo từ Bình Nhưỡng; nhấn mạnh rằng những hành động như vậy là vi phạm trực tiếp các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quố .

Iran cũng được kêu gọi ngừng viện trợ cho Nga. G7 đồng thời bày tỏ lo ngại về việc cung cấp nguyên liệu, linh kiện lưỡng dụng từ các doanh nghiệp Trung Quốc có thể sử dụng để sản xuất vũ khí, thiết bị quân sự.

Ngày 23/2, Liên minh châu Âu đã công bố danh sách các biện pháp cấm vận bổ sung mới đối với Nga với các lệnh hạn chế và cấm dành cho 194 cá nhân và tổ chức pháp nhân. Tổng cộng, hơn 2.000 người Nga đã bị hạn chế ở các nước châu Âu liên quan đến Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga.

Cùng với đó, Bộ Tài chính Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt đối với nhà điều hành thẻ Mir và một số ngân hàng Nga và giải thích lý do của những hạn chế.

Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 25/2/2024: G7 có thể sử dụng tài sản phong tỏa của Nga viện trợ cho Ukraine
Trong khi chờ các gói viện trợ mới, Ukraine thực tế đang mất kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ mới. Ảnh: Lenta

Liên quan tới cuộc xung đột tại Ukraine, lãnh đạo các nước G7 cho biết đang tăng cường hỗ trợ an ninh cho Ukraine và tăng cường khả năng sản xuất, cung ứng vũ khí của mỗi quốc gia.

“Chúng tôi đang tăng cường hỗ trợ an ninh cho Ukraine cũng như tăng cường khả năng sản xuất và cung ứng quốc phòng nội địa”, trích tuyên bố của G7.

Các nước G7 cho biết họ sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine “trong thời gian cần thiết”. Ngoài ra, các G7 hứa sẽ giúp Kiev xuất khẩu ngũ cốc và nông sản ra nước ngoài

Thủ tướng Italia Giorgia Meloni, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Thủ tướng Bỉ Alexander de Croo và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã tới Kiev ngày 24/2 để thống nhất về một tuyên bố chung nhằm hỗ trợ thêm cho Ukraine. 27 quốc gia EU đã lên kế hoạch ký kết thỏa thuận bổ sung quỹ quốc phòng của EU và đồng ý mua chung đạn dược viện trợ cho Ukraine.

Kim Ngân

Theo: Báo Công Thương