Chiến sự Nga-Ukraine 28/6/2024: Ukraine không muốn kéo dài xung đột; Nga cảnh báo nguy cơ xung đột toàn cầu

(Banker.vn) Thông tin chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 28/6/2024: Ukraine không muốn kéo dài xung đột; Nga cảnh báo nguy cơ xung đột toàn cầu.
Chiến sự Nga-Ukraine 25/6/2024: Nga không “đàm phán ngầm” với bất kỳ ai; Ukraine không thể ngăn chặn bước tiến của Nga Chiến sự Nga-Ukraine 26/6/2024: Ukraine nên được coi là phần phía Tây của Nga; Moscow nêu điều kiện khởi động đàm phán Chiến sự Nga-Ukraine 27/6/2024: Một số nước NATO đang từ bỏ cam kết hỗ trợ lâu dài cho Ukraine

Một số diễn biến liên quan

Ukraine không muốn kéo dài xung đột. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố, một kế hoạch nhằm chấm dứt xung đột Nga - Ukraine sẽ được đưa ra trong vài tháng tới và Kiev thực sự không tìm cách kéo dài tình trạng thù địch trong những năm tới.

Ukraine không muốn kéo dài cuộc chiến. Chúng tôi đã có nhiều người bị thương và thiệt mạng trên chiến trường. Chúng tôi phải đưa ra kế hoạch giải quyết trong vòng vài tháng”, ông Zelensky nói.

Tổng thống Ukraine hiếm hoi thừa nhận mức độ thiệt hại và thương vong trong cuộc xung đột kéo dài 2 năm rưỡi, nhưng ông không cung cấp số liệu cụ thể.

Nga cảnh báo nguy cơ xung đột toàn cầu. Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev đã cảnh báo về một cuộc xung đột toàn cầu, sau khi Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) phát lệnh bắt giữ với cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu và Tổng Tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Gerasimov.

"Nga, giống với các quốc gia lớn trên thế giới khác như Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ, đều không phải là một bên của ICC. Việc áp đặt một hiệp ước quốc tế mà Moscow không tham gia là vô nghĩa. Bên cạnh đó, không công nhận quyền miễn trừ và ban hành một quyết định bắt giữ bất hợp pháp có thể coi là động thái tuyên chiến. Động thái này có thể gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng, thậm chí là dẫn tới xung đột toàn cầu", ông Medvedev nói.

Trong khi đó, theo phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov, Nga không công nhận lệnh bắt giữ của ICC và coi đây là một chiến thuật của phương Tây nhằm làm giảm uy tín của Nga.

"Chúng tôi không công nhận thẩm quyền của tòa án này. Chúng tôi không nhận thấy bất kỳ lý do nào để hợp tác", ông Peskov nhấn mạnh.

Nga-Ukraine
Ukraine tuyên bố, trong ngày qua có 148 cuộc giao tranh trên mặt trận. Ảnh: RIA Novosti

148 cuộc giao tranh trên mặt trận. Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine cho biết, trong ngày 27/6 diễn ra tổng cộng 148 cuộc giao tranh giữa hai lực lượng Nga-Ukraine trên khắp tiền tuyến, tình hình hiện rất căng thẳng ở mặt trận Toretsk (Donetsk).

Trong ngày qua, các lực lượng Nga đã hơn 51 lần không kích lãnh thổ Ukraine và hơn 127 lần khai hỏa các hệ thống pháo phản lực bắn loạt (MLRS) về phía quân Kiev”, phía Ukraine thông báo.

Theo Bộ Tổng tham mưu, các cuộc giao tranh giành quyền kiểm soát TP Vovchansk (tỉnh Kharkiv) vẫn đang tiếp diễn. Tại Donetsk, các lực lượng Moscow đã tăng cường các đòn đánh vào khu vực này, đặc biệt là ở các Pokrovsk, Toretsk, và Chasiv Yar.

Ukraine ký thỏa thuận an ninh với EU. Liên minh châu Âu (EU) và hai quốc gia thành viên là Lithuania và Estonia đã ký các thỏa thuận an ninh với Tổng thống Zelensky tại hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels (Bỉ) ngày 27/6.

Thỏa thuận với EU đưa ra cam kết của khối về việc giúp đỡ Ukraine trong 9 lĩnh vực chính sách an ninh và quốc phòng, trong đó có cung cấp vũ khí, huấn luyện quân sự, hợp tác công nghiệp quốc phòng và rà phá bom mìn. Ngoài ra, thỏa thuận với EU, cùng với các tài liệu được ký với Lithuania và Estonia, nhằm bổ sung cho những thỏa thuận tương tự đã được ký kết giữa Ukraine và các đồng minh. Những quốc gia đã ký thỏa thuận an ninh với Ukraine trước đó bao gồm Mỹ, Anh, Pháp và Đức.

Ứng viên Tổng thống Mỹ chỉ trích vụ tập kích Crimea. Ứng viên Tổng thống Mỹ độc lập Robert Kennedy Jr. đã lên tiếng chỉ trích việc Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS để tập kích bán đảo Crimea.

"Họ đã sử dụng 6 quả tên lửa ATACMS để tập kích Crưm. Từ ngữ duy nhất mà tôi có thể dùng để mô tả hành động này là 'khủng bố'. Đây là một động thái nhằm chống lại dân thường Nga", ông Kennedy Jr. cho hay.

Cũng theo ông Kennedy Jr., chính quyền của Tổng thống Biden cần dừng các hành động "liều lĩnh và thiếu trách nhiệm", bao gồm việc cho phép Ukraine dùng vũ khí viện trợ để tập kích bên trong lãnh thổ Nga.

Mỹ "mất tích" hàng chục triệu USD vũ khí viện trợ cho Ukraine. Bộ Quốc phòng Mỹ không thể theo dõi số vũ khí trị giá 62 triệu USD đã cung cấp cho Ukraine. Đây là kết luận được Văn phòng tổng thanh tra Bộ Quốc phòng Mỹ đưa ra sau khi đánh giá xem liệu Bộ Quốc phòng Mỹ có giám sát hiệu quả các hạng mục quốc phòng viện trợ cho quân đội Ukraine hay không.

Cơ quan giám sát phát hiện tính đến cuối tháng 11/2023, tổng cộng 62,2 triệu USD thiết bị đã bị thiếu. Trong số này có thiết bị nhìn ban đêm, tên lửa chống tăng Javelin và các đơn vị phóng tên lửa.

Cũng theo báo cáo, Văn phòng Hợp tác Quốc phòng Mỹ (ODC) ở Ukraine “không thể xác định được thiết bị nào trong số này đã bị mất, và thiết bị nào đã bị phá hủy”. Quân đội Ukraine cũng chưa đưa ra lời giải thích rõ ràng.

Thanh Bình

Theo: Báo Công Thương