Trong tuyên bố mới đây, Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) đã ban hành phán quyết chính thức kêu gọi Israel ngăn chặn nạn diệt chủng có thể xảy ra đối với người dân ở Dải Gaza.
Phán quyết của ICJ cho biết, Israel nên "ngăn chặn và trừng phạt" bất cứ hành vi kích động diệt chủng nào, đồng thời phải báo cáo về những gì đã làm trong một tháng. Cơ quan này không yêu cầu Israel dừng chiến dịch quân sự tại Dải Gaza.
ICJ cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về số phận của các con tin tại Dải Gaza, kêu gọi Hamas cùng những nhóm vũ trang khác lập tức thả họ vô điều kiện. Khoảng 120 con tin vẫn ở Dải Gaza, trong đó 112 người được cho là còn sống.
Israel vẫn tiếp tục hoạt động quân sự tại Dải Gaza, bất chấp sự lên án của cộng đồng quốc tế. Ảnh: Getty. |
Lãnh đạo ICJ, Joan Donoghue tuyên bố “nhận thấy quy mô của thảm kịch con người đang diễn ra trong khu vực và quan ngại sâu sắc về những đau khổ đang diễn ra của con người”. Cơ quan này cho biết thêm, quyết định này chỉ là quyết định tạm thời và vụ việc do Nam Phi đưa ra có thể mất nhiều năm để giải quyết.
Cuối tháng 12/2023, Nam Phi đã đệ đơn kiện lên Tòa án Công lý Quốc tế công nhận hành động của Israel ở Dải Gaza là tội diệt chủng. Nam Phi cáo buộc Israel vi phạm nghĩa vụ của mình theo Công ước diệt chủng và cho rằng các hành động và không hành động của Israel là diệt chủng vì họ thực hiện với mục đích tiêu diệt người Palestine ở Dải Gaza.
Phán quyết của ICJ có tính ràng buộc về pháp lý và không thể bị kháng cáo. Tuy nhiên, không phải lúc nào các quốc gia cũng tuân thủ do ICJ không có phương thức đảm bảo thực thi phán quyết của mình. Một số chuyên gia nhận định phán quyết của ICJ ngoài tính biểu tượng lớn còn có thể dẫn đến tác động thực tế.
"Điều này khiến các quốc gia khác khó tiếp tục hỗ trợ Israel hơn khi một bên thứ ba trung lập nhận thấy nguy cơ xảy ra hành vi diệt chủng", Juliette McIntyre, chuyên gia luật quốc tế tại Đại học Nam Australia, nhận định và cho rằng các quốc gia có thể rút hỗ trợ quân sự hoặc trong lĩnh vực khác cho Israel, để tránh điều này.
Ngay sau phán quyết trên của ICJ, Tổng thống Israel Isaac Herzog gọi vụ kiện của Nam Phi là “kinh hoàng và lố bịch”.
Phản ứng trước phán quyết của ICJ, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố Tel Aviv luôn tuân thủ luật pháp quốc tế và đang làm mọi thứ có thể để bảo vệ người dân của mình.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục làm mọi thứ để bảo vệ chính mình và công dân của mình, đồng thời tôn trọng luật pháp quốc tế. Giống như mọi quốc gia, Israel có quyền tự vệ cơ bản”, ông Benjamin Netanyahu viết và nói thêm rằng Israel sẽ chiến đấu cho đến khi đánh bại hoàn toàn phong trào Hamas.
Nằm trong những nỗ lực mới nhất nhằm giải quyết cuộc xung đột, Tổng thống Mỹ Joe Biden dự định cử giám đốc CIA William Burns tới đàm phán một thỏa thuận giữa Israel và Hamas.
Tờ Washington Post đăng tải: “Ông W. Burns dự kiến sẽ tới châu Âu để đàm phán và gặp gỡ các giám đốc tình báo Israel và Ai Cập David Barnea và Abbas Kamel, cũng như Thủ tướng Qatar Mohammed bin Abderrahman Al Thani”. Chương trình nghị sự của các cuộc đàm phán là việc thả tự do con tin và ngừng bắn hoàn toàn ở Dải Gaza.
Trước đó, nhiều nguồn tin tại Cận Đông cho rằng cuộc đàm phán giữa Israel và Hamas về việc thả con tin đang đi vào ngõ cụt, vì phía Israel không muốn ngừng hoạt động quân sự ở Dải Gaza. Mỹ, Qatar và Ai Cập đang cố gắng thuyết phục các bên đạt được sự đồng thuận về các vấn đề liên quan.
Quân đội Mỹ tiếp tục các hoạt động quân sự nhằm vào phong trào Houthi ở Yemen. Ảnh: AP. |
Liên quan tới cuộc xung đột, Bộ tư lệnh Trung tâm của Mỹ (CENTCOM) tuyên bố vừa tấn công các vị trí đặt bệ phóng tên lửa diệt hạm của Houthi tại Yemen.
Vụ tấn công xảy ra vào rạng sáng 27/1. Quân đội Mỹ cho biết thêm, các bệ phóng của Yemen đã lắp tên lửa và nhằm ra Biển Đỏ đã sẵn sàng để phóng. Vì nó đe dọa các tàu dân sự nên quyết định tiêu diệt nó nhằm mục đích tự vệ đã được đưa ra.
Trước đó, có thông tin tàu chở dầu Trafigura bốc cháy sau khi bị lực lượng Houthi tấn công ở Biển Đỏ. Rất may không có ai bị thương trong vụ tấn công.
Kim Ngân
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|