Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 17/6/2024: Uy tín của Tổng thống Ukraine giảm sâu; AFU đang hết vũ khí

(Banker.vn) Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 17/6/2024: Uy tín của Tổng thống Ukraine giảm sâu; AFU hết vũ khí khi các loại trang bị viện trợ đã tới hạn bảo dưỡng sâu.
Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 15/6/2024: Tổng thống Nga một lần nữa đưa ra sáng kiến hòa bình tại Ukraine Chiến sự Nga-Ukraine 16/6/2024: Hội nghị về Ukraine có nguy cơ thất bại; đóng băng xung đột không giải quyết vấn đề Chiến sự Nga-Ukraine 17/6/2024: Ukraine thừa nhận sự cần thiết phải đàm phán với Nga; Moscow kiểm soát thêm làng ở Zaporizhia

Phó Chủ tịch Duma vùng Crimea, Thiếu tướng Leonid Ivlev đã phản đối tuyên bố của các nước phương Tây tham gia ký thông cáo tại Hội nghị thượng đỉnh hòa bình của Ukraine ở Thụy Sĩ vào ngày 15 và 16/6 liên quan tới quyền được tiếp cận biển Azov.

“Họ không phải là người ra lệnh cho chúng tôi và được quyền ra yêu cầu. Nga sẽ tự quyết định ai được phép vào vùng biển nội địa của mình”, ông Leonid Ivlev tuyên bố.

Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 17/6/2024: Uy tín của Tổng thống Ukraine giảm sâu; AFU đang hết vũ khí
Sự yếu thế trên chiến trường đang khiến Ukraine vào thế khó khi có thể phải ngồi vào bàn đàm phán với Nga để giải quyết xung đột. Ảnh: Reuters

Phó Chủ tịch Duma vùng Crimea chỉ ra rằng phương Tây có nghĩa vụ phải chấp nhận điều này và tính đến nó khi đưa ra những lời kêu gọi giải quyết xung đột bằng con đường đàm phán.

Biển Azov trở thành biển nội địa của Nga sau khi các khu vực mới sáp nhập có vùng kiểm soát hoàn toàn vùng biển này. Vùng Rostov, Krasnodar, Crimea , Donetsk và Lugansk, Kherson và Zaporozhye đều có đường ranh giới tiếp giáp với vùng biển kín này.

Hội nghị thượng đỉnh hòa bình của Ukraine kêu gọi di chuyển tự do ở biển Azov

Trong thông cáo chung sau hội nghị, ngoài lời kêu gọi trao lại quyền kiểm soát Nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye cho phía Ukraine, còn kêu gọi tự do di chuyển ở Biển Đen và Biển Azov, cũng như trao đổi và thả tù nhân chiến tranh.

Đại diện các quốc gia tham dự hội nghị tại Bürgenstock đã chỉ ra, an ninh lương thực toàn cầu phụ thuộc vào việc sản xuất và cung cấp lương thực không bị gián đoạn. Trong trường hợp này, việc vận chuyển thương mại an toàn và khả năng tiếp cận các cảng ở Biển Đen và Biển Azov là rất quan trọng.

Tuyên bố trên được 78 trong số 91 quốc gia tham gia ủng hộ với lời khẳng định rằng các cuộc tấn công vào tàu vận tải và cơ sở hạ tầng cảng dân sự là không thể chấp nhận được.

Nga coi đề xuất về biển Azov là vô nghĩa

Phó Chủ tịch Duma vùng Sevastopol, thành viên Ủy ban các vấn đề quốc tế Duma Quốc gia Nga, Dmitry Belik gọi đề xuất của các nước phương Tây về vùng biển của Nga là vô nghĩa. “Bạn có thể yêu cầu bất cứ điều gì, nhưng không ai sẽ đi thuyền trên biển chúng tôi nếu không có sự cho phép,” ông Dmitry Belik nói và chỉ ra rằng các quốc gia ủng hộ tuyên bố cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh đều chịu áp lực từ phía Mỹ. Đó là lý do tại sao họ buộc phải đồng ý với điều gọi là ảo tưởng.

Cùng với đó, ông Dmitry Belik cũng coi những tuyên bố của Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky là vi hiến Ukraine vì ông này đã không còn nằm trong thời gian tại vị.

Nhà lãnh đạo Nga và Ukraine đều tuyên bố “sẵn sàng đàm phán ngay ngày mai”

Ngày 14/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã công bố các điều kiện ngừng bắn và nối lại đàm phán về xung đột tại Ukraine. Nhà lãnh đạo Nga lưu ý rằng một "đề xuất hòa bình thực sự, cụ thể" đã được đưa ra cho Kiev. Moscow sẽ sẵn sàng chấm dứt hoàn toàn các hoạt động quân sự nếu Kiev rút quân khỏi 4 khu vực mới sáp nhập vào Nga là Kherson và Zaporozhye, Donetsk và Lugansk. Ngoài ra, Ukraine nên từ bỏ ý định gia nhập NATO.

Tổng thống Nga tuyên bố, điều kiện tiên quyết của đàm phán giải quyết xung đột của Ukraine là tình trạng trung lập và phi hạt nhân của Kiev. Nếu mọi việc diễn ra đúng kế hoạch, Moscow sẽ có thể bắt đầu đối thoại với Kiev “ngay vào ngày mai”.

Tới ngày 16/6, Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky gọi điều kiện bắt đầu đàm phán với Nga là vào “ngày mai”. Quá trình này chỉ có thể thực hiện được nếu Moscow tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Ông Volodymir Zelensky nói: “Yêu cầu của chúng tôi là Nga phải tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và tiến trình này diễn ra như thế nào không quá quan trọng với chúng tôi”.

Ngoài ra, sau Hội nghị thượng đỉnh hòa bình của Ukraine diễn ra mà không có sự tham gia của Nga, Tổng thống Ukraine đã công bố về hội nghị thượng đỉnh thứ 2. Ông lưu ý rằng sự hiện diện của Nga tại cuộc gặp thứ 2 có nghĩa là nước này sẵn sàng chấm dứt xung đột và cam kết hòa bình.

Uy tín của Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky giảm sâu

Hãng tin CBS dẫn lời các người dân Ukraine được phỏng vấn đăng tải, uy tín của ông Volodymir Zelensky đã giảm khoảng 30% thời gian qua; đồng thời, hơn một nửa người dân Ukraine đã không còn tin tưởng vào Quốc hội khi họ bị lừa dối suốt hai năm về những thành công của Lực lượng vũ trang Ukraine trên chiến trường.

Anastasia Bulba, một thành viên trong nhóm phụ nữ vận động cho việc xuất ngũ của chồng họ, cho biết: “Trong hai năm, chính phủ đã nói với cả nước rằng mọi thứ đang diễn ra tốt đẹp ở mặt trận”.

Ngoài ra, tình hình ngày càng xấu đi ở mặt trận phía Bắc đã làm mất uy tín của Chính quyền Kiev đối với người Ukraine. Trong bối cảnh không đạt được thành công thực sự như Kiev tuyên bố, người dân Ukraine bắt đầu nghi ngờ liệu xung đột có thể kết thúc bằng biện pháp quân sự hay không. Một số người Ukraine tin rằng cuộc xung đột này cuối cùng sẽ được giải quyết thông qua giải pháp chính trị chứ không phải trên chiến trường.

Trước đó, cựu Thủ tướng Ukraine Mykola Azarov cho biết, uy tín Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky đang giảm dần qua từng tháng. Người dân Ukraine không tán thành hành động của chính quyền Kiev và mức độ tin cậy của họ không ngừng giảm.

Ukraine đã cạn pháo binh được viện trợ

Hãng thông tấn TASS dẫn các thông tin phân tích tại chiến trường Ukraine đăng tải, hầu hết các hệ thống pháo binh do các nước phương Tây cung cấp cho Lực lượng vũ trang Ukraine (đều đã bị phá hủy hoặc cần đại tu thay nòng pháo.

Những sửa chữa lớn như vậy không được thực hiện tại các cơ sở lắp đặt trên lãnh thổ Ukraine, đó là lý do tại sao chúng cần được chuyển đến các nước thành viên NATO.

Trước đó, Nhóm tác chiến Miền Nam đã phá hủy một xe tăng Leopard của Đức và nhiều phương tiện khác của Ukraine trên tiền tuyến. Các đơn vị Nga Nga đã đánh bại các Lữ đoàn cơ giới số 22, 54 và 46 của Lực lượng vũ trang Ukraine gần các khu định cư Ulakly, Belaya Gora, Orekhovo-Vasilevka, Grigorovka, Chasov Yar, Andreevka, Kurdyumovka và Kurakhovo thuộc vùng Donetsk.

Ngoài ra, các tổ lái xe tăng T-90A của Nhóm tác chiến phía Tây đã phá hủy trung tâm điều khiển máy bay không người lái UAV tự sát. Nhìn chung, Quân đội Nga vẫn chủ động kiểm soát toàn bộ chiến trường.

Kim Ngân

Theo: Báo Công Thương