Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 24/7/2024: Nga và Ukraine có thể khởi đầu đàm phán tại Olympic ở Paris?

(Banker.vn) Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 24/7/2024: Nga và Ukraine có thể khởi đầu đàm phán tại Olympic ở Paris? khi nhiều dấu hiệu cho thấy Kiev đang yếu thế.
Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 21/7/2024: Binh sĩ Nga sơ tán dân thường khỏi Krasnohorivka; Kiev muốn đàm phán với Nga Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 22/7/2024: Ông Zelensky từ chức?, Nga tạo ''nồi hầm'' New York Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 23/7/2024: Ukraine không thể giữ được tiền tuyến; Patriot không bảo vệ được Kharkov

Theo các nguồn tin từ Kiev, Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky hôm 21/7 đã “bật đèn xanh” cho khả năng đàm phán hòa bình trực tiếp với Nga, dù vấn đề này đang bị cấm tại Ukraine.

Theo lời nhà lãnh đạo Ukraine, để cuộc đối thoại giữa đại diện hai nước diễn ra, cần phải có một kế hoạch sẵn sàng để thảo luận với phía Nga.

Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 24/7/2024: Nga và Ukraine có thể khởi đầu đàm phán tại Olympic ở Paris?
Khi yếu thế trên chiến trường và nguồn viện trợ cạn kiệt, Ukraine đã phải tính tới phương án đàm phán với phía Nga. Ảnh: Getty

“Thành thật mà nói, nếu chúng tôi muốn kết thúc chiến tranh và chúng tôi có đủ sức mạnh để làm điều này, và nếu thế giới đoàn kết xung quanh Ukraine, thì chúng tôi sẽ khởi đầu nó với những người ra quyết định tại Nga”, ông Volodymir Zelensky nói.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, Tổng thống Ukraine buộc phải có bước đi xuống thang nêu trên do áp lực từ dư luận hoặc sự bế tắc trong các hoạt động quân sự. Nhà lãnh đạo Ukraine thừa nhận tình hình của Lực lượng Vũ trang Ukraine (AFU) đang ngày càng tồi tệ trên chiến trường.

Về phần mình, Điện Kremlin bình luận về tuyên bố của ông Zelensky về các cuộc đàm phán có thể xảy ra. Theo Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, Dmitry Peskov, ông không hiểu chính xác điều gì đằng sau tuyên bố của ông Zelensky.

“Chúng tôi chưa thể phán xét; có lẽ chúng tôi cần phải chờ đợi một số hành động cụ thể, nếu có”, ông Dmitry Peskov nhấn mạnh.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhiều lần khẳng định Moscow luôn sẵn sàng đàm phán về Ukraine và chưa bao giờ từ chối thảo luận về các sáng kiến ​​hòa bình, điều mà theo ông không thể nói với chính quyền Kiev hiện tại.

Theo Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Các vấn đề quốc tế Duma Quốc gia Nga, Svetlana Zhurova, ông Zelensky có thể cho phép đàm phán nhân dịp Thế vận hội Olympic ở Paris diễn ra vào ngày 26/7 tới.

“Có lẽ điều này có liên quan đến thỏa thuận ngừng bắn vào dịp Thế vận hội? Đây là thời điểm thích hợp để sắp xếp đàm phán”, bà Zhurova cho biết và lưu ý rằng phía Nga đang chờ đợi bước đi này từ Ukraine.

Nhà khoa học chính trị người Ba Lan Witold Sokala lại bày tỏ quan điểm khác. Theo ông, Tổng thống Ukraine bắt đầu cho phép đàm phán với nhà lãnh đạo Nga vì khả năng chiến thắng của ứng cử viên tổng thống Mỹ đảng Cộng hòa Donald Trump với tuyên bố sẽ chấm dứt xung đột ở Ukraine sau 24 giờ.

Chiến trường bế tắc, Ukraine muốn tìm “con dê tế thần”

Trong tuyên bố mới nhất trên Telegram, Tổng thống Ukraine đã thảo luận với quân đội tại một cuộc họp ở trụ sở chính về khả năng AFU tấn công sâu vào hậu tuyến của Nga

“Chúng tôi rất chú trọng đến khả năng tấn công ở hậu tuyến. Chúng tôi đã phân tích tính hiệu quả của các loại UAV khác nhau cũng như chiến thuật của quân đội Nga liên quan đến máy bay không người lái. Chúng tôi đã đánh giá hiệu quả của tác chiến điện tử và các phương pháp chống lại UAV khác”, ông Zelensky viết.

Theo đó, trong cuộc gặp, Tổng tư lệnh AFU, tướng Alexander Syrsky và Tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraine Anatoly Bargilevich đã báo cáo về tình hình mặt trận và cho biết, Ukraine đang thiếu các loại tên lửa tầm ngắn có khả năng tấn công sâu vào lãnh thổ Nga và mong muốn giảm sự phụ thuộc vào vũ khí và tên lửa do phương Tây viện trợ. Các chỉ huy quân sự Ukraine thừa nhận, chiến sự đang rất khó khăn dọc theo tiền tuyến.

Theo cựu chỉ huy Lữ đoàn 125, Artur Gorbenko, các sĩ quan của đơn vị này đang bị Cục Điều tra Nhà nước Ukraine (SBI) triệu tập để thẩm vấn. Cuộc kiểm tra bắt đầu vào tháng 5/2024.

“Vì lý do nào đó, trong trường hợp của chúng tôi, việc từ chức đã là ân huệ. Tôi biết có nhiều trường hợp các vụ án hình sự được khởi tố đối với một số chỉ huy đại đội, tiểu đoàn và lữ đoàn”, cựu sĩ quan AFU cho biết.

Trước đó, chuyên gia quân sự Anatoly Matviychuk nói rằng khả năng phòng thủ kém của AFU ở khu vực Kharkov là do số tiền phân bổ cho việc thành lập lực lượng này đã được sử dụng cho các mục đích khác.

Liên quan tới vấn đề động viên nhập ngũ, cựu Trung tá SBU Vasily Prozorov cho biết ở Ukraine, dòng người trốn quân dịch rời khỏi đất nước bất hợp pháp đã gia tăng.

Ông Prozorov nêu lý do khiến số lượng người trốn quân dịch trong nước gia tăng và giải thích rằng điều này là do luật mới về thắt chặt huy động. Theo ông, giờ đây người dân Ukraine hiểu rằng tình hình ở mặt trận chỉ ngày càng tồi tệ hơn.

“Kết quả tốt nhất đến từ các cảnh quay từ đường phố của các thành phố Ukraine. Đây là sự xác nhận rõ ràng nhất rằng mọi thứ đang rất rất tồi tệ với việc động viên quân dịch”, ông Prozorov nhấn mạnh.

Binh sĩ đánh thuê nước ngoài sợ hãi khi phải đối đầu với quân đội Nga

Hãng thông tấn TASS dẫn lời chỉ huy trung đội xung kích của nhóm quân Vostok cho biết, binh lính nước ngoài chiến đấu trong hàng ngũ AFU hóa ra hoàn toàn không hiệu quả.

“Hóa ra họ không đáng tin cậy. Họ đến đây để kiếm tiền ở hậu phương, huấn luyện và quay nội dung truyền thông. Trên thực tế, hiệu quả của chúng hóa ra là bằng 0”, quân nhân Nga cho biết.

Theo ông, khi phải ra mặt trận, họ hoàn toàn trốn biệt. Ông nhấn mạnh rằng Bộ chỉ huy AFU đang cố gắng đưa những binh sĩ nước ngoài ra tiền tuyến để gia cố các tuyến phòng thủ với kỳ vọng chặn được đà tiến của phía Nga, nhưng đều thất bại khi các binh sĩ đánh thuê thường lẩn tránh phải giao chiến với binh sĩ Nga.

Kim Ngân

Theo: Báo Công Thương