Chỉ số GDP (phần 2): Yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số GDP và ý nghĩa của chỉ số GDP

(Banker.vn) Trong khuôn khổ phần 1 của bài viết, chúng ta đã tìm hiểu về khái niệm và cách tính chỉ số GDP. Ở phần này, tôi sẽ cùng bạn đọc tìm hiểu tiếp theo về yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số GDP và ý nghĩa của chỉ số GDP.

Yếu tố ảnh hưởng đến GDP

Chỉ số kinh tế GDP chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố khác nhau của nền kinh tế quốc gia đó. Nhưng trong đó, có 3 yếu tố chính ảnh hưởng quan trọng đến chỉ số GDP đó là:

Chỉ số GDP (phần 1): Khái niệm và cách tính GDP

Yếu tố dân số

Yếu tố dân số được xem là yếu tố ảnh hưởng quan trọng, không thể tách rời đến GDP. Bởi đây là nguồn cung cấp lao động tạo ra cải vật chất, tinh thần, và cũng là đối tượng tiêu thụ các sản phẩm, dịch vụ được tạo ra. Vì thế yếu tố dân số giúp bạn có thể dễ dàng tính toán GDP bình quân đầu người trên một lãnh thổ ở một thời điểm nhất định.

Chỉ số GDP (phần 2): Yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số GDP và ý nghĩa của chỉ số GDP
Hình minh họa

Yếu tố FDI

Với tên tiếng Anh là Foreign Direct Investment, FDI là chỉ số phản ánh mức độ đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đây là một hình thức đầu tư dài hạn của cá nhân, tổ chức nước này vào nước khác, FDI là một nhân tố then chốt trong quá trình sản xuất bởi nó bao gồm tiền bạc, vật chất, phương tiện sản xuất, cơ sở hạ tầng, hoạt động xã hội liên quan,…

Yếu tố lạm phát

Lạm phát là thuật ngữ chỉ sự tăng mức giá chung liên tục của hàng hóa, dịch vụ theo thời gian, điều này khiến giá trị của một loại tiền tệ nào đó bị mất giá đáng kể. Do vậy lạm phát luôn là vấn đề được quan tâm ở lĩnh vực kinh tế.

Nếu quốc gia muốn tăng trưởng nhanh, với mức độ cao thì cần khống chế lạm phát ở mức độ nhất định. Vì khi lạm phát tăng cao sẽ làm ngộ nhận về sự tăng trưởng GDP gây ra khủng hoảng kinh tế.

Ý nghĩa của chỉ số GDP

Trong lĩnh vực kinh tế, không thể phủ nhận được tầm quan trọng chỉ số GDP. Tìm hiểu những ý nghĩa mà chỉ số GDP đem lại đối với một quốc gia, cụ thể như sau:

GDP là thước đo chính xác nhất để đánh giá tốc độ tăng trưởng kinh tế một quốc gia vào một thời điểm nhất định. Đồng thời, nó cũng thể hiện và phản ánh sự biến động của hàng hóa, dịch vụ theo thời gian.

Khi chỉ số GDP có sự suy giảm, thì nó sẽ có tác động không tốt đến nền kinh tế. Không chỉ như vậy, GDP giảm còn có thể dẫn đến các tình trạng nghiêm trọng như suy thoái kinh tế, lạm phát, thất nghiệp, giá trị đồng tiền giảm sút… Những ảnh hưởng này sẽ tác động trực tiếp đến lĩnh vực sản xuất của doanh nghiệp và đời sống người dân.

GDP bình quân đầu người sẽ giúp bạn biết mức thu nhập tương đối và chất lượng cuộc sống ở các quốc gia.

GDP cũng là yếu tố giúp các các nhà đầu tư nước ngoài có cái nhìn tổng quan, đánh giá về tiềm năng phát triển của một quốc gia. Từ đó có quyết định đầu tư phù hợp.

Dựa vào chỉ số GDP, chính phủ mỗi nước sẽ áp dụng các chính sách tiền tệ phù hợp với nền kinh tế. Chính phủ có thể tăng hoặc giảm các chính sách để thúc đẩy nền kinh tế hay siết chặt các chính sách để ngăn chặn lạm phát.

Phân biệt GDP và GNP

GDP và GNP là hai chỉ số được quan tâm trong lĩnh vực kinh tế. Nói đến GDP và GNP là nói đến vấn đề phát triển kinh tế của một quốc gia. Rất nhiều người nhầm lẫn hai chỉ số này khi nhìn nhận nền kinh tế của một quốc gia. Bảng sau sẽ giúp bạn phân biệt các điểm giống và khác nhau giữa hai chỉ số GDP và GNP:

Tiêu chí

Chỉ số GDP

Chỉ số GNP

Giống nhau

- Đều là chỉ số được sử dụng trong lĩnh vực kinh tế vĩ mô để đánh giá sự phát triển kinh tế của một quốc gia.

- Cả GDP và GNP đều là con số cuối cùng của một quốc gia/năm.

- Được xác định theo công thức cụ thể

Khác nhau

Khái niệm

- GDP là tổng sản phẩm quốc nội hay tổng sản phẩm nội địa. Theo đó, GDP chỉ tổng giá trị của tất cả các loại hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ… của một quốc gia đạt được trong vòng 1 năm. GDP càng cao thì nền kinh tế của quốc gia đó càng mạnh và ngược lại.

- GNP (tiếng anh là Gross National Product) có nghĩa là tổng sản lượng quốc gia hay tổng sản phẩm quốc gia. GNP chỉ tổng giá trị bằng tiền thu được từ các sản phẩm và dịch vụ cuối cùng mà tất cả công dân của một quốc gia tạo ra trong một năm. GNP đánh giá sự phát triển kinh tế của một đất nước.

Công thức tính

Công thức tính GDP là tổng tiêu dùng:

GDP = C + I + G + NX

Công thức tính GNP là tổng sản phẩm quốc gia: GNP = C + I + G + (X – M) + NR

Bản chất

- GDP là chỉ số tổng sản phẩm quốc nội (trong nước)

- Chỉ số GDP là toàn bộ giá trị được các thành phần kinh tế hoạt động trong lãnh thổ của quốc gia đó tạo ra trong khoảng thời gian 1 năm.

- Các thành phần kinh tế đóng góp vào chỉ số GDP bao gồm các thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài hoạt động tại quốc gia đó.

- GDP là chỉ số dùng để đánh giá sức mạnh nền kinh tế một quốc gia.

- GNP là chỉ số phản ánh tổng sản phẩm quốc dân (trong nước và ngoài nước)

- Chỉ số GNP là toàn bộ giá trị được công dân mang quốc tịch nước đó sản xuất ra trong thời gian 1 năm. Công dân quốc gia đó có thể tạo ra các giá trị ở cả trong và ngoài lãnh thổ quốc gia đó.

Ghi chú:

C = Chi phí tiêu dùng cá nhân

I = Tổng đầu tư cá nhân

G = Chi phí của nhà nước

NX = “xuất khẩu ròng” của nền kinh tế

X = Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ

M = Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ

NR= Thu nhập ròng từ các hàng hóa và dịch vụ đầu tư ở nước ngoài (thu nhập ròng)

Hạn chế của GDP

Chỉ số GDP không thể hiện đầy đủ và kiểm soát các hoạt động sản xuất như tự cung, tự cấp, chất lượng của hàng hóa…

Chỉ số GDP không định lượng được giá trị phi chính thức từ hoạt động kinh tế như việc làm ngoài giấy tờ, kinh doanh thị trường chợ đen, công việc tình nguyện…

Chỉ số GDP không tính được lợi nhuận kiếm từ các quốc gia nước người gửi lại nhà đầu tư nước ngoài ở trong trong quốc gia đó.

Chỉ số GDP không xem xét các hoạt động giữa doanh nghiệp, hoạt động trung gian mà chỉ xem xét sản xuất hàng hóa cuối cùng và đầu tư vốn.

Mức tăng trưởng GDP không đo lường chính xác được sự phát triển của một quốc gia và đời sống người dân. Bởi GDP chỉ phản ánh chủ yếu đến sản lượng vật chất, không xem xét đến tình hình phát triển tổng thể của quốc gia.

Diệp Quỳnh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục