Chiến sự Israel-Hamas ngày 10/6/2024: Binh sĩ Israel hoài nghi kế hoạch hậu chiến; Phe đối lập Israel phản đối Chính phủ

(Banker.vn) Chiến sự Israel-Hamas ngày 10/6/2024: Binh sĩ Israel hoài nghi về kế hoạch hậu chiến ở Dải Gaza; Tel Aviv lục đục khi phe đối lập Israel phản đối Chính phủ.
Chiến sự Israel-Hamas ngày 8/6/2024: Israel tiếp tục không kích Dải Gaza; Liên hợp quốc cho IDF vào “danh sách đen” Chiến sự Israel-Hamas ngày 9/6/2024: Israel bất ngờ tấn công giải cứu con tin, 210 dân thường thiệt mạng Cận cảnh khoảnh khắc “nghẹt thở” đặc nhiệm Israel giải cứu con tin ở Dải Gaza

Để mở chiến dịch quy mô lớn tấn công vào Dải Gaza từ tháng 10/2023, Israel đã gọi tái ngũ hàng trăm nghìn quân nhân dự bị để thực hiện nhiệm vụ chiến đấu và hỗ trợ.

Những người lính dự bị này luôn cam kết phục vụ đất nước, nhưng cũng hoài nghi về những gì sẽ xảy ra tiếp theo. Dải Gaza sẽ ra sao sau chiến sự và ai sẽ quản lý khu vực đang là câu hỏi quan trọng nhất đối với những người lính Israel vừa tham chiến ở dải đất.

Chiến sự Israel-Hamas ngày 10/6/2024: Binh sĩ Israel hoài nghi kế hoạch hậu chiến; Phe đối lập Israel phản đối Chính phủ
Nhiều binh sĩ Israel hoài nghi về kết quả chiến dịch quân sự đang được Tel Aviv thực hiện. Ảnh: AP

Hầu hết người Israel ủng hộ nỗ lực của Chính phủ nhằm tiêu diệt lực lượng Hamas, coi đây là một trận chiến sinh tồn. Tuy nhiên, Tel Aviv hiện không đạt được đồng thuận chính trị về cách quản lý Dải Gaza sau khi giao tranh kết thúc.

Đây là câu hỏi đang khiến giới lãnh đạo Israel đau đầu và làm phật lòng các đồng minh. Nó cũng là thứ đang đè nặng tâm trí một số quân nhân dự bị khi bị kéo vào một cuộc chiến dường như không có hồi kết.

"Tôi thực sự muốn biết kết cuộc sẽ ra sao, nhưng không ai có câu trả lời cho chúng tôi", Lia Golan, 24 tuổi, lính dự bị thuộc lực lượng tăng thiết giáp, đồng thời là sinh viên Đại học Tel Aviv, nói.

Lia Golan đã phục vụ ở miền Nam Israel hơn hai tháng sau khi xung đột bùng phát. Cô nói rằng bản thân cảm thấy lo lắng trước những tổn thất mà xung đột gây ra: Các con tin Israel ở Gaza đang chết, binh lính đang bỏ mạng trên chiến trường và công dân Israel vẫn phải sơ tán. Sau thời hạn phục vụ, Lia Golan quay lại cuộc sống dân sự bình thường, nhưng cô sẽ không ngần ngại tiếp tục tái ngũ nếu được gọi.

"Mọi người đang chiến đấu và thiệt mạng, làm sao tôi có thể nói không?", cô Lia Golan nhấn mạnh.

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã huy động đại đa số trong 465.000 lính dự bị vào những ngày đầu xung đột. Họ tuyên bố sẽ "xóa sổ" Hamas, sau khi các tay súng của nhóm này sát hại khoảng 1.200 người Israel và bắt hơn 250 người đưa về Dải Gaza làm con tin trong cuộc đột kích chưa từng có ngày 7/10/2023.

Sau vài tháng tham chiến, nhiều lính dự bị được giải ngũ và quay lại với công việc thường nhật. Nhưng khi chiến sự kéo dài, quân đội Israel tiếp tục triệu tập lính dự bị, yêu cầu họ quay lại đơn vị chỉ sau vài ngày thông báo. Một số lữ đoàn dự bị đang chiến đấu ở Rafah, phía Nam Dải Gaza, và tham gia một chiến dịch gần đây ở Jabalya, phía bắc dải đất.

"Một đơn vị dự bị thực sự giống như gia đình và nó mang lại rất nhiều động lực chiến đấu", Ariel Heimann, chuyên gia cấp cao tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia ở Tel Aviv, cựu lãnh đạo lực lượng dự bị của IDF, chia sẻ.

Chiến sự Israel-Hamas ngày 10/6/2024: Binh sĩ Israel hoài nghi kế hoạch hậu chiến; Phe đối lập Israel phản đối Chính phủ
Cuộc chiến tại Dải Gaza chưa có dấu hiệu sớm kết thúc. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, lính dự bị Israel cũng giống như sợi dây cao su, nếu kéo quá căng và lâu, cuối cùng nó sẽ đứt. "Chúng ta phải rất cẩn thận trong việc sử dụng lực lượng dự bị", ông Heimann lưu ý.

Trước xung đột, lính Israel xuất ngũ được xếp vào diện dự bị, có thể phải phục vụ 54 ngày mỗi năm trong 3 năm để duy trì trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Tuy nhiên, Israel đã ban bố tình trạng khẩn cấp hồi tháng 10/2023, cho phép Bộ Quốc phòng liên tục triệu tập quân dự bị.

Chiến dịch tấn công trên bộ vào Dải Gaza tới nay đã khiến ít nhất 293 binh sĩ Israel thiệt mạng, nhưng Chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu vẫn chưa vạch ra được tầm nhìn chiến lược để chấm dứt chiến sự và quản lý Gaza hậu xung đột, gây chia rẽ và bất bình ngay bên trong nội các thời chiến.

Theo thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu Pew công bố gần đây, 40% người Israel tin rằng quân đội nước này nên quản lý Gaza sau xung đột.

Liên quan tới cuộc xung đột, Thủ lĩnh phe đối lập Benny Gantz tuyên bố rời nội các chiến tranh Israel, cáo buộc Thủ tướng Benjamim Netanyahu ngăn cản nước này giành "chiến thắng đích thực" ở Dải Gaza.

"Ông Netanyahu ngăn cản Israel tiến tới chiến thắng đích thực ở Dải Gaza. Đó là lý do chúng tôi phải rời khỏi Chính phủ khẩn cấp với trái tim nặng trĩu", Bộ trưởng nội các chiến tranh Benny Gantz tuyên bố.

Nội các chiến tranh của Israel gồm 3 nhân bật là ông Gantz, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant. Đây là ủy ban được thành lập trong thời kỳ chiến tranh để điều phối hoạt động chiến đấu một cách hiệu quả, chịu trách nhiệm đưa ra tất cả các quyết định lớn trong xung đột.

Ông Benny Gantz, đối thủ chính trị chính của Thủ tướng Israel, nhấn mạnh ông rời khỏi nội các chiến tranh vì tình hình ở Israel và cơ quan ra quyết định đã thay đổi.

Ông này cáo buộc Thủ tướng Netanyahu đặt các toan tính chính trị cá nhân lên trên chiến lược thời hậu chiến của Israel tại Dải Gaza, dẫn đến việc "trì hoãn" đưa ra các quyết định quan trọng. Quan chức này cũng kêu gọi người đứng đầu chính phủ Israel tổ chức bầu cử sớm trong những tháng tới.

Kim Ngân

Theo: Báo Công Thương