Trong cuộc phản công quy mô lớn của Ukraine hiện nay, khi Kiev đang dần lún chân vào cuộc chiến bị tiêu hao, nhưng Nga thì vẫn bảo toàn, thậm chí gia tăng thế và lực để chuẩn bị cho đòn đánh quan trọng đủ để khiến Ukraine không chỉ phản công thất bại, mà còn “mất cả chì, lẫn chài”.
Với việc đang tập trung đủ thế và lực, quân đội Nga có thể đang chuẩn bị cho một đợt phản công lớn tại Ukraine |
Phản công chậm chạp, Ukraine còn rất ít lựa chọn
Theo đánh giá của The Washington Post đăng tải ngày 20/8, sau những nỗ lực, kể cả việc ném gần như toàn bộ lực lượng dự bị chiến lược vào chiến trường, cuộc phản công của Ukraine đang bế tắc. Kiev đang ngày càng có ít lựa chọn chiến thuật cho cuộc phản công. Thậm chí, nó có thể kết thúc với kết quả nằm ngoài sự kỳ vọng của cả Ukraine và hơn 40 quốc gia đồng minh đã viện trợ hơn hàng trăm tỷ USD trong thời gian qua.
Cũng vì phản công chậm chạp và thiếu hiệu quả, cả Ukraine và đồng minh đang đổ lỗi cho nhau. Nếu như trong các tuyên bố gần đây, Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky thừa nhận, chính sức ép từ đồng minh và nguồn viện trợ nhỏ giọt từ đồng minh khiến Kiev mất “thời điểm vàng” để phản công. Trong khi đó, giới chức Mỹ và Anh thì cho rằng khả năng chỉ huy yếu kém, tinh thần chiến đấu bạc nhược của binh sĩ Ukraine trên chiến trường chính là nguyên nhân dân tới cuộc phản công không đạt yêu cầu đề ra.
Dù với cách giải thích nào, thực tế cuộc phản công của Ukraine cơ bản đã không đạt được yêu cầu cho dù Kiev mới đây đã tung cả những đơn vị dự tinh nhuệ nhất là Lữ đoàn dù số 82 và 37 vào mặt trận nóng bỏng Robotine. Mỗi bước tiến của quân đội Ukraine nhằm giành lấy các khu định cư đổ nát, không có mấy vai trò chiến lược như Stramaioske, Pyatykhaty, Kleshchevka hay Robotine đều trả giá đắt bằng sinh mạng của binh sĩ và tổn thất số lượng lớn trang bị quân sự.
Một trong những yếu tố khiến Ukraine phản công chậm chạp chính là khả năng cơ động và lựa chọn chiến trường của quân đội Nga. Chiến lược “giữ Nam, công Bắc” của Moscow đã khiến Ukraine không thể tập trung lực lượng để tạo quả đấm thép công phá vào hệ thống phòng thủ mang tên “phòng tuyến Surovikin” tại mặt trận Zaporizhye và mấu lồi Vremesky. Thay vào đó, Ukraine phải dàn mỏng lực lượng phòng ngừa Nga phản công ở hướng Liman và Kupyansk. Chiến lược của Nga không chỉ khiến Quân đội Ukraine phải luân chuyển, mà còn bị bộc lộ lực lượng để Moscow có thể chủ động trong các nước cờ tiếp theo.
Theo đánh giá của hãng thông tấn RIA Novosti của Nga, Ukraine cơ bản đã tung 90% lực lượng dự bị cơ động tham chiến với tổn thất khoảng 50.000 binh sĩ, cùng hàng trăm phương tiện chiến đấu từng được coi là “thánh khí” do Mỹ và phương Tây viện trợ.
Một trong những yếu tố khác khiến cuộc phản công của Ukraine đình trệ chính là nguồn viện trợ quân sự nhỏ giọt từ phương Tây. Trước hệ thống phòng thủ vững chắc của Nga, mọi tính toán hay dự trù về tiêu hao chiến tranh của Ukraine và đồng minh đều phá sản. Phụ thuộc vào viện trợ, Ukraine không có thể có nguồn lực trang bị và đạn dược so sánh với siêu cường như Nga.
Mặt khác, khi nguồn hậu cần tại chiến trường cạn kiệt, Ukraine cũng khó có thể tiếp nhận được những lô hàng quân sự viện trợ tiếp theo khi Biển Đen đã bị phong tỏa khi Thỏa thuận ngũ cốc hết hạn. Các tuyến vận chuyển trên bộ liên tục bị phía Nga tập kích.
Không phải ngẫu nhiên mà thời gian gần đây, bất kể thắng lợi nào trên chiến trường Ukraine cũng lớn tiếng nói hiệu quả của vũ khí phương Tây. Trong trận chiến giành lại ngôi làng Stramaioske mới đây, Bộ Quốc phòng Ukraine đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của xe tăng Leopard-2 và đưa ra yêu cầu cần có thêm xe tăng hay như tuyên bố của Ngoại trưởng Ukraine về việc nếu sớm có máy bay F-16 thì cuộc phản công sẽ đạt được những tiến bộ nhanh chóng và đáng kể… Chúng ta đều dễ hiệu mục đích đăng sau của những tuyên bố trên.
Nhưng thực tế không dễ dàng như vậy, kể cả trong những thông báo mới nhất ngày 20-8, Hà Lan và Đan Mạch đã cam kết viện trợ máy bay F-16 cho Ukraine, nhưng thời hạn chuyển giao là trong năm 2024. Điều này còn chưa kể tới việc các phi công, kỹ thuật viên Ukraine cần tham gia huấn luyện chuyển loại và liệu đã có thể làm chủ và thuần thục các khí tài quân sự phức tạp như máy bay F-16 để đối đầu với Không quân-vũ trụ Nga với các loại máy bay chiến đấu hiện đại và mạnh mẽ hơn.
Phản công chậm chạp, nguồn lực và tinh thần chiến đấu của binh sĩ Ukraine đang xuống rất thấp |
“Thời cơ chiến muồi” của Nga
Ở phía đối diện, kẻ từ đầu năm 2023, sau hoạt động rút lui chiến thuật trong mùa thu 2022, Quân đội Nga đã có được những gì? Họ đã âm thầm chuẩn bị chuẩn bị thế và lực và có thể lựa chọn thời điểm vàng để ra đòn tấn công chiến lược.
Xét về thực lực, dù không quá khoa trương như phía Ukraine, nhưng với đợt tổng động viên một phần tháng 10-2022 và hoạt động tăng cường tuyển binh sĩ hợp đồng và tình nguyện viên, tới thời điểm hiện tại, Moscow có không ít hơn 550.000 binh sĩ được huấn luyện và trang bị đầy đủ. Số lượng binh sĩ này được triển khai ở đâu thì không được công bố, nhưng chắc chắn họ không phải đẩy vội ra chiến trường như những tân binh Ukraine chỉ qua vài lần học bắn súng.
Một yếu tố quan trọng nữa là do hoạt động phản công không hiệu quả của Ukraine, Quân đội Nga cơ bản chưa phải tung dự bị chiến lược tham chiến. Những vị trí đột phá tốt nhất của Ukraine vẫn còn cách tuyến phòng thủ chính đầu tiên của Nga nhiều km.
Thông qua cả các nguồn tin tình báo và truyền thông, quân đội Nga đang có lực lượng dự bị đáng kể ở mặt trận phía Bắc và Đông Bắc để chuẩn bị cho các nước cờ chiến lược tiếp theo.
Còn khi xét về thế, không có chiến thắng nào dành cho những người chỉ biết phòng thủ, mà cần phải tấn công. Đối với quân đội Nga, lực lượng kế thừa của Hồng quân Liên Xô thì đó chính là phòng thủ chủ động hay lấy công làm thủ. Những động thái quân sự mạnh mẽ tại mặt trận Kupyansk và dọc tuyến Linam không chỉ nhằm kéo giãn lực lượng Ukraine, mà còn là đòn thăm dò bố trí lực lượng của đối thủ để khi cần có thể tung đòn chí mạng.
Qua những đợt tấn công tại mặt trận phía Bắc, quân đội Nga đã có “bài thuốc” về tinh thần chiến đấu và nguồn lực cạn kiệt của Ukraine sau hơn 2 tháng phản công. Cùng với đó, Ukraine cũng đang có xu hướng co cụm lực lượng về các trung tâm quan trọng như Kupyansk và Liman để tập trung phòng thủ. Trong ngày 20/8, Ukraine đã phá cây cầu quan trọng vượt qua sông Oskil nhằm cản bước tiến của Nga tới Kupyansk, còn tại hướng Liman, một mũi thọc sâu của Nga đã tiến tới làng Stel'makhivka…
Mặt khác, qua những tuyên bố mới nhất của lãnh đạo Ủy ban Quốc phòng và an ninh Duma Quốc gia Nga về khả năng xuất hiện những mặt trận mới của Chiến dịch quân sự đặc biệt thì càng chứng minh thời điểm “gấu lớn tung cú tát” đã tới gần.
Một yếu tố quan trọng không kém tại chiến trường Ukraine từng đem lại thất bại cho các đội quân viễn chinh của Pháp và phát xít Đức chính là thời tiết. Mùa Thu tại Ukraine với những cơn mưa lớn khiến mặt đất lầy lội đang tới gần. Điều kiện này sẽ cản trợ mọi hoạt động quân sự quy mô lớn cho tới đầu năm 2024, khi mặt đất cứng lại do băng giá.
Với thời gian còn lại khoảng hơn 1 tháng, nếu động binh lớn, quân đội Nga hoàn toàn có thể đẩy chiến tuyến tới sát sông Oskil, bao vây chiến thuật các trung tâm hậu cần quan trọng là Kupyansk và Liman. Thành công của hoạt động phản công này sẽ mở toang cánh cửa tiến tới 2 thành phố lớn cuối cùng của Donetsk và Kramatork và Slavyansk, cũng như đầy khối quân chủ lực của Ukraine tại Artermosk (Bakmut) vào thế bị bao vây.
Ngoài ra, thế tấn công của Nga có thể xuất hiện từ phía Bắc từ Belgorod hoặc Kursk với sự xuất hiện trở lại của nhạc công Wagner và các đơn vị đã được Quân đội Nga chuẩn bị nhiều tháng nay.
Hoạt động phản công của Nga nếu diễn ra sẽ đồng nghĩa với chiến dịch phản công của Ukraine đã thất bại. Với các tháng mùa Thu tại Ukraine, Nga có thừa đủ khả năng để xây dựng tuyến phòng thủ kiên cố mới tương tự như tại vùng Kherson bên bờ sông Oskil để ngăn mọi hành động tấn công của Ukraine.
Quan trọng hơn cả là hành động quân sự của Nga sẽ nhằm đập tan hy vọng của Mỹ và đồng minh muốn thông qua cuộc chiến Ukraine khiến Nga gục ngã trên chiến trường để mở ra cơ hội đàm phán hòa bình với lợi thế thuộc về Moscow. Điều này hoàn toàn trùng với nhận định của cựu chuyên gia phân tích CIA Larry Johnson rằng nếu thiếu viện trợ từ Mỹ và phương Tây, Ukraine khó mà trụ được vài tuần. Như vậy, quyết định cục diện chiến trường đâu phải nằm ở Kiev!
Kim Ngân (tổng hợp)
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|