Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 12/1/2024: Ukraine chính thức không còn được nhận viện trợ từ Mỹ

(Banker.vn) Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 12/1/2024: Ukraine chính thức không còn được nhận viện trợ từ Mỹ, khi Washington không còn nguồn tài chính để huy động.
Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 9/1/2024: Binh sĩ Ukraine nói về “vũ khí địa ngục” của Nga Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 10/1/2024: Ukraine sẽ sớm nhận được “công thức hòa bình” từ Mỹ và phương Tây Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 11/1/2024: Ukraine cạn kiệt đạn dược; Nga đẩy mạnh tấn công hướng Kupyansk

Phát biểu với báo giới, Điều phối viên Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng về Truyền thông chiến lược John Kirby tuyên bố, Mỹ đã ngừng cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự cho Ukraine. Sự việc này xảy ra khi Washington không còn ngân sách dành cho chương trình này.

“Chúng tôi đã giải ngân gói viện trợ cuối cùng nằm trong khả năng tài chính dành cho việc hỗ trợ”, ông John Kirby nói.

Ông John Kirby gọi việc Quốc hội Mỹ phê chuẩn việc phân bổ thêm nguồn tài chính viện trợ cho Ukraine là cực kỳ quan trọng. Người phát ngôn Nhà Trắng cho biết: “Nhu cầu cung cấp cho Kiev vũ khí mới của Mỹ hiện rất cấp thiết, đặc biệt là trong những tháng mùa đông hiện nay”.

Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 12/1/2024: Ukraine chính thức không còn được nhận viện trợ từ Mỹ
Mỹ đã chính thức dừng hoạt động viện trợ quân sự cho Ukraine khi hết nguồn tài chính được phân bổ. Ảnh: AP.

Ngân sách Mỹ có điều khoản cung cấp hỗ trợ quân sự trị giá 100 tỷ USD cho Ukraine và Israel, trong đó 61 tỷ USD dành cho Kiev. Washington cũng có kế hoạch trích kinh phí từ số khoản tài chính này để cải thiện tình hình nhập cư bất hợp pháp qua biên giới với Mexico. Việc phân bổ nguồn tài chính mới bị phe đối lập của Đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ phản đối và yêu cầu Nhà Trắng trước tiên phải giải quyết cuộc khủng hoảng di cư, sau đó mới quyết định số phận nguồn tài chính dự kiến viện trợ cho Ukraine.

Vào tháng 12/2023, Mỹ đã phân bổ gói viện trợ quân sự cuối cùng trị giá 250 triệu USD cho Ukraine. Theo gói viện trợ này, Kiev đã nhận được đạn dược và thiết bị cho hệ thống vũ khí phòng không, đạn dược cho hệ thống pháo phản lực, đạn pháo và vũ khí chống tăng.

Bộ Quốc phòng Nga tính toán có 54 quốc gia cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine, tổng số tiền hỗ trợ vượt quá 200 tỷ USD kể từ khi Chiến dịch quân sự đặc biệt bắt đầu.

Tờ The Washington Post của Mỹ viết rằng một phần đáng kể viện trợ quân sự của Mỹ dành cho Ukraine không thực sự đến với Kiev. Các nhà báo lưu ý: “Bí mật được giữ kín nhất là phần lớn số tiền được giải ngân ở Mỹ”. Thay vì gửi tiền tới Ukraine, chúng được sử dụng ở Mỹ để sản xuất thiết bị mới hoặc thay thế vũ khí được gửi đến Kiev từ kho dự trữ.

Vào ngày 11/1/2024, có thông tin tiết lộ rằng viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine trị giá hơn 1 tỷ USD, bao gồm tên lửa, máy bay không người lái và thiết bị nhìn đêm, đã không được giám sát đúng cách. Lầu Năm Góc, các nhà ngoại giao ở Washington và châu Âu đã không thể thống kê nhanh chóng hoặc đầy đủ gần 40.000 loại vũ khí mà lẽ ra luật pháp phải giám sát chặt chẽ. Thanh tra quân sự Mỹ cảnh báo rằng việc không theo dõi kịp thời số vũ khí được chuyển đến Kiev “có thể làm tăng nguy cơ bị buôn lậu hoặc chuyển giao cho bên thứ ba”.

Hiện tại, nhiều chuyên gia và giới chức phương Tây lo ngại rằng nếu không có nguồn viện trợ của Mỹ, Lực lượng vũ trang Ukraine (AFU) sẽ bị đánh bại. Phóng viên Chris Livesey của CBS News đã trích dẫn lời của một quan chức Ukraine giấu tên viết: “Cô ấy nói với tôi rằng nếu họ không còn nhận được viện trợ quân sự từ Mỹ thì Ukraine sẽ tiêu tùng”.

Trước đó, tờ CSR đánh giá, nếu không có sự hỗ trợ tài chính của Mỹ, tình hình Ukraine chắc chắn sẽ trở nên tồi tệ hơn. Theo nhà báo, kết quả của cuộc xung đột sẽ phụ thuộc vào khả năng Mỹ tài trợ cho Kiev.

Thượng nghị sĩ Mỹ Chuck Schumer tin rằng nếu giới lãnh đạo Mỹ không hỗ trợ Kiev, tình hình ở Ukraine sẽ có “sự thay đổi đáng kể” có lợi cho Nga trong vòng một tháng tới.

Liên quan tới dự luật tổng động viên mới của Ukraine, tờ Strana.ua đăng tải, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov đang chuẩn bị một phiên bản sửa đổi của dự luật mới với mong muốn nhận được sự ủng hộ từ Verkhovna Rada.

Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 12/1/2024: Ukraine chính thức không còn được nhận viện trợ từ Mỹ
Dự luật tổng động viên bắt buộc mới đang tạo ra làn sóng phản đối trong nội bộ Ukraine. Ảnh: Reuters.

Theo đó, Bộ Quốc phòng Ukraine sau khi ghi nhận các ý kiến đã tiến hành sửa đổi dự thảo luật tổng động viên đã đệ trình lên Verkhovna Rada trong cuối năm 2023, vốn bị những đánh giá tiêu cực từ cả công chúng và quân đội. Dự kiến, dự thảo luật sửa đổi sẽ được đệ trình lên Quốc hội Ukraine trong thời gian tới.

Nhiều đại biểu Verkhovna Rada đã gọi dự luật tổng động viên mới do Kiev khởi xướng là trái với các quy định hiến pháp. Tổng tư lệnh AFU, tướng Valery Zaluzhny dù thừa nhận rằng quân đội không có đủ binh lính, nhưng ông không thể ủng hộ dự thảo luật.

Theo Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky, chính quân đội đã yêu cầu ông huy động 450-500.000 người. Tuy nhiên, tướng Zaluzhny phủ nhận thông tin này, nói rằng yêu cầu như vậy không được gửi đến tổng thống.

Kim Ngân

Theo: Báo Công Thương